Ngôi làng ‘nghĩa trang’ ở Nghệ An – nơi người sống, người chết phải ‘ở chung’ với nhau
Bước chân vào xóm nhỏ ở Nghệ An, không khó để nhìn thấy một khu nghĩa địa tự phát nằm giữa lòng dân cư. Điều đáng nói, khoảng cách giữa nhà dân và những ngôi mộ này nằm sát nhau, nhà xa nhất cũng chỉ vài chục mét, nhà gần chỉ cách vài bước chân.
Đất chật, người chết thì gia tăng, người dân ở xóm 4, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An buộc phải sống cùng với thế giới người âm, thậm chí hàng xóm cũng là những ngôi mộ của những người đã khuất.
Theo những người cao tuổi trong làng kể lại, nghĩa địa này được gọi là Cồn Lim, đã có từ lâu đời với diện tích 2ha. Đây là nơi chôn cất hàng nghìn người của các xóm 1, 2, 3, 4 xã Thanh Lương và một phần xã Thanh Dương. Mấy năm gần đây, diện tích nghĩa địa trở nên chật hẹp do số người chết và an táng tăng, vậy nên “bỗng dưng” các khu mộ ngày càng tràn xuống ở gần với nhà dân.
Người sống phải làm hàng xóm với người đã chết
Cụ thể, cả thôn chỉ có gần 200 hộ dân thì có đến gần 50 hộ là sống giáp ranh với khu nghĩa trang. Nhà xa nhất cũng chỉ có vài trăm mét còn nhà nào không may mắn bắt buộc phải sống chung với thế giới của ‘người âm’ thì khoảng cách chỉ còn vài bước chân. Trong khi đó, không có người quản trang nên cứ đến thời điểm người ta bốc mộ là các thứ quần áo, tóc tai chưa tiêu được vứt bừa bãi; rồi gia đình nào thích chôn đâu thì chôn…
Thậm chí có nhà có đến những 3 ngôi mộ “án ngữ” ngay trước cổng ra vào, khói hương nghi ngút. Những ngôi mộ cũ bám rêu xanh hoặc ngôi mộ mới nằm san sát nhau, liền kề với giếng nước, bếp ăn, cổng ra vào của các hộ dân. Có những ngôi mộ còn nằm cao hơn cả nhà ở.
Video không riêng ở Nghệ An, giữa lòng Hà Nội cũng có xóm “nghĩa địa”:
Nhiều năm sống chung với mồ mả, một số người dân đành phải chấp nhận sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt hàng ngày, trẻ em thì vẫn vô tư chơi đùa, dù bên kia đường là phần đất của “người âm”. Khi được hỏi, một người đàn ông trung tuổi nói: “Vẫn biết dùng nước gần khu nghĩa trang sẽ không tốt nhưng vì hoàn cảnh phải chấp nhận. Bao đời nay chúng tôi vẫn sống như vậy”.
Đặc biệt, vào mùa nắng nóng, mùi xú uế ở nghĩa địa bốc lên nồng nặc, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân sống xung quanh. Chưa hết, hiện tượng rác thải nằm xen lẫn giữa các ngôi mộ, chất thải gia súc do người dân chăn thả khiến khu nghĩa trang thêm phần nhếch nhác và hôi thối.
Ông Lương Nguyên Hồng (62 tuổi, sống sát khu vực nghĩa trang) cho biết, lúc trước những ngôi mộ này nằm cách khá xa khu dân cư. Nhưng mấy năm trở lại đây, khi dân cư phát triển, nhu cầu đất xây nhà ở càng lớn nên nghĩa trang bị thu hẹp. Một số gia đình vẫn tiến hành chôn cất người mới mất khiến những hộ sống sát mồ mả phải “lãnh đủ”.
“Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền về việc mai táng người chết sát khu dân cư, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa giải quyết dứt điểm được. Nếu cứ như vậy, môi trường, sức khỏe của người dân sẽ bị ảnh hưởng”, ông Hồng nói.
Cũng vì thực trạng này mà mỗi khi có đám tang, nhiều hộ dân sống quanh nghĩa trang lại đưa con cái, người ốm đau đi “di cư”. “Khổ nhất là gia đình nào có người sinh trúng ngày có đám tang thì phải đi nơi khác tá túc vì sợ mắc hơi lạnh”, một người dân nói.
Mặc lệnh cấm, nhiều người vẫn lén lút chôn cất
Trước thực trạng trên, chính quyền xã đã ra thông báo cấm không cho chôn cất người mới chết tại khu vực gần dân cư thêm nữa, và hướng dẫn mai táng ở khu vực khác, cách xa dân cư.
Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm, một số gia đình vẫn cố tình lén lút tiến hành chôn cất tại khu vực sát dân ở.
Chỉ tay vào ngôi mộ nằm cao nhất, màu đỏ, sát vách tường một hộ gia đình, ông Nguyễn Văn Dương, trưởng xóm 3 cho biết: “Phần mộ đó được một gia đình trong làng chôn cất cách đây chưa đầy 100 ngày. Chính quyền đã ngăn cấm nhưng vì tư tưởng muốn chôn cất theo gia tộc nên họ cứ chôn trộm. Khi chính quyền biết chuyện, can thiệp thì xem như mọi chuyện đã rồi”.
Bên cạnh nỗi lo về cơm áo gạo tiền, ô nhiễm môi trường, người dân ở nơi đây còn lo ngay ngáy về việc… chết không có đất chôn.
Bà Nguyễn Thị Sửu năm nay 80 tuổi đời, trú xóm 3, xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương cho biết: “Tôi năm nay đã 80 tuổi đời nhưng lo lắm, vì sau này có qua đời rồi không biết lấy đất đâu để mà chôn cất. Bởi hiện tại khu vực nghĩa trang này mỗi người bao vây một chút nên không còn một m2 đất trống nào nữa. Bên cạnh đó, nghĩa trang nằm sát khu dân cư nên đã gây ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước sinh hoạt”.
Một số người cao tuổi trong làng thậm chí còn tự đào huyệt cho mình trước để giữ chỗ. “Không phải hầu hết, nhưng có khá nhiều người cao tuổi trong làng đã thuê người, nhờ con cháu đào huyệt cho mình. ‘Phần mộ’ trống ấy sau khi hoàn thiện sẽ được lấp cát lại, đến khi có người chết thì chỉ việc đào cát lên để chôn cất. Chứ đến khi nằm xuống mới đào huyệt sợ không còn đất nữa”, ông Dương nói.
Chúc Di (t/h)
Xem thêm:
- Toàn bộ quá trình đi đến âm gian sau khi con người chết đi
- Tại sao người chết đã lâu mà vẫn có thể gọi hồn về nói chuyện
- Tự thuật của 1 bác sĩ trẻ: Nhóm người thất đức nhất trong xã hội đã xuất hiện!