Chưa tìm ra đường phát triển, ngành dâu tằm tơ Việt Nam lại đối mặt mối lo Trung Quốc
Trong khi đang loay hoay tìm đường phát triển bền vững sau giai đoạn suy thoái, thì nay ngành dâu tằm tơ Việt Nam lại đối mặt thêm mối lo từ các nhà đầu tư Trung Quốc núp bóng gây bất ổn thị trường.
Thực trạng nhiều bất ổn
Theo Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam, sau giai đoạn suy thoái, từ năm 2007 ngành dâu tằm tơ dần phục hồi và phát triển mạnh. Đến nay cả nước có trên 200 hộ nuôi tằm con tập trung, trong đó riêng Lâm Đồng có đến 150 hộ. Cùng với đó, cả nước hiện có 40 dãy ươm tơ tự động hoạt động và con số này đến cuối 2017 sẽ là 50.
Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” này lại trở thành thách thức lớn cho sự phát triển của ngành, bởi sự đầu tư mất cân đối giữa máy móc thiết bị với việc phát triển nguồn nguyên liệu.
Tại đại hội Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam, nhiệm kỳ 2017 – 2022 (ngày 15/4, tại TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng), ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty dâu tằm tơ Việt Nam, cho hay: “Hiện nay cả nước có khoảng 7.000 – 8.000 ha dâu. Nếu nông dân đầu tư thâm canh cây dâu tốt, năng suất đạt 30 tấn/ha và nuôi tằm không bị bệnh thì lượng kén thu về cũng không đủ đáp ứng với công suất máy móc mà các doanh nghiệp và các hộ đã đầu tư.
Riêng tại Lâm Đồng có khoảng 15 doanh nghiệp ươm tơ tự động, mỗi ngày sản xuất trên 2 tấn tơ tự động và hơn 20 cơ sở ươm tơ cơ khí, mỗi ngày sản xuất gần 1 tấn tơ cơ khí. Song tất cả các nhà ươm tơ không có tiếng nói chung, mạnh ai nấy làm, tranh mua tranh bán diễn ra làm cho thị trường không ổn định”.
Bên cạnh đó, khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất dâu tằm tơ là khâu cung ứng trứng giống tằm cho các hộ nuôi tằm con hiện cũng đang bỏ ngỏ, không có doanh nghiệp nào đứng ra làm dịch vụ này mà chỉ có một vài tư nhân nhập trứng tằm từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, không qua kiểm dịch thực vật, động vật. Do nguồn gốc không rõ ràng, nên nhiều lúc gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Mối lo từ thương nhân Trung Quốc
Cũng theo Hiệp hội dâu tằm tơ, thị trường Việt Nam cũng không nhỏ, nhưng hiện nay mỗi năm phải nhập khẩu cả 1.000 tấn tơ từ Trung Quốc, Brazil… để làm gia công cho Công ty Matsumura (Nhật Bản) xuất khẩu. Không chỉ vậy, ngành dâu tằm tơ Việt Nam hiện còn phải lo đối phó từ các thương nhân Trung Quốc “núp bóng” doanh nghiệp Việt Nam tràn sang.
Ông Phạm Phú Bình, Giám đốc Công ty tơ tằm Phú Cường (xã Đại Lào, TP.Bảo Lộc), cho biết: “Hiện nay bên Trung Quốc máy móc cũ đang dư ra và họ gần như cho không và bằng đường nào đó đã “chạy” sang Việt Nam, người dân, doanh nghiệp đầu tư nhiều gây ra thiếu nguyên liệu trầm trọng.
Đáng nói hơn, các thương nhân Trung Quốc “núp bóng” doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhà máy ươm tơ rồi thu mua nguyên liệu với giá “trên trời” (bình thường giá trị thực chỉ 140.000 – 150.000 đồng/1kg kén, nhưng họ nâng lên đến 170.000 đồng/1kg kén, khiến các doanh nghiệp Việt Nam không chịu nổi đành đứng nhìn họ tung hoành. Năm 2016 chúng tôi đã lỗ, năm nay cũng lỗ và chưa biết năm tới sẽ ra sao”.
Ông Đặng Vĩnh Thọ, nói thêm: “Các thương nhân Trung Quốc núp bóng nên chúng ta không biết đâu mà lường. Đầu tiên giá như vậy, trước mắt thì có lợi cho nông dân nhưng về lâu dài sợ không ổn. Bởi theo tiên lượng, họ “quậy” một thời gian, khiến cho các doanh nghiệp trong nước “gác kiếm” rồi sau đó họ lại dìm giá xuống thì nông dân sẽ chịu thiệt.
Lúc ấy các doanh nghiệp trong nước muốn quay lại sản xuất thì rất khó, bởi công nhân đã không còn. Hơn nữa, một yếu tố khác “hút” thương nhân Trung Quốc tràn sang là do sản phẩm tơ tằm ở nước ta xuất khẩu sang Ấn Độ được miễn thuế suất 15%, trong khi nếu bên Trung Quốc thì phải chịu mức thuế này nên họ qua đây để hưởng lợi theo”.
Làm gì để phát triển bền vững?
Trước tình hình trên, ngay từ bây giờ nếu Việt Nam không có chiến lược phát triển mạnh ngành dâu tằm tơ thì 10 – 15 năm nữa chúng ta sẽ không có nguyên liệu để sản xuất, nên đòi hỏi phải phát huy tốt vai trò của Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam.
“Hiệp hội phải chủ động trong việc tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Làm sao phải xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa, đưa giống dâu mới, giống tằm tốt, nuôi tằm con tập trung, phân vùng mua lại sản phẩm kén tằm cho từng doanh nghiệp ươm tơ và chọn một số doanh nghiệp “đầu đàn” làm nhiệm vụ xuất khẩu.
Đồng thời phân xử được việc tranh mua, tranh bán, dìm giá, phá giá và ngăn chặn được giống dâu, giống tằm, tằm con kém chất lượng khiến nông dân không yên tâm sản suất. Hiệp hội cần phải thiết lập được mối quan hệ “4 nhà”; thốngnhất quản lý về công nghệ, chống làm hàng giả để khỏi bị bắt chẹt về giá và gây mất uy tín trên thị trường”, ông Đặng Vĩnh Thọ cho hay.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Phú Bình, việc thương nhân Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam chúng ta không tránh được. Tuy nhiên, trước khi cấp phép đầu tư cho một doanh nghiệp nào, ngành chức năng nên đánh giá kỹ dự án, phải xem phương án về vùng nguyên liệu có đảm bảo hay không rồi mới cấp phép đầu tư.
Ngoài ra, theo ông Lê Thái Vũ, Ủy viên BCH Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tơ lụa Quảng Nam, để phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ Việt Nam, đòi hỏi có thêm các nhà thiết kế, viện thiết kế trong và ngoài nước để cùng tham gia tạo nên sản phẩm thời trang và nhiều sản phẩm khác từ lụa tơ tằm Việt Nam.
Đặc biệt, phải kết hợp với du lịch “làng nghề” để tạo điểm tham quan trải nghiệm cho du khách (quy trình trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa) và tổ chức những lễ hội truyền thống có liên quan đến tơ tằm nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu lụa tơ tằm Việt Nam ra bạn bè quốc tế.