Người đàn ông được vinh danh “người hùng của môi trường” khi cứu sống con sông dài 160km
Người đàn ông đến từ bang Punjab của Ấn Độ, ông Baba Balbir Singh Seechewal cùng các tình nguyện viên đã lập kế hoạch tự tay làm sạch con sông có chiều dài lên tới 160km. Và kết quả chỉ trong một thời gian con sông từ dơ bẩn đã trở thành dòng huyết mạch của cả khu vực.
Dòng sông Kali Bein từng được biết đến là một nơi rất ô nhiễm với lượng lớn bèo lục bình mọc đầy vào năm 2000, cho đến khi ông Seechewal cùng với những tình nguyện viên của mình quyết định đến và làm sạch lại nó. Họ đã tích cực thu dọn trong một thời gian dài để vệ sinh lòng sông, và điều này đã góp phần hồi phục lại dòng chảy của nguồn nước sạch đi qua con sông này.
Không chỉ vậy, Seechewal cùng nhóm tình nguyện cũng cho trồng trọt thêm hoa và cây ăn quả ở hai bên bờ sông. Họ còn xây dựng cả đường bậc thang (bathing ghats) và những đường gạch quanh con sông, nhờ đó mà toàn bộ các vấn đề về ô nhiễm nguồn nước tại vùng Doaba của Punjab đều đã được giải quyết.
Dòng sông mới với nguồn nước sạch đã giúp cải thiện nền kinh tế của khu vực, hỗ trợ cho những người làm nông và đảm bảo bầu không khí trong lành cùng nguồn nước sạch cho những đứa trẻ địa phương sống trong khu vực.
Đứng trước những thành quả mà ông Seechewal làm ra, chính phủ Punjab đã vô cùng ủng hộ, đồng thời hỗ trợ giúp ông thiết kế ra một hệ thống thoát nước ngầm, một mô hình bản địa có chi phí thấp để lưu trữ nước thải trong ao và xử lý nó theo cách tự nhiên được sử dụng trong nông nghiệp và thủy lợi.
Theo thông tin từ trang cá nhân Facebook của ông, mô hình ấn tượng này đang mang lại lợi ích cho hơn 50 ngôi làng trong khu vực. Đã từng có rất nhiều nhà làm nông phải tự vẫn vì thất thu trong trồng trọt do thiếu hụt nguồn nước. Và công trình của Seechewal thực sự đã giúp đỡ cho họ có nguồn nước sạch thực hiện quá trình trồng trọt hữu cơ.
Từ những thành quả ông Seechewal làm ra, vào năm 2016 ông đã được cả thế giới công nhận cho những tâm huyết và đóng góp không ngừng nghỉ đối với cộng đồng. Không chỉ thế, những nỗ lực của ông còn mở đường cho rất nhiều những sáng kiến khác ra đời.
Ra đời mô hình Seechewal
Nhận thấy những thành công từ chiến dịch của Seechewal, chính phủ Ấn Độ đã liên hệ và phối hợp với ông cho ra đời mô hình Seechewal nhằm tiếp tục làm sạch và trẻ hóa cho con sông Ganga, vốn là con sông từng bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Vào tháng 2/2017, Seechewal đã đưa ra giải pháp xử lý chất thải rắn bằng một thiết bị được phát triển tại Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật Sant Avtar Singh Yadgari dưới sự hướng dẫn của ông. Thiết bị này có thể tách các hạt nặng như Polyetylen, thủy tinh và sắt ra khỏi rác. Nó có thể được sản xuất với chi phí phải chăng và đang được thử nghiệm để hoàn thiện hơn nữa.
Những đóng góp của ông Seechewal đã nhận được sự tán dương trên toàn thế giới, một số tổ chức đã tôn vinh ông Seechewal như một người có những đóng góp tích cực trong nhiều lĩnh vực khác nhau như cải thiện môi trường và phúc lợi xã hội. Điển hình là việc xóa bỏ các tệ nạn nghèo khó, thiếu học thức, mê tín dị đoan và phân biệt đối xử với phụ nữ.
Ông cũng cho thành lập hệ thống các trường học, trung tâm kỹ thuật, và nhiều trường đại học ở nhiều nơi. Những trường học này không chỉ cung cấp hệ thống giáo dục tiên tiến và nâng cao học thức cho những bé gái và những người nghèo trong khu ổ chuột, mà còn truyền dạy những giá trị đạo đức cao đẹp và tôn giáo nhằm giáo dục học sinh trở nên hoàn thiện, tốt đẹp hơn.
Nhờ những đóng góp của mình, ông đã vinh dự được mọi người đặt cho biệt hiệu là “người cha của hệ sinh thái”, tên gọi này thậm chí còn được sử dụng trong nhiều tạp chí uy tín hàng đầu thế giới.
Vào năm 2008, Seechewal đã trở thành người Ấn Độ đồng thời là người châu Á duy nhất lọt vào danh sách “Những người anh hùng của môi trường” của tạp chí Time.
Tiếp đến vào năm 2017, ông Seechewal còn được trao tặng giải thưởng Padma Shri cho những đóng góp của mình.
“Chúng tôi rất vui vì nhận được vinh dự này. Đây là thành quả của cả một tập thể những cộng sự của tôi cùng với những người dân địa phương, người người đã không ngừng nỗ lực, luôn tâm huyết làm việc trong suốt 16 năm qua”, Seechewal chia sẻ.
Chưa kể trong những năm vừa qua, ông Seechewal còn dành được nhiều sự ưu ái tại Tòa nhà Quốc hội của Canada, Úc và Anh. Các quốc gia trong khối SAARC (Hiệp hội Nam Á vì sự Hợp tác Khu vực) cũng đã trao tặng ông giải SAARC ở lĩnh vực môi trường.
Đến tháng 8/2019, Seechewal và các tình nguyện viên của mình lại tiếp tục giúp đỡ cho các nạn nhân của những ngôi làng bị ngập nước ở vùng Punjab.
“Các tình nguyện viên của chúng tôi đang đến thăm các ngôi làng để cung cấp cho họ các đồ dùng cứu trợ, đặc biệt là thuốc men và nước uống cùng thức ăn để giúp đỡ những người bị lũ lụt”, Seewewal cho hay.
Thanh Thiên (Theo Epoch Times)