Nghĩ về ‘văn hóa bình luận’ trên mạng xã hội, lại nhớ đến một giai thoại về thơ

17/06/20, 15:09 Góc Nhìn

“…biết sử dụng đúng mực cái tôi trong bình luận cũng là một trong những nét văn hóa thú vị trên mạng xã hội”, nhà nghiên cứu sử học Lê Nguyễn chia sẻ.

Lãnh vực nào trong đời sống cũng có mang ít nhiều chất “văn hóa” trong đó. Trong giáo dục có văn hóa, trong nghệ thuật có văn hóa, trong thể thao cũng có văn hóa thì tất nhiên trong bình luận trên mạng xã hội cũng phải có văn hóa. Có điều là loại hình này sinh sau đẻ muộn nên chẳng ai định hình được cái “văn hóa” trong bình luận trên mạng xã hội nó tròn, méo như thế nào. Song dù vậy, có người dám mạnh miệng cho rằng chỉ cần xem vài lần bình luận của một người trên diễn đàn là có thể hình dung được trình độ văn hóa, phong cách ứng xử của người đó ở mức độ nào.

Trong lúc tính văn hóa trong bình luận trên mạng xã hội chưa được mọi người xác định một cách rõ nét và được sự đồng thuận của số đông thì tính chất “phi văn hóa” lại được cảm nhận một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn, chẳng hạn như khi ai đó xồng xộc vào nhà người khác, tương vào diễn đàn một câu nói không chủ từ, không túc từ theo kiểu phang ngang bửa củi, chỉ trích cá nhân những ai không cùng quan điểm với mình, hay cố ý mượn diễn đàn của người để làm công cụ phô diễn cái “tài năng thiên phú” của mình, chủ đề của người là A thì lái sang B để giới thiệu thân thế, dòng dõi trâm anh thế phiệt của riêng mình.

Cũng có người đỗ nhiều bằng cấp cao từ trời Âu, trời Mỹ, song trên tường nhà chẳng thể hiện điều gì cho ra hồn, chỉ có thói quen bưng bàn phím qua nhà người, lấy hiểu biết của mình làm chân lý bất biến để xỏ người này một câu, khích bác người kia một ý, thậm chí sẵn sàng chửi vung xích chó khi có ai đó cư xử thẳng thắn với mình.

Lại cũng có người thích săm soi từng chữ trong câu viết, trong lời thơ của người, thể hiện sự ân cần đến mức đề nghị sửa chữ này cho hay hơn, bỏ chữ kia tốt hơn, mà quên câu “le style, c’est l’homme”, văn tức là người, mỗi người có trình độ, nhận thức, cá tính, cảm nhận riêng trước mỗi tình huống trong cuộc sống.

Vì thế, biết sử dụng đúng mực cái tôi trong bình luận cũng là một trong những nét văn hóa thú vị trên mạng xã hội. Nó không làm cho người khác cảm thấy khó chịu khi vấn đề do họ trình bày bị đẩy đi quá xa, thậm chí làm cho méo mó hẳn. Điều này khiến mình liên tưởng đến giai thoại về việc thi hào Tô Đông Pha chữa thơ của Tể tướng Vương An Thạch, đọc đã khá lâu rồi, nay vẫn còn nhớ. Xin nhắc lại để cùng thấy với nhau rằng, tài năng và kiến thức của chúng ta luôn có giới hạn, dù là bậc thi hào, cũng có lúc dốt … về thơ.

Chuyện xảy ra trong thời gian Vương An Thạch làm Tể tướng nhà Tống, quyền uy như Thủ tướng bây giờ, còn Tô Đông Pha chỉ là một quan nhỏ, song tài làm thơ thì bao trùm cả thiên hạ. Ngày nọ, họ Vương triệu họ Tô đến phủ để bàn việc. Tô Đông Pha đến thì Vương An Thạch còn bận chút việc ở nhà sau. Họ Tô liếc thấy trên bàn, trước mặt mình, một bài thơ làm dang dở của Vương An Thạch, đọc qua hai câu:

“Minh nguyệt sơn đầu khiếu

Hoàng khuyển ngọa hoa tâm …”,

Ông chợt cười thầm trong bụng, chẳng hiểu sao ngài Tể tướng có thể viết nên những câu thơ vô nghĩa như vậy: ánh trăng sáng sao lại hót trên đầu núi? còn con chó vàng nhỏ đến mức nào mà có thể nằm trong lòng bông hoa? Tiện ngọn bút còn dính mực, họ Tô vội chữa chữ “khiếu” thành chữ “chiếu”; chữ “tâm” thành chữ “âm”, thành hai câu thơ “hoàn chỉnh”, không sai lạc một vận nào:

“Minh nguyệt sơn đầu chiếu,

Hoàng khuyển ngọa hoa âm”

(Trăng sáng chiếu trên đầu núi

Con chó vàng ngủ dưới bóng hoa).

Sau khi bàn việc xong, Tô Đông Pha từ tạ Vương An Thạch ra về, lòng hí hửng vì đã gián tiếp chỉ cho ngài Tể tướng thấy cái dốt về thơ của ông.

Một thời gian sau, Vương An Thạch điều Tô Đông Pha đi làm quan ở một vùng núi non xa. Mang cái cảm giác bị “hạ tầng công tác”, thi hào họ Tô buồn tình nên thường đi tha thẩn trên những vùng cao cho thanh thản tâm hồn. Bữa nọ, khi đang ở lưng chừng một ngọn núi, ông nghe những tiếng chim hót thánh thót đến mức không ngờ. Tiếng chim ông chưa từng nghe bao giờ. Chợt nhìn thấy một lão tiều phu đang lững thững trước mắt mình, họ Tô chạy lại hỏi tiều lão xem loại chim tên gọi là gì mà tiếng hót hay đến thế. Lão già đáp rằng: “thưa quý quan, con chim quý quan vừa nghe hót là một loại chim quý chỉ có ở vùng này, nó tên là chim … minh nguyệt”. Nghe xong câu trả lời, Tô Đông Pha giật nẫy người, một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng.

Nỗi xấu hổ thứ nhất chưa kịp phôi pha thì một ngày nọ, cũng trên núi cao, ông nhìn thấy một con sâu vàng óng ánh cuộn mình trong một bông hoa dại ven rừng. Hỏi người dân bản địa thì được biết đó là loài sâu …hoàng khuyển. Tô Đông Pha rụng rời, về phủ đường cảm thấy xấu hổ một thời gian dài. Và cũng từ đó, ông hiểu được thâm ý của Tể tướng Vương An Thạch muốn đày ông đi đến một vùng mà ở đó, ông có thể nhận ra sự hiểu biết có giới hạn và sự tự mãn đầy vẻ chủ quan của mình.

Nghĩ về 'văn hóa bình luận' trên mạng xã hội, lại nhớ đến một giai thoại về thơ
(Ảnh: thaicucthieugia.com)

Câu chuyện kể trong sách vở không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật, vì với những người biết ít nhiều về Hán tự, chắc có điều chưa thỏa đáng, vì hai từ “minh nguyệt”, nếu là chim thì trong tên bằng chữ Hán, ắt có bộ “điểu”, còn con sâu “hoàng khuyển”, thì tên phải có bộ “trùng”, phải chăng vì ít thì giờ quá, Tô Đông Pha sợ không kịp chữa thơ Vương An Thạch nên không để ý đến những khác biệt về mặt văn tự. Hay người xưa tự nghĩ ra một câu chuyện không có thật để răn dạy người sau?

Dù gì thì đó cũng là một bài học hay về chữ “khiêm” ở đời vậy.

Lê Nguyễn, 14/6/2020

Lê Nguyễn (tên thật là Lê Văn Cẩn), là một nhà nghiên cứu sử học với nhiều bút danh khác như Hoàng Chi, Minh Chiếm, Nhật Nam… Ông là cây bút quen thuộc trên các tờ báo, tạp chí: Kiến thức ngày nay, Thế giới mới , Khoa học phổ thông, Khoa học và đời sống, Tài hoa trẻ, Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần…

Đăng dưới sự cho phép của tác giả

Ad will display in 09 seconds

Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

Ad will display in 09 seconds

LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

Ad will display in 09 seconds

Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

Ad will display in 09 seconds

Donor - Một câu chuyện có thật

Ad will display in 09 seconds

Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

Ad will display in 09 seconds

10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

Ad will display in 09 seconds

Ấm trà tri âm

Ad will display in 09 seconds

Từ bỏ điều này sẽ đắc Phúc báo

Ad will display in 09 seconds

Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công? Đây là lời giải đáp

Ad will display in 09 seconds

Chớ nghĩ nhân gian nhiều mỹ hảo, ma quỷ đang thao túng con người!

  • Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

    Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

  • LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

    LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

  • Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

    Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

  • Donor - Một câu chuyện có thật

    Donor - Một câu chuyện có thật

  • Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

    Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

  • 10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

    10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

  • Ấm trà tri âm

    Ấm trà tri âm

  • Từ bỏ điều này sẽ đắc Phúc báo

    Từ bỏ điều này sẽ đắc Phúc báo

  • Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công?  Đây là lời giải đáp

    Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công? Đây là lời giải đáp

  • Chớ nghĩ nhân gian nhiều mỹ hảo, ma quỷ đang thao túng con người!

    Chớ nghĩ nhân gian nhiều mỹ hảo, ma quỷ đang thao túng con người!

x