Nghiên cứu mới bác bỏ lý thuyết gia đình Anne Frank bị phản bội
Một nghiên cứu mới được công bố hôm Thứ 6 (16/12) bởi Bảo tàng Anne Frank tại Amsterdam cho thấy có thể Anne Frank, nổi tiếng trên toàn thế giới với quyển nhật ký viết trong thời gian Thế chiến thứ II, bị bắt một cách tình cờ, chứ không phải do nơi gia đình cô ẩn nấp bị chỉ điểm.
Mặc dù đã qua hàng thập kỷ nghiên cứu nhưng không có bất kỳ manh mối nào tìm đến người chỉ điểm khiến cả gia đình Frank bị bắt giữ và trục xuất.
Bảo tàng Anne Frank tại Amsterdam, Hà Lan, cho rằng địa chỉ nơi cô ẩn náu có thể bị cảnh sát khám xét về vấn đề tem phiếu lương thực.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cảnh sát đến lục soát căn nhà nhưng chưa chắc là để tìm 8 người Do Thái đang trốn ở đó.
Toàn bộ những người cư ngụ bất hợp pháp tại số 263 đường Prinsengracht đã bị đưa đến trại tập trung Auschwitz.
Trong phần kết luận về nghiên cứu, Bảo tàng Anne Frank nói: “Câu hỏi luôn được quan tâm là: Ai đã phản bội Anne Frank và những người đang ẩn náu? Điều này làm cho tâm điểm dồn về chuyện chỉ điểm, và làm giới hạn lý do của vụ bắt bớ”.
Trước khi cảnh sát khám xét, một người nặc danh đã gọi điện và được cho là đã chỉ điểm cho Mật vụ của Đức về những người Do thái đang lẩn trốn, nhưng các nghiên cứu mới đã đặt dấu hỏi về lý thuyết này.
Thông qua nhật ký của Anne Frank, ghi chép từ tháng 3/1944, các nhà nghiên cứu phát hiện vấn đề tem phiếu lương thực và lao động chui có thể là nguyên nhân của cuộc khám xét định mệnh.
“Chúng tôi không có lương thực”
Nghiên cứu mới nhấn mạnh vào 2 người đàn ông buôn bán những phiếu lương thực bất hợp pháp sống trong ngôi nhà Prinsengracht tại Amsterdam. Họ đã bị bắt trước đó vào năm 1944 và sau đó được trả về, những bài báo Hà Lan chỉ ra. Vụ bắt giữ cũng được đề cập đến trong nhật ký của Anne Frank.
Từ 10/03/1944, Anne thường xuyên viết về việc hai người đàn ông bị bắt do buôn bán phiếu lương thực bất hợp pháp. Cô gọi hai người này là “B” và “D” – viết tắt của Martin Brouwer và Pieter Daatzelaar.
Hai người là nhân viên bán hàng của một công ty có trụ sở tại 263 đường Prinsengracht, nơi bố của cô Anne là ông Otto Frank cũng hành nghề buôn bán – và cũng là nơi gia đình cô đang nương náu.
Anne viết vào hôm 14/3: “B và D đã bị bắt, và như vậy chúng tôi sẽ không có phiếu lương thực…”
Điều này cho thấy gia đình Anne mua phiếu lương thực từ những người này.
Như vậy, những vụ bắt giữ đã được báo cáo đến 1 phòng điều tra có trụ sở tại Hague và bài báo cho biết, “trong suốt thời gian hoạt động ngày này qua ngày khác, các nhân viên điều tra đã tình cờ bắt gặp những người Do Thái đang lẩn trốn”.
Phân tích những báo cáo của cảnh sát và từ tòa án, các nhà nghiên cứu còn phát hiện rằng những cảnh sát trực tiếp bắt Anne và những người khác, không phải là những cảnh sát phụ trách việc truy lùng người Do Thái, mà là những cảnh sát chuyên phá án liên quan đến tài chính, trật tự trị an và đồ trang sức.
Nghiên cứu cũng ghi nhận việc cảnh sát ở tại ngôi nhà trong hai giờ đồng hồ, lâu hơn nhiều so với việc bắt giữ người cư ngụ bất hợp pháp.
Những bằng chứng khác cho biết những người liên quan đến địa chỉ 263 đường Prinsengracht đã bị chính quyền Quốc xã Hà Lan trừng phạt do làm chui.
“Một công ty mà nhân viên thì làm chui còn hai nhân viên bán hàng bị bắt vì tội bán tem phiếu lương thực hiển nhiên sẽ bị chính quyền để ý”, các nhà nghiên cứu viết.
Thêm vào đó, “tất nhiên không loại trừ khả năng đó là sự phản bội, cũng như không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa tem lương thực bất hợp pháp và vụ bắt giữ được chứng minh”, bài báo cho biết thêm việc nghiên cứu thêm là cần thiết.
Đến nay vẫn chưa có kết luận chắc chắn về chuyện ai đã chỉ điểm Anne Frank và gia đình cô cho chính quyền Quốc xã. “Rõ ràng, sự thật về cái ngày định mệnh vào mùa hè năm 1944 vẫn chưa có lời giải đáp”, bài báo viết.
Anne đã viết 1 cuốn nhật ký trong thời gian em ở lẩn trốn và đã được công bố sau chiến tranh, đưa em trở thành biểu tượng được công nhận trên toàn cầu của nạn nhân Holocaust. Tác giả trẻ đã qua đời vì bệnh sốt phát ban ở trại tập trung Bergen – Belsen khi mới 15 tuổi, vài tuần trước khi binh lính Anh đến giải phóng trại. Người cha Otto là thành viên duy nhất trong số tám người bị bắt còn sống sau Thế chiến thứ II.
Theo Epoch Times