Người Inca đã sở hữu kỹ thuật phẫu thuật sọ từ 2.000 năm trước
Hàng nghìn năm trước khi kỹ thuật gây mê và các dụng cụ y tế chính xác ra đời, con người đã thực hiện các ca phẫu thuật phức tạp. Trong đó, đáng kinh ngạc nhất là kỹ thuật khoan sọ của người Inca.
Một số bộ phận của hộp sọ sẽ được cạo, cắt hoặc khoan bỏ để điều trị mọi vấn đề như các chấn thương ở đầu, cũng như có thể điều trị những cơn đau. Một số nhà khoa học còn nghĩ rằng phẫu thuật sọ được sử dụng để tách linh hồn khỏi cơ thể trong các lễ nghi thời xưa.
Theo tập san Surgical Neurology International, khoảng 1.500 hộp sọ đã trải qua phẫu thuật khoan sọ được tìm thấy trên khắp thế giới, từ châu Âu đến vùng Scandivania và Bắc Mỹ; từ Nga, Trung Quốc đến Nam Mỹ, đặc biệt là ở Peru.
Tại phía nam trung tâm vùng cao nguyên Andes, phẫu thuật khoan sọ xuất hiện từ năm 200 đến 600. Phương pháp chữa trị này được sử dụng rộng rãi cho đến đầu thế kỷ XVI. Ở Trung Quốc, nó đã được áp dụng trong hàng ngàn năm liền.
Con người đã sống sót và hồi phục sau phẫu thuật rất nhiều lần. Mặc dù hậu quả để lại là những vết sẹo trên xương nhưng các lỗ đục và hộp sọ thì đã lành lại, theo nghiên cứu công bố trên tập san American Journal of Physical Anthropolgy.
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí World Neurosurgery, hơn 800 hộp sọ đã được tìm thấy tại cao nguyên Andes của Peru đã chỉ ra các dấu hiệu của việc khoan sọ khi có đến một hoặc vài lỗ được cắt theo dạng phẫu thuật trên đầu họ.
Những hộp sọ này có niên đại khoảng năm 400 TCN cho thấy trình độ của các nhà các nhà y học Inca cổ đại không hề tầm thường, họ thực sự là các chuyên gia trong giải phẫu hộp sọ. Trong thời đại Đế Chế Inca, tỷ lệ sống sót khi thực hiện giải phẫu sọ người cao gấp đôi so với thời Nội chiến Mỹ!
Trong khi các ca phẫu thuật sọ đã được tiến hành trên khắp thế giới trước kia, nhưng các chuyên gia cho biết không nơi nào có được kỹ thuật khoan sọ như ở Peru. Trong quá trinh khai quật vào cuối những năm 1800 và đầu 1900, hàng trăm hộp sọ được tìm thấy chủ yếu trong các hang chôn cất, nhiều hơn tổng số hộp sọ khoan trên toàn thế giới cộng lại.
Theo các nhà nghiên cứu, vấn đề vệ sinh chắc chắn đã đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của các ca phẫu thuật sọ. Và qua gần 2.000 năm, các nhà giải phẫu cổ xưa này đã cải tiến kỹ thuật của họ để chỉ gây ít thương tích nhất có thể.
Trái ngược với điều đó, các bác sỹ giải phẫu trong Nội chiến Mỹ thường sử dụng các dụng cụ không được khử trùng và khám các vết thương hở bằng tay không.
Các nhà nghiên cứu có thể đánh giá khả năng sống sót của bệnh nhân dựa trên bằng chứng của quá trình hồi phục; trong trường hợp không có dấu hiệu lành bệnh, họ cho rằng bệnh nhân đã chết trong hoặc ngay sau cuộc phẫu thuật.
Theo các nhà nghiên cứu, người Peru cổ đại đã rút ra kinh nghiệm không cắt màng bảo vệ não. Trong những năm đầu tiên, tỷ lệ sống sau khi phẫu thuật não không cao – từ khoảng năm 400 đến 200 TCN, tỷ lệ còn thấp hơn so với trong Nội chiến Mỹ.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng sau vài thế kỷ. Từ năm 1.000 đến 1.400 SCN, tỷ lệ sống sót thậm chí còn tăng lên 91%. Trong suốt Đế chế Inca, tỷ lệ sống sót trung bình là từ 75 đến 83%.
Cùng với rất nhiều các phát minh và di chỉ lưu lại đáng chú ý khác, giới nghiên cứu khoa học một lần nữa phải thừa nhận rằng, con người cổ đại có trình độ khoa học rất tiên tiến, họ dường như đi theo một con đường tiếp cận khác và đạt được những thành tựu vượt rất xa thời đại.
>>> Y học Tây Tạng: Hệ thống khoa học hoàn chỉnh của nhân loại
>>> 5 điều mà y học hiện đại cũng phải học hỏi người Hy Lạp cổ đại
Hồng Liên (t/h)