Người dân Nepal kiếm sống bằng cách rời bỏ quê hương
Theo số liệu của World Bank, lượng kiều hối hơn 30 tỷ USD đã được dùng để xây dựng nhà cửa, tạo vốn liếng kinh doanh và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Nepal.
Từ nhiều năm nay, Nepal, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đã “xuất khẩu” người trẻ ra nước ngoài nhằm tìm kiếm việc làm. Họ trở thành các công nhân xây dựng, người giúp việc gia đình, bảo vệ và các vú em ở Ấn Độ, các nước thuộc vùng vịnh Ba Tư hay bất cứ nơi nào trên thế giới.
Mỗi năm lượng kiều hối gửi về Nepal đóng góp tới 29% GDP của quốc gia này. Theo số liệu của World Bank, hơn 30 tỷ USD đã được dùng để xây dựng nhà cửa, tạo chút vốn liếng kinh doanh và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Nepal. Trên thế giới, chỉ có 2 quốc gia là Tajikistan và Cộng hòa Kyrgyz phụ thuộc nhiều hơn vào kiều hối.
Trận động đất khủng khiếp tuần trước đã khiến hơn 7.000 người thiệt mạng và xóa tan bao công sức trong tích tắc. Thành quả sau nhiều năm lao động xa xứ của nhiều người trẻ tuổi bỗng chốc bị phá hủy.
Một lượng lớn người lao động ở nước ngoài đồng nghĩa với việc nhiều người đã không thể ở bên cạnh người thân trong những giây phút cần kíp nhất.
Trước động đất, khoảng 1.500 người rời Nepal mỗi ngày để tìm kiếm một công việc ở nước ngoài. Theo Tổ chức di cư quốc tế IOM, thảm họa này có thể khiến người Nepal ra nước ngoài lao động nhiều hơn vì nền kinh tế kiệt quệ. Nepal đang mất đi những người lao động sung sức nhất.
Bharati, một người dân tại Nepal, cho rằng hiện nay cách tốt nhất để giúp ích cho quê hương là ra nước ngoài làm việc. Thời gian trở về Nepal đã tiêu tốn hai tháng lương của anh. Trong khi đó, Bharati đang được cân nhắc vào vị trí trợ lý và với mức lương có thể tăng gấp đôi.
“Nước, thực phẩm, giáo dục, bạn cần tiền để có được những thứ này”, Bharati nói.
Theo Trí thức trẻ