Người nghèo kiểu Trung Quốc: Nắm giữ tài sản bạc triệu nhưng vẫn phải lo cơm ăn áo mặc
Tại Trung Quốc, giá nhà ở các thành phố cấp một đã lên tới hơn 50.000 nhân dân tệ (NDT) mỗi m2, và hầu hết giá ở các thành phố cấp ba và cấp bốn đã lên tới hơn 10.000 NDT mỗi m2. Trung bình, những người trẻ tuổi ở Trung Quốc đại Lục mua nhà ở tuổi 27, sớm hơn ít nhất 10 năm so với ở nước ngoài. Không ít “dân nghèo” kiểu Trung Quốc sở hữu bất động sản tiền triệu như thế này nhưng lại không thể đảm bảo cuộc sống cơ bản.
Trong năm qua, ngành bất động sản Trung Quốc đã có những thay đổi to lớn về nhiều mặt. Giá nhà đất đã ngừng tăng và dần ổn định, đầu cơ bất động sản ở một mức độ nhất định đã bị kìm hãm. Về thị trường bất động sản, nó đang diễn biến theo hướng lành mạnh hơn. Chính vì vậy, thị trường bất động sản năm 2019 không mấy nóng, giới đầu cơ bắt đầu “thu lại” nhu cầu đầu tư, dẫn đến doanh số bán bất động sản cả nước năm 2019 giảm sút nhất định.
Trong năm nay có thể thấy, các chính sách kiểm soát thị trường bất động sản vẫn đang được nâng cấp và các cơ quan chức năng đã tăng cường hơn nữa các nỗ lực để chống đầu cơ bất động sản, có thể thấy rõ quyết tâm của họ trong việc ổn định thị trường bất động sản.
Cách đây không lâu, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị – Nông thôn đã thí điểm cấp vốn “ba lằn ranh đỏ”. Những người trong ngành cho rằng mục đích là để kiểm soát mức đầu cơ tích trữ của các công ty bất động sản và ngăn ngừa rủi ro vỡ nợ. Đối với những công ty bất động sản đã tăng đầu tư trong giai đoạn đầu và mù quáng mua đất trữ chờ tăng giá, thì cuộc sống có thể gặp khó khăn.
Có lẽ chính vì vậy, thuận theo “Vàng chín, Bạc mười” (Tháng 9 và tháng 10 là mùa thu hoạch nên người Trung Quốc sẽ có tiền để chi tiêu nhiều hơn) thì tin tức về các đợt giảm giá của các công ty bất động sản đã sớm xuất hiện, thậm chí còn mạnh hơn cả những đợt chào bán đầu năm.
Một số chuyên gia cho rằng, do tác động của môi trường chung nên các chương trình khuyến mại giảm giá nhắm vào dịp “Vàng chín bạc mười”, có lẽ đó mới chỉ là bước khởi đầu, để giảm bớt áp lực cho chính mình, các công ty bất động sản có thể sẽ hạ giá thêm.
Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn lạc quan về giá nhà đất. Cách đây không lâu, Vương Phúc Trọng, giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh tế Tài chính Trung ương đã bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề mua nhà. Vương Phúc Trọng cho rằng, người thu nhập thấp càng nên tìm cách mua nhà càng sớm càng tốt, giữ tư tưởng “đợi giá xuống rồi mới mua” là rất nguy hiểm, sẽ gặp rủi ro không nhỏ. Rốt cuộc, đã hơn chục năm chờ giá nhà giảm, thay vì giảm thì giá nhà vẫn tăng, chỉ có thể trơ mắt nhìn số tiền của mình từ có thể “thanh toán đầy đủ” biến thành tiền “đặt cọc”.
Những ngôi nhà có giá 1 triệu NDT ngày càng ít đi
Đối với giá nhà đất hiện nay, một ngôi nhà có giá tiền triệu không còn là điều mới lạ. Kể từ khi nhà đất gia nhập thị trường, giá nhà đất ở Trung Quốc bắt đầu tăng cao. Nhìn vào hiện tại, giá nhà ở các thành phố cấp một đã vượt quá 50.000 NDT mỗi m2, và thậm chí giá nhà ở các thành phố cấp ba và cấp bốn đã vượt quá 10.000 NDT. Tính đến thời điểm hiện tại, giá nhà đất tại hơn 60 thành phố của Trung Quốc đã vượt quá 10.000 NDT, trong đó các thành phố cấp 3 và 4 chiếm hơn 30%.
Đối với thị trường bất động sản, 1 triệu đại diện cho điều gì? Ở các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, 1 triệu thì ngay cả tiền cọc cũng không đủ. Ngay cả ở các thành phố cấp ba và cấp bốn, cũng chỉ có thể miễn cưỡng mua một căn hộ bình thường nhất mà thôi. Giá nhà đất cao như vậy đã vượt quá khả năng chi trả của hầu hết mọi người.
Tuổi tác còn quá trẻ để mua nhà ở Trung Quốc
Phùng Tôn, người sáng lập Tập đoàn Vạn Thông, từng cho biết độ tuổi trung bình của người Trung Quốc mua căn nhà đầu tiên là 27 tuổi, trong khi ở các nước phát triển, độ tuổi mua căn nhà đầu tiên trung bình là 37-40 tuổi. Ngoài Trung Quốc, hầu như không có quốc gia nào trên thế giới có thể mua được nhà ở tuổi 27.
Nguyên nhân khiến độ tuổi mua nhà trung bình của người Trung Quốc trẻ hơn rất nhiều so với các nước phát triển không phải là người ta không muốn đến năm 40 tuổi mới mua nhà mà là do áp lực cuộc sống buộc phải ra sức để mua nhà. Phải mua nhà khi kết hôn, phải mua nhà khi con đi học và lo lắng rằng giá nhà sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, đối với những người trẻ tuổi ở Trung Quốc, việc mua nhà không phải là bản thân họ có thể tự quyết định được.
Người nắm giữ bất động sản tiền triệu nhưng lại “Nghèo rớt mồng tơi” ngày càng nhiều
Những ngôi nhà có giá 1 triệu ngày càng ít, nhưng người tay cầm bất động sản tiền triệu mà “Nghèo rớt mồng tơi” thì lại ngày càng nhiều. Đối với hầu hết các bạn trẻ hiện nay, việc kiếm được 1 triệu trước 27 tuổi là rất khó.
Nếu tính là 22 tuổi tốt nghiệp đại học, vậy trong năm năm làm việc nếu không ăn uống thì lương hàng năm sẽ đạt 200 nghìn tệ, tương đương gần 17 nghìn tệ mỗi tháng. Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố năm 2018 thì thu nhập hàng tháng trên 10.000 nhân dân tệ đã thuộc nhóm thu nhập cao. Tuy nhiên, để đạt được mức thu nhập như vậy rõ ràng là điều không hề dễ dàng đối với các bạn trẻ mới ra trường.
Bằng cách này, áp lực mua nhà đổ lên thế hệ lớn tuổi. Nhiều gia đình vì muốn mua nhà cho con cái đành phải vét cạn túi tiền của cả gia đình mới có thể miễn cưỡng trả nổi tiền cọc, sau đó lại cần con cái trả phần còn lại một mình. Điều này dẫn đến việc nhiều bạn trẻ dù có sự giúp đỡ của gia đình nhưng chi tiêu hàng tháng vẫn rất eo hẹp do ảnh hưởng của số tiền nợ còn lại trong việc mua nhà, nên dù được ở trong những căn nhà trị giá tiền triệu nhưng thực chất là “nghèo rớt mồng tơi” .
Vào tháng 4 năm nay, ngân hàng trung ương đã phát hành “Báo cáo điều tra tài sản và nợ phải trả của hộ gia đình ở đô thị Trung Quốc năm 2019”. Báo cáo cho thấy nhà ở chiếm khoảng 70% tổng tài sản hộ gia đình, trong khi các khoản nợ do mua nhà chiếm 75,9% tổng nợ hộ gia đình. Nói cách khác, đối với hầu hết các gia đình mà nói thì nhà ở không chỉ là tài sản lớn nhất của gia đình mà còn là ngọn nguồn thiếu nợ của gia đình, người Trung Quốc gần như đem toàn bộ số tiền của họ để mua nhà.
“Triệu phú” và “bần hàn” tưởng chừng là hai từ có nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau, nhưng ở Trung Quốc chúng được nối với nhau bằng nhà ở. Chẳng trách Jack Ma than thở rằng nợ nần chồng chất hạn chế khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của người trẻ.
Minh Huy (Theo Epoch Times)
Theo epochtimes.com