Người Nhật và người Hoa cùng xây cầu trấn yểm thủy quái tại Việt Nam
Theo những ghi chép lịch sử, ở Việt Nam có một nơi mà người Nhật Bản và người Hoa khi đến nơi liền mời thầy phong thủy giỏi tới xem địa hình. Sau khi phát hiện thủy quái họ đã tiến hành xây cầu trấn yểm…
Nơi đây chính là Chùa Cầu tại phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Chùa Cầu được xây dựng từ thế kỷ 17 gồm hai cá thể là cầu và chùa được xây bắt ngang qua một lạch nước rộng gần 10m chảy ra sông Thu Bồn.
Cây cầu có chiều dài khoảng 18m, kết cấu rất tỉ mỉ công phu theo kiểu phía trên là nhà phía dưới là cầu, tức cầu có mái che. Chùa Cầu có tổng cộng 7 gian, 5 gian ở giữa nằm trên mặt nước, 2 gian còn lại mỗi gian nằm ở 2 đầu cầu bên bờ Phía Đông và phía Tây.
Theo người dân địa phương thì cây cầu này do người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ 17, còn ngôi chùa là do người Minh Hương dựng lên vào năm 1653 để thờ Bắc Đế Trấn Vũ.
Người Nhật xây cầu trấn yểm thuỷ quái
Trong sách ‘Đại Nam nhất thống chí’ của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi: “Cầu nằm ở phường Cẩm Phô, phía Tây phố Hội An, huyện Diên Phước. Cầu bắc ngang qua con lạch, nước phía dưới chảy về phía Nam đổ vào sông Cái. Tương truyền cây cầu này do người khách buôn Nhật Bản bắc, dưới cầu xây đá, trên lát ván, gác mái gồm 7 gian lợp ngói.”
Còn sách ‘Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước’, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng có đề cập vài chi tiết ngắn gọn về vị thế trấn yểm của Chùa Cầu. Theo đó những người Nhật đầu tiên qua đây sinh sống trên con phố Faifo gần Chùa Cầu, thường xuyên nhìn thấy trên mặt sông Hoài hay xuất hiện sống lưng con quái vật Namazu.
Loài thủy quái này có tên Tiếng Việt là con Cù, người Hoa gọi nó là Câu Long. Trong Thần thoại Nhật Bản quái vật Namazu có hình dáng giống một con cá trê khổng lồ. Kích thước loài vật này vô cùng to lớn với đầu ở Ấn Độ còn đuôi ở tận vùng đất Phù Tang xứ sở Nhật Bản.
Theo truyền thuyết trong dân gian Nhật Bản thì đây là một con thuỷ quái rất lợi hại. Khi nó trở mình hay quẫy đuôi thì nước Nhật liền bị động đất, thậm chí có cả núi lửa phun trào, gây đại hoạ. Là đất nước thường xuyên xảy ra thảm họa thiên nhiên như động đất, núi lửa, sóng thần…
Người Nhật cho rằng ở phía Đông lục địa châu Á có một con thuỷ quái có kích thước rất dài; đầu nó ở phương Bắc Châu Á (giáp Châu Bắc Cực), mình ở bên Nhật Bản, đuôi kéo dài xuống tận Việt Nam. Mỗi lần Thuỷ quái trở mình, cả lục địa châu Á liền rung chuyển. Với kinh nghiệm của mình, người Nhật khi qua định cư tại Hội An đã cố gắng tìm “thầy phù thuỷ” giỏi để xem thế đất và xây dựng cầu ở nơi đây.
Theo thuật phong thủy thì cây cầu này tượng trưng cho thanh bảo kiếm đâm xuống huyệt trên lưng con thủy quái, khiến nó không thể vùng vẫy, cựa quậy được nữa. Từ đó giảm bớt thiên tai động đất.
Hai đầu cầu còn được đặt tượng Khỉ đá và Chó đá. Người Nhật xem 2 loài vật này là linh thú và bái thờ chúng từ cổ xưa. Đồng thời vì cây cầu này được động thổ vào năm Thân, hoàn thành vào năm Tuất, nên người Nhật mới dùng tượng Khỉ và Chó để trấn yểm 2 đầu cầu.
Người Hoa tiếp tục hoàn thiện cây cầu
Đến năm 1633, Nhật Bản có biến động, Nhật Hoàng ra lệnh đóng cửa không quan hệ giao thương với nước ngoài, đồng thời yêu cầu người Nhật đang sống ở nước ngoài phải lập tức hồi hương. Phố Nhật Bản tại Hội An dần rơi vào thời kỳ suy tàn và chùa Cầu được giao lại cho người Việt cai quản.
11 năm sau, tức năm 1644 Trung Quốc thay triều đổi đại, nhiều người nhà Minh vì sợ nhà Thanh truy sát nên chạy sang Hội An nhờ Chúa Nguyễn Phúc Lan gia nhập quốc tịch Việt Nam. Từ đó họ thành lập làng Minh Hương tại cảng thị Hội An. Sau này Chúa Nguyễn giao cây cầu mà người Nhật Bản xây lại cho nhóm người Hoa này quản lý. Họ có nhiệm vụ chăm lo và sửa chữa cầu.
Điều trùng hợp là những người Minh Hương này cũng cho rằng phía dưới chân cầu có hang ổ của loài thủy quái dữ tợn, nó thường xuyên ẩn mình dưới đáy bùn nước, khi gặp sóng to, gió lớn, nước dâng cao thì nó sẽ tỉnh giấc trở mình quẫy đuôi làm nước sông dâng ngập cả phố cổ gây thiệt hại lớn cho dân làng. Để yểm trừ, người Minh Hương cho xây dựng thêm ngôi chùa nhỏ nằm sát cầu để thờ Bắc Đế Trấn Vũ.
Bắc Đế Trấn Vũ là vị Thần có khả năng trị thủy. Nhằm giúp người dân nơi đây có thể thuận buồm xuôi gió trong làm ăn buôn bán, không bị lũ lụt, động đất đe dọa nên người Minh Hương đã lập miếu thờ, đắp tượng thần rồi làm rễ rước Bắc Đế Trấn Vũ về đây thờ tự.
Bên trên là những ghi chép và truyền thuyết được lưu truyền về Chùa Cầu. Có thể thấy cây cầu cổ này mang bên mình khá nhiều điều thần bí. Nó không chỉ là một công trình chứa đựng những giá trị kiến trúc đặc sắc, mà còn là nơi giao thoa của 3 nền văn hóa Nhật – Việt – Hoa.
Tử Vi (t/h)