Ngô Trí Long: EVN cần “đại phẫu” để người tiêu dùng chấp thuận mức tăng giá
Việc tính toán chi phí và giá thành điện hết sức phức tạp nên muốn tính chính xác phải có sự tham gia tham vấn của cơ quan có chuyên môn, độc lập, và để người tiêu dùng chấp thuận được mỗi lần tăng giá thì EVN cần tiến hành một cuộc “đại phẫu”, theo PGS.TS Ngô Trí Long.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long đã bày tỏ quan điểm thẳng thắn về những yếu điểm của ngành điện tại cuộc tọa đàm “Kiên trì điều hành theo giá thị trường – Nhìn từ giá xăng và giá điện” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều Thứ Hai (16/3).
Điện tăng giá 7,5%, EVN đã minh bạch hết chi phí
Ngày 11/3 giá xăng bán lẻ trong nước tăng 1.600 đồng/lít sau một thời gian dài kiềm chế. Sau đó 5 ngày, ngày 16/3 giá điện bán lẻ trong nước cũng được điều chỉnh tăng thêm 7,5% theo quyết định của Chính phủ. Gần như cùng một thời điểm, cả hai loại mặt hàng là nhiên liệu đầu vào của đa số ngành sản xuất đều tăng giá khiến dư luận có nhiều luồng ý kiến trái chiều và không khỏi lo ngại, điện – xăng tăng giá tất yếu giá cả sẽ “té nước theo mưa”.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá điện đã được giữ ổn định kể từ tháng 8/2013 đến nay. Trong hơn một năm qua tất cả các chi phí cấu thành nên giá điện đều đã tăng mạnh, theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 12,8%.
“Mức độ tăng giá điện thêm 7,5% là phù hợp với mặt bằng thay đổi thông số đầu vào, vì nếu tăng đúng tăng đủ theo tính toán của EVN thì giá điện phải tăng 12,8%. Tôi nghĩ ngành điện lực đã cố gắng và giá thành đã công khai chi tiết cấu thành nên giá thành điện”, ông Nguyễn Anh Tuấn là Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nói.
Cho rằng chỉ là “sự trùng hợp ngẫu nhiên” khi cả hai mặt hàng nhiên liệu thiết yếu đối với đa số lĩnh vực sản xuất kinh doanh là điện, xăng dầu tăng vào cùng thời điểm trung tuần tháng 3/2015, đại diện đến từ Bộ Công thương ông Võ Văn Quyền là Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thừa nhận việc điều chỉnh tăng giá 2 mặt hàng nói trên sẽ tác động trực tiếp tới đầu vào và đầu ra của một số mặt hàng.
Đơn cử mặt hàng giá xăng, theo tính toán của Tổng cục Thống kê mức điều chỉnh giá xăng thêm 1.600 đồng/lít từ 11/3 làm CPI tăng khoảng 0,43%. Tuy nhiên đây là tác động tới lạm phát chung (bao gồm giá các mặt hàng năng lượng, lương thực thực phẩm…) nhưng nếu xét lạm phát cơ bản (đã loại bỏ giá năng lượng, lương thực thực phẩm) thì mức lạm phát cơ bản vẫn dương và trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
EVN phải được “đại phẫu”
Tuy nhiên, với tư cách là khách mời của buổi tọa đàm, PGS.TS Ngô Trí Long đã có quan điểm ngược lại với cả đại diện Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Ông tỏ ra lấy làm tiếc, với một cuộc tọa đàm “nói thẳng, nói thật để dân hiểu” liên quan mật thiết tới ngành điện nhưng đại diện đến từ EVN lại không thể có mặt do bận công tác.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính), việc tính toán chi phí và giá thành điện hết sức phức tạp vì ngành điện hạch toán từ trên xuống dưới, nên muốn tính chính xác phải có sự tham gia tham vấn của cơ quan có chuyên môn, độc lập.
“Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì nhận định ban đầu là ngành điện làm ăn chưa hiệu quả, như đầu tư ngoài ngành, năng suất lao động kém, tổn thất điện năng lớn,… mọi chi phí này đều được đưa vào giá thành. Hay nói một cách khác, việc EVN lỗ là do quản trị doanh nghiệp kém giờ lại để người tiêu dùng phải gánh”, ông Long nói.
Một điểm nữa được vị chuyên gia này thẳng thắn đưa ra, là dường như mọi đánh giá, báo cáo kể cả của EVN, Cục Điều tiết Điện lực rồi Bộ Công Thương đưa ra để công khai, minh bạch số liệu ngành điện… đều chủ yếu đứng về phía doanh nghiệp sản xuất là EVN, chứ ít khi đứng về phía người tiêu dùng.
“Tôi cho rằng, ngay cả phát ngôn của các cơ quan chức năng cũng phải nên công tâm, chứ không thể phát ngôn kiểu: Nếu không tăng giá điện EVN phá sản, hoặc tăng giá điện người tiêu dùng được hưởng lợi… Những phát ngôn như thế chủ yếu là đứng về phía doanh nghiệp, chứ mỗi lần tăng giá người tiêu dùng lại không đồng thuận, bức xúc”, ông Long thẳng thắn.
Vị chuyên gia này khảng khái, khi Việt Nam hội nhập sâu thì việc so sánh giá một số hàng hóa trong nước và thế giới là cần thiết, nhưng không phải mọi sản phẩm đều có thể đưa ra so sánh.
Với mặt hàng xăng dầu, Việt Nam nhập tới 70% để tiêu dùng trong nước thì việc so sánh với giá thế giới là khả thi, còn với giá điện là bất khả thi. Bởi lẽ, điện là một mặt hàng vẫn còn độc quyền, giá do Nhà nước định theo sát giá thị trường trong đó có bù đắp đủ chi phí hợp lý cho sản xuất kinh doanh và có lãi thỏa đáng.
Vì thế, để người tiêu dùng chấp thuận được mỗi lần tăng giá của EVN thì cần tiến hành một cuộc “đại phẫu” đối với EVN, trong đó có sự tham gia của cơ quan tư vấn, kiểm toán độc lập, đủ chuyên môn.
“Lâu nay mỗi lần tăng giá để thuyết phục người tiêu dùng EVN thường viện cớ so sánh giá trong nước và các nước trong khu vực, nhưng là so sánh giá đầu ra chứ không phải giá thành đầu vào, chưa hợp lý. Nếu so sánh như vậy thì rõ ràng giá điện ở Việt Nam thấp hơn các nước.
Các vị cứ so sánh Singapore giá điện là 21 cent/kWh, trong khi Việt Nam có 8,5 cent/kWh, nhưng họ sản xuất điện chủ yếu từ dầu, còn ở ta gần 40% điện từ thủy điện, mà giá thành thủy điện chỉ bằng 1/2 so với điện hóa thạch.
Không nên so sánh như vậy để giành phần lợi về phía mình, mà phải biết chia sẻ, nhìn lại mình để nâng cao năng suất lao động, giảm tổn thất điện năng… Như thế, không những có lợi cho người dân mà sẽ tạo điều kiện thu hút vốn nước ngoài đầu tư vào ngành điện”, ông Long quả quyết.
Theo infonet