Ngày lễ Halloween: Đùa với quỷ thần có thể rước họa vào thân
Hiện nay, ngày lễ Halloween đã và đang trở thành thú vui, hóa trang sao cho càng giống ma quỷ càng tốt, từ hành động, lời nói, thậm chí cả ý nghĩ cũng nương theo ma quỷ. Tuy nhiên, theo văn hóa Phương Đông, điều đó có thể dẫn đến hậu quả tai hại.
Halloween bắt nguồn từ đâu?
Halloween được cho là có xuất xứ từ Thiên Chúa Giáo. Ngoài tên gọi phổ biến, Halloween còn được biết đến những danh từ như Hallowe’en, Allhalloween, All Hallows’ Eve, hay All Saints’ Eve, tạm dịch là ngày lễ thánh hóa hay còn gọi là ngày lễ các thánh, diễn ra vào ngày đầu tiên của tháng 11. Nhưng cũng có tài liệu cho rằng lễ hội Halloween có nguồn gốc từ các lễ hội cổ xưa của người Celtic, những người đã sống cách đây 2.000 năm trong khu vực mà ngày nay là Ireland, Vương quốc Anh và miền bắc nước Pháp, để chào mừng ngày đầu năm mới 1/11.
Theo trang Dictionary.com, từ “Halloween” có “nguồn gốc trực tiếp từ All Saints Day” với “All Hallows” trong ý nghĩa tiếng Anh là “lễ các thánh”.
“Halloween” cũng đã được dịch thành “Eve of All Hallows”, là một ngày lễ kỷ niệm ngày trước ngày All Saints Day. Mục sư Richard Donohoe, vị đại diện của Tổ chức từ thiện Công Giáo Giáo Phận Birmingham, đã mô tả đó là “một kỷ niệm của sự hiệp thông của các thánh, những người mà chúng ta tin họ đang ở trên thiên đường, thông qua những việc làm tốt và sự ân sủng của Chúa”.
Ngày Lễ các Thánh (All Saints ‘Day) được tổ chức vào ngày đầu tiên của tháng 11, còn Ngày lễ các đấng linh hồn (All Souls’ Day) được tổ chức ngày 2/11.
Ngày Lễ các Thánh là ngày người Công giáo cầu nguyện cho những người trong luyện ngục. Reverend Donohoe nói: “All Saints’ Day và All Souls’ Day có liên quan, nhưng đó là hai lễ riêng biệt. Vào ngày All Saints’ Day, có một cuộc gọi gợi nhắc lại các thánh, để nhắc nhở chúng ta phải sống như thế nào. Còn vào ngày All Souls’ Day, chúng ta nói về tất cả các linh hồn và xin lòng thương xót của Chúa đối với họ“.
Ngày lễ Halloween được du nhập vào Mỹ theo chân những người Ireland di cư từ nạn đói khoai tây năm 1846. Đến những năm 1920 và 1930, Halloween đã trở thành một ngày lễ thế tục, chứ không chỉ của riêng giáo dân, với các cuộc diễu hành và các trò giải trí đặc trưng của cả cộng đồng.
Halloween truyền thống của Mỹ đặc trưng bởi tập tục “Trick Or Treat”. Trong lễ hội, các gia đình sẽ đưa cho những người nghèo đi xin ăn bánh ngọt, được gọi là “bánh linh hồn”, để đổi lấy lời hứa sẽ cầu nguyện cho người thân đã chết của gia đình. Dần dần, điều này biến đổi thành việc những đứa trẻ đi gõ cửa các nhà hàng xóm để được phát bánh, kẹo, hay cho tiền.
Ngày nay, đối với nhiều quốc gia ở Mỹ, châu Âu, Halloween đã trở thành lễ hội vui chơi hằng năm cho trẻ em và cả người lớn, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Người phương Đông nên hiểu rõ ngày lễ Halloween để có tâm thái đúng đắn
Như vậy ta có thể thấy ngày lễ Halloween mục đích chính là để những âm hồn không đầu thai trở lại cõi trần – theo tập tục của người Celtic, hoặc là ngày để nhắc nhở người sống có đức tin và xin lòng thương xót của Chúa đối với các linh hồn – theo đức tin của người Thiên Chúa giáo.
Tuy nhiên, ngày nay, ngày lễ Halloween đã trở thành thú vui của giới trẻ, nhiều bạn trẻ hóa trang mình sao cho càng giống ma quỷ càng tốt, từ hành động, lời nói, thậm chí cả ý nghĩ cũng nương theo ma quỷ. Theo văn hóa Phương Đông, điều đó có thể dẫn đến hậu quả tai hại.
Dân gian có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Để tránh những điều phiền phức từ các thế giới khác, người xưa thường tôn kính các vị thần Phật để được bảo hộ và tránh xa những điều tà ma. Như thế, cần phải giữ tâm cho chính, tích đức, hành thiện. Lời nói, cử chỉ, thậm chí cả ý nghĩ cũng đều ngay chính.
Ngày lễ Halloween xuất phát từ phương Tây, mục đích mặc trang phục giống ma quỷ chính là để tránh âm hồn, ma quỷ nhập vào người, trong tâm của những người mặc trang phục này luôn có một niệm bài trừ âm hồn, ma quỷ. Nhưng ngày nay mấy ai khi mặc bộ đồ ma quỷ đó mà trong tâm có ý thức bài trừ ma quỷ?
Nhiều bạn trẻ chỉ cốt sao cho mình càng giống ma càng tốt, điều này chẳng phải chiêu ma hay sao?
Có câu: “Tâm động quỷ thần tri”, nghĩa là: Trong lòng nghĩ gì quỷ thần đều biết. Bởi vậy, khi mục đích mặc trang phục sao cho giống ma quỷ, trong cách đi đứng, nói năng, hù dọa… càng giống ma quỷ càng thích thú, thì đó cũng là một dạng “giao tiếp”, khiến tinh thần không có chút cách biệt nào với những điều linh ma.
Thành ngữ tiếng Việt có câu: “Kính quỷ thần, nhi viễn chi”. Thành ngữ này có nguồn gốc từ một câu nói của Khổng Tử trong “Luận ngữ – Ung dã”:
“Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi, khả vị tri hĩ”.
Tạm dịch: Làm việc nghĩa, có ích cho dân, tuy phải kính trọng quỷ thần (ý nói bề trên) nhưng không cầu cạnh quỷ thần, mà nên tránh xa quỷ thần, đó là trí.
Ngày nay, thành ngữ “Kính quỷ thần nhi viễn chi” được rút ra từ câu trên thường được dùng với nghĩa bề ngoài tỏ ra kính nể, tôn trọng một đối tượng nào đó, nhưng trên thực tế không muốn tiếp cận, gần gũi với đối tượng đó. Là quỷ thần thì càng nên kính nể và tránh xa.
Theo trithuc.vn