Người Ấn Độ đi thuyền tới châu Úc từ 4.000 năm trước
Một nghiên cứu mới được công bố khẳng định, thuyền trưởng Cook không phải người đầu tiên tìm ra châu Úc mà 4.000 trước đây, những người Ấn Độ đã di cư tới vùng đất nay thuộc lãnh thổ Australia để sinh sống.
Bằng chứng ADN cho thấy, người Ấn Độ chính là những người đầu tiên đặt chân tới châu Úc bằng cách dùng thuyền vượt biển. 4.000 năm trước khi thuyền trưởng Cook phát hiện ra lục địa thứ 5 này, người Ấn Độ đã tới châu Đại dương bằng cách đi bộ và đi thuyền. Theo đó, con người cổ đại rời khỏi châu Phi, cái nôi của nhân loại để đi qua bờ biển Ả Rập, qua Ấn Độ trước khi đến Indonesia và New Guinea rồi di chuyển tới vùng đất châu Úc cổ xưa.
Những cuộc đại di cư của loài người được diễn ra trong khoảng 45.000– 50.000 năm trước, khi châu Úc cổ đại còn chưa tách rời hoàn toàn so với các châu lục khác. Tuy nhiên, những bằng chứng ADN còn cho thấy, một cuộc di cư thứ 2 của người Ấn Độ, được thực hiện bằng thuyền cách đây khoảng 4.230 năm, rất lâu trước khi người châu Âu đầu tiên phát hiện ra châu Đại dương. Phân tích mẫu ADN của các thổ dân tại các vùng lãnh thổ phía bắc Australia ngày nay cho thấy, 11% yếu tố di truyền của họ tương tự với người Ấn Độ. Đặc biệt, họ là những người đầu tiên đi thuyền tới châu Úc chứ không phải là hậu duệ của cuộc đại di cư cách đây gần 50.000 năm trước. Theo tính toán, mẫu gen di truyền của các thổ dân châu Úc được kế thừa sau 141 thế hệ. Nếu tính trung bình mỗi thế hệ tương đương 30 năm, dễ dàng xác định được người Ấn Độ tới châu Úc từ 4.230 năm trước đây. Điều thú vị, khám phá này khá trùng hợp với những thay đổi trong hồ sơ khảo cổ học Australia, với việc thay đổi đột ngột cách sử dụng công cụ bằng đá thô và cây bằng những loại đá có cạnh sắc. Ngoài ra, sự xuất hiện lần đầu của Dingo, một loại chó hoang bên trong các hóa thạch cũng có thể được giải thích nhờ sự nhập cư của người Ấn Độ. Nghiên cứu được đưa ra sau khi các nhà khoa học phân tích mẫu ADN của 344 người. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings, viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ. Hồng Duy Theo Infonet |
Theo Zing