Ngày 20/11: Chuyện vui trong nghề
Làm giáo viên lắm nỗi vất vả, nhưng may mắn là trên hành trình gian khổ ấy có bóng dáng của những cô cậu học trò “trời ơi”. Cười xong thấy bớt khổ …
Đến thầy cũng phải điên
Thầy giáo: Em hãy cho biết Mặt Trăng xa hơn hay Mặt Trời xa hơn?
Trò: Mặt trời xa hơn ạ .
Thầy: Vì sao?
Trò: Vì sao của Khởi My ạ
Thầy: Không, tại sao?
Trò: Tại sao của Ưng Hoàng Phúc ạ!
Thầy: Không, ý thầy là Why đó!
Trò: Why? À! Why của DBSK .
Thầy: Trời ơi, tôi phải làm thế nào ?
Thầy giáo tỏ tình
Hôm nay cuối tuần, thầy giáo trẻ hẹn người yêu. Khi hai người thân mật nói chuyện, thầy chủ động:
“Hôm nay anh gặp em để nói về chủ đề tình yêu. Ý tưởng chủ đề là anh rất yêu em. Anh sẽ thổ lộ với em thành ba đoạn. Mỗi đoạn sẽ có phân tích, lập luận để em hiểu hết tình cảm của anh. Kìa, em vẫn nghe anh đấy chứ! Lát nữa anh sẽ chất vấn đấy! Anh sẽ phân tích cụ thể, sẽ có dẫn chứng sinh động. Qua mỗi phần, sẽ có tiểu kết để em nắm các ý chính. Em hiểu chứ!”
Cô gái nhẹ nhàng:
“Dạ, “thưa… thầy”, em hiểu ạ!”
“!?!”
Từ trái nghĩa
Giờ học tại chức, thầy giáo giảng bài và nói với các em học sinh:
– Các bạn đọc từ trái nghĩa với từ tôi nói nhé!
Học sinh lễ phép:
– Dạ vâng, thưa thầy!
– Đen.
Học sinh đồng thanh:
– Không đen.
Thầy giáo tiếp:
– Nóng.
– Không nóng.
Thầy giáo đỏ mặt:
– Không đúng!
– Đúng!
Thầy giáo cáu tiết:
– Im lặng!
Học sinh vẫn khí thế:
– Không im lặng!
Thầy giáo không thể chịu nổi:
– Hả?!
– Không hả!
Thầy giáo pro
Thầy giáo bước vào lớp. Quần áo xộc xệch. Mặt hằm hằm. Cả lớp lo lắng. Vào cửa lớp, thầy rút chiếc dép phải ném bay vù xuống góc trái cuối lớp.
Cả lớp sợ. Thầy rút tiếp chiếc dép trái ra ném. Dép bay vèo xuống góc phải của lớp.
Cả lớp run. Tiến lại gần bảng, thầy hỏi:
– Thế nào, các cô, các cậu có sợ không, hả?
– Thưa thầy… sợ, sợ lắm ạ – Cả lớp đồng thanh.
– Thế vẫn chưa sợ bằng Thế chiến II. Các em lấy bút, vở ra học bài mới: “Chiến tranh Thế giới lần thứ 2”
Gọi tên sự vật
Giờ kiểm tra, thầy giáo dạy sinh vật đem đến một cái lồng, bên trong đựng đủ loại chim. Thầy lôi ra một con và giấu sau lưng, chỉ để cho học sinh thấy cái đuôi, và hỏi học sinh:
– Đây là chim gì?
– Thưa thầy, chim sáo ạ!
– Không đúng. Đây là chim gõ kiến. Cho em đoán một lần nữa…
Thầy giáo lại lôi ra một con khác và hỏi:
– Con này tên gì?
– Dạ…! – Học sinh nọ lúng túng.
– Em nghĩ đó là con chào mào ạ!
– Không phải, đây là chim hoạ mi. Em không học bài! Tôi thật buồn phiền phải cho em điểm ‘Không!’ Tên em là gì nhỉ?
– Em đố thầy biết đấy.
Thầy: !!!
Không thể cho
Thầy giáo sau khi dạy cho học trò một bài học về lòng hiếu thảo liền hỏi trò Bi:
– Nếu em có hai cái nhà, ba em không có cái nào, em sẽ làm gì?
– Em sẽ cho ba một cái nhà.
– Giỏi lắm. Nếu em có hai cái xe, ba em không có cái xe nào, em sẽ làm gì?
– Em sẽ cho ba một chiếc.
– Giỏi lắm. Em hiểu rất rõ bài thầy giảng. Một câu hỏi chót: Nếu em để dành được 20.000 đồng, ba em lại không có đồng nào. Vậy em sẽ làm gì?
– Em sẽ không cho ba đồng nào.
– Ủa sao kỳ vậy. Em cho ba cái nhà, cho ba chiếc xe, sao em lại không cho ba đồng nào?
– Thưa thầy, tại vì thật sự em có để dành 20.000 đ.
Ai là người tìm ra châu Mỹ?
Trong giờ địa lý, cô giáo gọi Hà lên hỏi: “Em hãy chỉ cô biết đâu là châu Mỹ?”
Hà chỉ trên bản đồ: “Thưa cô, đây ạ!”
Cô giáo gật đầu:
– Tốt lắm! Nào, thế bây giờ trò Tí hãy nói cho cô biết ai đã có công tìm ra châu Mỹ?
– Thưa cô, bạn Hà ạ.
– !?
Lý do con tới trường
Mẹ: Con trai, dậy thôi, con phải tới trường rồi!
Con: Con không muốn tới trường đâu!
Mẹ: Con có thể đưa ra 2 lý do tại sao con không muốn tới trường không?
Con: Được ạ, đó là bọn trẻ ghét con và thầy cô giáo cũng ghét con
Mẹ: Nhưng mẹ cũng có thể đưa ra 2 lý do mà con phải tới trường.
Con: Vâng, mẹ nói đi.
Mẹ: Thứ nhất, con đã 52 tuổi rồi, và thứ 2 con là hiệu trưởng.
Bài văn tủ
Cô giáo cho học sinh tả về con vật mình yêu thích nhất. Cu Bin 7 tuổi về bắt một con rận nghiên cứu và tả rất chi tiết. Tất nhiên là cô giáo không hài lòng, cô bắt cu Bin làm lại bài văn là hãy tả con chó nhà em.
Cu Bin làm bài văn như sau: “Nhà em có một con chó, con chó có nhiều lông, đã nhiều lông thì ắt phải có rận, sau đây em xin tả con rận: ….”, và cậu bắt đầu tả con rận.
Cô giáo đọc bài văn, rất bực mình, liền bắt cu Bin làm lại lần nữa, lần này là tả con cá.
Hôm sau cu Bin nộp bài như sau: “Nhà em có một con cá, con cá sống dưới nước nên nó có nhiều vảy. Nếu nó sống trên cạn chắc hẳn nó sẽ có nhiều lông, đã nhiều lông thì phải có rận, sau đây em xin tả con rận:….”.
Học thời công nghệ
“Mình đang online Facebook trong giờ học, tiết này chán quá”.
Khoảng một phút sau thì hệ thống báo có bình luận mới.
Cậu háo hức mở ra đọc và chết ngất vì đó là bình luận từ cô giáo: “Giở sang trang 50 em ơi”.
– @@
Kinh nghiệm thi vấn đáp của sinh viên
Nghĩ thôi thì dù sao cũng là trò mình, cô hỏi nốt câu cuối:
– Thế theo em thì trong phòng này có bao nhiêu cái bóng đèn?
Trò ngẩng đầu lên đếm, không thiếu cái nào:
– Thưa cô, có 4 cái!
Cô giáo lắc đầu rút từ trong cặp ra một cái bóng đèn và nói:
– Em đếm thiếu, thôi hẹn gặp lại ngày thi lại nhé!
Ðến kỳ thi lại, cũng chẳng khá hơn lần trước, sinh viên kiến trúc nọ vẫn tịt ngòi trước tất cả các câu hỏi. Cô lại đành chiếu cố câu hỏi như cũ:
– Thế theo em thì trong phòng này có bao nhiêu cái bóng đèn?
Lần này, quả thật anh chàng rất tự tin trả lời ngay:
– Thưa cô, có 5 cái bóng đèn!
Cô giáo lắc đầu:
– Em lại đếm sai, hôm nay tôi không mang cái nào cả nên chỉ có 4 cái thôi!
Sinh viên nọ đáp ngay:
– Nhưng mà em mang! (vừa nói vừa rút ra trong túi quần một cái bóng đèn).
Bạch Vân (t/h)