Nghề làm đầu lân, đầu rồng truyền thống: Linh hồn của ngày Tết Trung thu
Những chiếc đầu lân, đầu rồng trở nên có hồn hay không đều nằm ở bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của các nghệ nhân chế tác. Bởi mỗi một công đoạn đều được làm bằng thủ công, các nghệ nhân đòi hỏi phải có tâm huyết với nghề, có thể chịu khó và kiên nhẫn để cho ra những con lân đẹp, tinh tế và có hồn.
Nghề làm đầu lân phục vụ Tết Trung thu ở TP Huế (Thừa Thiên Huế) có từ lâu đời, hiện vẫn còn hơn chục hộ gắn bó với nghề.
Mấy ngày nay, lò lân của ông Trương Hữu Tráng (45 tuổi, phường Phú Hòa) chạy đua với thời gian để cho ra lò những đầu lân phục vụ Tết Trung thu. Không làm khuôn lân bằng xi măng rồi kết giấy vào như nhiều hộ khác, ông Tráng làm bằng cây lồ ô và mây rừng.
Việc lắp ráp và dán đầu lân thường được làm kỹ lưỡng bắt đầu từ lúc bước vào đầu mùa hạ. Trong lúc đó đầu lân ở trong Nam khuông đúc đầu lân thường được làm bằng chất liệu thạch cao, giá lại đắc hơn nhiều so đầu lân có xuất xứ từ Huế.
Trung bình một ngày ông Tráng kết được hai đầu lân giao cho thợ vẽ. Đầu lân sau khi tạo hình sẽ được dán một lớp vải, một lớp giấy và mang đi phơi nắng.
Theo anh Trương Hữu Anh Khoa (32 tuổi, phường Phú Hòa, TP Huế), một chiếc đầu lân có hồn hay không phụ thuộc vào sự bố trí màu sắc và hoa tay của người thợ. Giống như chiếc đầu lân này, anh phải mất một ngày mới có thể hoàn thành.
Sau khi vẽ trang trí, tạo hình, các nghệ nhân sẽ chế tác mắt, dán râu tạo thêm sự sinh động cho đầu lân. Để có một đầu lân bắt mắt sống động và truyền tải được cái hồn của người chơi mong muốn, người làm nghề phải có tính chịu khó, kiên nhẫn, đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của người thợ, vì các khâu đều làm thủ công. Mỗi công đoạn đều cần người thợ phải khéo tay, từ khâu vẽ, sơn màu lên những chi tiết để toát lên được cái thần thái của mỗi đầu lân. Bên cạnh đó, yêu cầu người thợ cũng phải có năng khiếu nghệ thuật, từ khả năng pha màu cho tới những đường nét thanh mảnh khi vẽ để làm sao cho ra một con lân đẹp, tinh tế và có hồn.
Nét đặc sắc làm nên thương hiệu lân Huế chính là họa tiết trang trí ở phần cặp mắt của con lân. Phải chú ý đến cách phối màu, tạo đường nét nhằm làm nổi bật thần thái của đầu lân. “Thần thái” đầu lân hiện ngay trên đôi mắt, vì vậy khâu vẽ cực kỳ quan trọng.
Thông thường mắt lân phải được người nghệ sĩ điểm tô theo kiểu “mắt ngọc, mày ngài”, đây là yếu tố nhận dạng, so sánh thể hiện rõ sự khác biệt giữa đầu lân xứ Huế với con lân ở những vùng miền khác. Do đó, việc khó nhất đó là vẽ làm sao phải để mắt lân có hồn và chiều sâu bởi lân có mạnh mẽ, hung dữ hay hiền lành đều được thể hiện qua đôi mắt. Do đó muốn thể hiện được cái hồn của một linh vật đòi hỏi người thợ phải làm bằng cả tâm hồn và cảm xúc của bản thân.
Sau khi vẽ mắt, người nghệ nhân thường dùng bột màu sơn phủ lên đầu lân; đính kim sa làm vảy; đính lông làm râu, lông mi, lông mày; gắn 2 trái banh lò xo làm mũi, hay đèn led… cho con lân thêm rực rỡ, bắt mắt.. Mỗi màu của đầu lân đều có ý nghĩa khác nhau: màu đỏ tượng trưng cho sự sung túc, màu vàng tượng trung cho tiền bạc…
Qua đó có thể thấy điều kiện quyết định một cái đầu lân có đẹp hay không trước tiên là ở bước pha màu sơn cho lân. Mỗi một nghệ nhân đều nắm giữ cho mình những bí quyết riêng biệt. Ví dụ như gia đình ông Tư Nhứt trên đường Lão Tử, quận 5, TP. HCM có ba đời theo nghề. Ông được người trong nghề gọi là nghệ nhân, có tài làm đầu lân ngày càng nhẹ, từ 14 kg xuống còn khoảng 6 kg. Cách phối màu của ông để đầu lân sư rồng giữ nguyên nét tươi tắn và tinh xảo, có thể chỉ có trong gia tộc mới biết được bí quyết đó.
Ông Tư Nhứt khoe: “Tôi đố bạn nhìn mà biết được đâu là màu gốc của mũi lân. Cái mũi đỏ có cái sừng nhìn dữ tợn nhưng rất ngộ nghĩnh là “công trình” pha chế 7 loại màu để ra được mẫu màu đỏ có sắc thắm không sợ nắng, mưa, sương, gió. Khi pha cũng phải biết canh nước, xếp thứ tự theo bảy sắc cầu vồng của thiên nhiên, lệch một màu sẽ hỏng ngay”.
Cô Á Mùi cũng có cách pha màu hết sức độc đáo. Cô không dùng nước mà dùng xăng pha với giấm, rồi sau đó trộn với một dung dịch hỗn hợp có nhiều màu sắc, tạo cho màu mắt, tai lân sắc thái kỳ lạ.
Còn đối với mặt nạ ông địa, cách làm khuôn cũng tương tự như đầu lân nhưng khó nhất là khâu vẽ họa tiết mí mắt, 2 bên má, miệng cười và hai hàm răng to đều. Từng nét vẽ phải thật khéo léo để ông địa mang nét vui tươi, phóng khoáng. Sau khi hoàn thành, mặt nạ sẽ được phủ một một lớp sơn bóng để giữ màu lâu phai.
>>> Đoàn nghệ thuật Hồng Ân – Món quà tuyệt vời cho trẻ nhỏ trong dịp Tết Trung Thu
Thông thường, để hoàn thiện một chiếc đầu lân phải mất từ 4-5 ngày với nhiều công đoạn như: bẻ sườn mây lợp trúc vô thành hình khuôn đầu lân, dán giấy và lợp vải kim sa lên khuôn để tạo hình, may thành hình, sơn vẽ hoa văn, dán họa tiết trang trí cho đầu lân thêm rực rỡ, khảm lông, trang trí các chi tiết như: mắt lân, mày mi, đường viền và cuối cùng là trang trí lông vũ…
Mỗi mùa Trung thu, gia đình bà Trương Thị Kim Chi (58 tuổi, phường Phú Hòa, TP Huế) cung cấp ra thị trường hơn 2.000 chiếc đầu lân lớn nhỏ. Tùy kích cỡ, đầu lân có giá thành khác nhau, có loại vài chục nghìn, có loại vài trăm nghìn đến cả triệu đồng. (Ảnh: Internet)
>>> Văn hóa múa lân tại Sài Gòn – Chợ Lớn xưa
“Vào tháng 4 âm lịch, gia đình tôi bắt tay làm đầu lân, cung cấp cho thị trường Huế và xuất đi Quảng Trị, Quảng Bình. Mỗi năm gia đình thu 40-50 triệu đồng từ công việc làm đầu lân”, bà Chi cho hay.
Trung bình một đầu lân nặng từ 3 đến 6 kg, đầu rồng nặng 20 kg, sư nặng 8 đến 10 kg. Và tùy theo trọng lượng mà đặt ra giá thành. Nếu các cơ sở làm hàng chợ mỗi ngày sản xuất 20 đầu lân, thì với hàng cao cấp, thời gian sản xuất một đầu lân mất một tuần. Điểm qua giá cả hiện nay, lân sư rồng cao cấp của VN được cho là có giá thành thấp hơn các nước.
Ông Tư Thống, một nghệ nhân 71 tuổi, phân tích: “Tiền nào của nấy thôi. Nếu lân sư rồng hàng chợ gắn lông mi, lông tu bằng sợi cước, thì hàng cao cấp gắn bằng lông cừu được nhập từ nước ngoài về, do vậy giá mới đắt. Nhưng so với các nước vẫn rẻ hơn”.
Ông Tư cho biết giá lân cao cấp từ 5 triệu đến 15 triệu đồng/con. Rồng dài theo kích thước, giá từ 30 triệu đồng đến 120 triệu đồng/con/20 m trở lên.
Đối với các “nghệ nhân” làm lân, tuy nghề mang lại lợi nhuận không cao nhưng mỗi sản phẩm đều là tâm huyết của họ đối với nghề, với mong muốn thắp lửa, giữ hồn cho một nghề truyền thống.
>>> Thưởng thức “bánh Trung thu” mùa đoàn viên, ai nỡ chối từ
Chúc Di (t/h)