Nghị sĩ Hoa Kỳ: “Chúng tôi đang nỗ lực bảo vệ các học viên Pháp Luân Công khỏi bị đàn áp và cầm tù”
Ủy ban điều hành Quốc hội về Trung Quốc của Hoa Kỳ (CECC) đã tổ chức một cuộc họp báo tại Tòa nhà Quốc hội vào ngày 8/1, để giới thiệu với Quốc hội và Chính quyền Hoa Kỳ về “Báo cáo về tình trạng nhân quyền và sự phát triển của pháp trị ở Trung Quốc năm 2019”, các nghị sĩ lưỡng đảng Hoa Kỳ đã bày tỏ lo ngại về sự suy thoái liên tục về nhân quyền và pháp trị của Trung Quốc trong năm 2019.
Tham dự có đồng chủ tịch CECC – Dân biểu Jim McGocate, đồng chủ tịch CECC – Thượng nghị sĩ Marco Rubio, cựu chủ tịch và hiện tại là ủy viên cấp cao của CECC – Dân biểu Chris Smith, Dân biểu Thomas R. Suozzi, Dân biểu Vicky Hartzler, v.v. Họ đã trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên truyền thông có mặt ở đó.
Trong bài phát biểu của mình, Thượng nghị sĩ Marco Rubio tuyên bố rằng: “Các học viên Pháp Luân Công tiếp tục phải đối mặt với các điều kiện sống và áp lực nghiêm trọng, bao gồm cả sự khủng bố bạo lực và các hình thức tra tấn khác”.
Đến năm 2019 là tròn 20 năm các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc bị bức hại. “Tòa án nhân dân độc lập” ở London, Anh đã ra phán quyết cuối cùng rằng, ĐCSTQ vẫn đang tiếp tục thu hoạch nội tạng sống, hơn nữa các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ và bức hại là nguồn nội tạng chủ yếu.
Dân biểu Chris Smith nói: “Tất cả chúng tôi đang nỗ lực để bảo vệ các học viên Pháp Luân Công khỏi bị đàn áp và cầm tù”. Ông chỉ ra rằng: “Cấy ghép nội tạng là việc có thật và rất khó để biết con số thực sự là bao nhiêu. Nhưng cưỡng bức thu hoạch nội tạng và giết người để lấy nội tạng là một tội ác nguy hiểm khác của nhân loại, cần phải thay đổi”.
Ông Smith nói: “Thành thật mà nói, chúng ta phải làm nhiều hơn để ngăn chặn tội ác này. Chúng ta phải làm điều đó. Giết người để lấy nội tạng là trái luật pháp của chúng ta, chúng ta cần phải làm gì đó nhiều hơn nữa”.
Về việc hơn 346 triệu người ở Trung Quốc đã rút khỏi các tổ chức Đội, Đoàn, Đảng của ĐCSTQ, ông Smith nói: “Chúng ta cần tiếp tục phát huy lý tưởng dân chủ và tự do. Thế giới cần phải làm điều này và tôi nghĩ đây là một trong những lý do tại sao tự do tôn giáo rất quan trọng. Đối với người dân Trung Quốc, chúng tôi hy vọng rằng họ có khả năng tự quyết định được sự dân chủ của họ”.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng, người dân Trung Quốc nên có được tự do cùng quyền riêng tư. “Họ có thể thực hành đức tin của mình một cách tự do, cho dù đó là Pháp Luân Công, Kitô giáo, Phật giáo Tây Tạng, v.v. Đây là ‘tuyên ngôn nhân quyền thế giới’ của Liên Hợp Quốc và lý tưởng được công nhận phổ biến của công ước Liên Hợp Quốc”. Ông cũng tuyên bố rằng, việc tiết lộ chính xác các hành vi vi phạm nhân quyền nên được tiếp tục.
Trong báo cáo năm 2019, CECC đã liệt kê một mục là “Bức hại đối với những người có tín ngưỡng”, trong đó tuyên bố rằng “Như những năm trước, ĐCSTQ tiếp tục bắt giữ và trừng phạt các học viên Pháp Luân Công. Theo báo cáo, vào năm 2018 đã có 931 học viên bị kết án. Các tổ chức nhân quyền và các học viên Pháp Luân Công đã ghi chép lại sự cưỡng bức và bạo lực đối với các học viên trong thời gian bị giam giữ, bao gồm bạo lực thể xác, cưỡng bức dùng thuốc và các hình thức tra tấn khác”.
CECC đưa ra các kiến nghị về lập pháp và chính sách, trong đó bao gồm cả việc truy cứu trách nhiệm của các quan chức ĐCSTQ tham gia bức hại nhân quyền.
Ngoài việc dựa vào danh sách trừng phạt của “Luật chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky”, đối với các quan chức của ĐCSTQ đồng lõa vi phạm nhân quyền, chính phủ Mỹ nên dựa vào “Luật tự do tôn giáo quốc tế” năm 1998 và “Luật bảo hộ người bị hại khỏi buôn bán và bạo lực” năm 2000, v.v. để áp đặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với những người chịu trách nhiệm về bức hại nhân quyền, hoặc từ chối cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ.
Minh Huy (Theo SOH)