Nghiên cứu cho thấy: Những cặp đôi hay ‘cãi nhau’ thực sự yêu thương nhau
Những cặp đôi thường xuyên tranh cãi nhưng theo cách bình hòa thường có khả năng ở bên nhau lâu hơn. Bất chấp những hiểu lầm, mâu thuẫn vụn vặt, họ vẫn hiểu rằng tình yêu họ dành cho nhau là chân thành và đích thực.
Theo các khảo sát gần đây, 44% các cặp vợ chồng tin rằng cãi nhau hơn 1 lần/tuần giúp họ duy trì mối quan hệ lành mạnh và lâu dài. Dưới đây là những lý do vì sao thường xuyên cãi cọ lại tốt cho các mối quan hệ.
9. Tranh luận là dấu hiệu của một mối quan hệ trưởng thành
Liên tục tránh né các cuộc xung đột chắc chắn không phải là cách tốt nhất để xây dựng một mối quan hệ lâu dài. Ngược lại, nếu có thể nói rõ ra suy nghĩ của mình khi tranh luận, có nghĩa là bạn đã sẵn sàng đưa tình yêu của mình lên một tầm cao mới.
Người trưởng thành không cần phải công kích hay quát nạt lẫn nhau. Thay vào đó, họ luôn cố gắng đạt được sự thỏa thuận và cải thiện mối quan hệ nhờ sự trợ giúp của một cuộc tranh luận lành mạnh.
8. Vì quan tâm nên mới cãi nhau
Tất nhiên, sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu chỉ việc nhắm mắt làm ngơ trước một số thói quen khiến bạn phát bực ở nửa kia. Nhưng khi bạn sẵn sàng đối diện với mâu thuẫn, chịu đựng mọi đau đớn và khó chịu để có được kết quả tốt hơn trong tương lai, thì đó là dấu hiệu của một tình yêu đích thực.
Nói cách khác, dám tranh luận nghĩa là bạn đã có sự cam kết rõ ràng hơn trong mối quan hệ của mình. Hãy nhớ lại xem bạn có thường xuyên tranh cãi với bố mẹ hay anh chị em của mình không? Đối với nửa kia cũng vậy: nếu hai bạn tranh luận nhiều và luôn vượt qua được điều đó, nghĩa là các bạn đã nhìn thấy được trong tương lai của mình có sự tồn tại của người ấy.
7. Cãi nhau giúp hai bên dễ giao tiếp hơn
Để tạo niềm tin trong mối quan hệ của mình, bạn không nên giữ im lặng. Ngược lại, bạn cần phải tiếp cận nửa kia với tâm thái cởi mở, chịu trách nhiệm về hành động của mình và chân thành lắng nghe nhau.
Tranh luận là một trong những hình thức giao tiếp chính và trung thực nhất, nên việc này thực sự sẽ giúp thúc đẩy cảm giác thân thiết, tin cậy, kết nối và đồng thời hướng nửa kia của bạn giao tiếp với bạn theo cách hiệu quả hơn.
6. Cãi nhau cũng là dấu hiệu của một mối quan hệ lành mạnh
Các nhà tâm lý học tin rằng có 7 điểm mấu chốt để có được một mối quan hệ lành mạnh, hạnh phúc, và tranh luận chính là một trong số đó. Trên thực tế, nếu một cặp đôi không bao giờ cãi nhau, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy có gì đó không ổn giữa họ.
Tranh luận giúp những đôi yêu nhau xem xét lại các giá trị và cảm xúc của họ bằng cách thảo luận và giải quyết những vấn đề quan trọng đối với họ. Tuy nhiên, lập luận của bạn phải có lý lẽ và không mang tính đả kích, hãy cố gắng nêu quan điểm của mình mà không cần phải thốt ra những lời cay độc hay lên giọng với nhau.
5. Tranh cãi giúp củng cố mối liên kết giữa hai bạn
Trong cuộc tranh luận với nửa kia, việc bạn thắng hay thua đều không quan trọng. Điều quý giá nhất chính là bạn sẽ hiểu ra nhiều điều về nhau, và quan trọng hơn là về bản thân bạn.
Những xung đột nhỏ khiến cả hai bộc lộ bản chất thật của mình và giúp đối phương biết phải làm như thế nào để xử trí điều đó. Bên cạnh đó, nếu hai bạn chịu tìm cách vượt qua mọi thách thức cùng nhau, các bạn sẽ học được cách thỏa hiệp và củng cố mối quan hệ của mình.
4. Cãi nhau làm dịu sự phẫn nộ trong bạn
Sẽ không dễ dàng gì khi đang trong một mối quan hệ. Nếu quan tâm đến nửa kia, bạn luôn phải điều chỉnh các ranh giới của mình. Và nếu họ không làm điều tương tự với bạn, bạn có thể bắt đầu cảm thấy bực bội.
Không vững vàng bày tỏ lập trường về những điều quan trọng đối với bạn có thể sẽ khiến đối phương nghĩ rằng họ có quyền muốn gì được nấy, và sự tức tối trong bạn sẽ chỉ càng tăng lên. Đó là con đường dẫn tới một mối quan hệ không lành mạnh.
Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là để những cảm xúc tiêu cực của bạn được giải tỏa ra ngoài, đồng thời cũng là để nửa kia thấy rằng hai bạn nên đối xử công bằng với các nhu cầu của nhau.
3. Cãi nhau nghĩa là hai bạn có nhiều khả năng bên nhau lâu dài hơn
Theo một số nghiên cứu, sai lầm lớn nhất mà các cặp đôi thường mắc phải là tránh né. Chúng ta thường cảm thấy có gì đó không ổn nhưng lại chọn cách không nói ra. Và tình trạng ngại tranh cãi như vậy chính là lý do phổ biến nhất dẫn đến chia tay.
Bạn có thể nghĩ đề cập đến những vấn đề nhạy cảm sẽ chẳng tốt lành gì cho mối quan hệ của cả hai, nhưng thực tế không phải vậy. Tranh luận một chút giúp hai bạn tập trung vào các vấn đề đang vướng phải và giải quyết êm xuôi trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn. Đó là lý do tại sao các cặp đôi hay cãi nhau lại ở bên nhau lâu dài hơn.
2. Cãi nhau làm bộc lộ tình cảm tha thiết hai bạn dành cho nhau
Một số cặp vợ chồng thực sự thích tranh luận dữ dội. Trong tiềm thức, họ biết rằng cãi nhau chỉ là dấu hiệu của việc họ yêu nhau say đắm đến mức nào, và sự bất đồng giữa cả hai còn trở thành một điểm lôi cuốn hơn nữa.
Nếu muốn giữ cho mối quan hệ bền chặt và tiến triển lâu dài, bạn cần phải để cảm xúc của mình lên tiếng nhiều hơn thay vì chôn sâu trong lòng. Nhưng hãy nhớ kết thúc cuộc tranh luận trong êm đẹp nhé.
1. Cãi nhau cũng giúp mối quan hệ đỡ nhàm chán hơn
Ngay cả khi đã ở bên nhau vài năm, hai bạn vẫn sẽ có những điều không đồng tình với nhau. Nhưng điều đó lại không tệ như bạn nghĩ. Xung đột mang tính xây dựng có thể thúc đẩy mối quan hệ của bạn và khiến nó trở nên thú vị hơn.
Hãy tưởng tượng tình yêu của bạn sẽ nhàm chán biết bao nếu cả hai luôn đồng tình về mọi thứ! Vì vậy, cũng đừng nên hoảng loạn khi cảm thấy giữa hai người sắp nổ ra một cuộc tranh cãi. Thay vào đó, hãy cố gắng làm cho cuộc tranh cãi đó trở nên có lợi cho mối quan hệ và cuộc sống tương lai của các bạn.
Mách bạn bí quyết “tranh luận lành mạnh”
Điều quan trọng là phải luôn ghi nhớ sự khác nhau giữa “tranh luận lành mạnh” với “cãi nhau tiêu cực” và chỉ có những gì “lành mạnh” mới có ích cho mối quan hệ của bạn.
Dưới đây là một số lời khuyên cho bạn để biến cuộc cãi vã thành một buổi tranh luận hữu ích:
- Tôn trọng lẫn nhau. Cả hai bạn đều là con người và không ai hoàn hảo cả, vậy nên đừng cố đả kích và gây áp lực lên những thứ có thể gây tổn thương không bao giờ lành cho nửa kia.
- Xin lỗi. Nếu bạn sai, hãy thừa nhận và nói lời xin lỗi. Hành động nhỏ này sẽ không làm bạn cảm thấy yếu thế, mà ngược lại sẽ làm đối phương thấy rằng bạn vẫn quan tâm đến họ.
- Bám sát những thứ cần giải quyết. Đừng bao giờ nhắc lại những trải nghiệm trong mối quan hệ trước của bạn hay những lỗi lầm cũ của đối phương mà bạn đã chịu bỏ qua. Các bạn chỉ đang tranh luận về một vấn đề, nên hãy nói chính xác vào vấn đề đó.
- Đừng lôi kéo bên thứ ba vào vấn đề của 2 bạn. Lôi bạn bè hay người thân của bạn vào cuộc tranh luận có thể khiến đối phương cảm thấy bị cô lập và thiếu tôn trọng, vì vậy hãy cố gắng hết sức tự mình giải quyết vấn đề trước khi cầu cứu ai đó.
Bạn có thường xuyên cãi nhau với nửa kia của mình không? Hai bạn có thường kết thúc chiến tranh bằng sự thỏa hiệp? Hãy chia sẻ kinh nghiệm của bạn với chúng tôi qua phần bình luận bên dưới nhé!
Bảo San biên dịch
Xem thêm: