Ngạn ngữ nói “Trên có Hoàng Thiên, dưới có Hậu Thổ làm chứng”, vậy Hậu Thổ là ai?
Xưa nay, trong những lời thề, người ta vẫn thường có câu nói rằng “Trên có Hoàng Thiên, dưới có Hậu thổ làm chứng”. Vậy Hậu Thổ là ai, liệu có phải là Diêm La Vương không?
“Trên có Hoàng Thiên, dưới có Hậu Thổ làm chứng”, từ cổ chí kim, phàm là kết nghĩa anh em xưng nghĩa khí, đều không bỏ qua câu nói này, cũng là cầu xin Hoàng Thiên, Hậu Thổ, hai vị này đến ở làm chứng. Đúng vậy, Hoàng Thiên và Hậu Thổ là hai người, chính xác mà nói, chính là hai vị Thần.
“Hoàng Thiên” thì dễ hiểu rồi. Chúng ta thông thường cũng đều biết ông chính là ở trên trời, là cổ nhân đem trời nhân cách hóa thành hình tượng một vị thần minh: Ngọc Hoàng, Thiên Đế, chủ quản trên trời.
Còn “Hậu Thổ” là ai đây? Đây cũng không phải là tên gọi của “đất dày”. Mà Hậu Thổ chính là một vị thần trong thần thoại, đồng thời, cũng là người đứng đầu Minh giới, quản lý u đô trong văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Lại một vấn đề nữa, như thế nào gọi là “u đô”?
Người xưa thường nói “người chết làm quỷ”, mà nơi quỷ hồn đến, chính là u đô, thông thường được gọi là âm phủ. Có thể trong đầu mọi người sẽ nghĩ đến hình ảnh Diêm La Vương. Nhưng cũng không phải! Những vị thần linh xuất hiện ở Thập điện Diêm La, thật ra chỉ là kết quả của văn hóa truyền thống hấp thụ từ truyền thuyết Phật giáo. Vị Thần thực sự ở Minh giới, đúng ra phải là Hậu Thổ, cũng được gọi là Thổ Bá.
Cũng giống như việc nhân cách hóa Trời, cổ nhân đã nhân cách hóa mặt đất thành thần Hậu Thổ, vị thần của Đại Địa.
Trong “Sở từ – Chiêu hồn” nói hình tượng Hậu Thổ là thân bò, đầu hổ, tam nhãn, sừng nhọn dài, thân thể rất lớn. Có hình tượng như vậy, rất có thể là do ông là mặt đất hóa thân, vậy nên hình tượng không chỉ to lớn, hơn nữa còn có 9 khúc uốn lượn.
Đồng thời, Hậu Thổ còn có tên mà mọi người biết rõ hơn, đó là “Xã”. Chúng ta thường nghe đến từ “xã tắc”. “Xã” chính là Thần mặt đất; “tắc” là thần ngũ cốc. Mặt đất mưa thuận gió hòa, ngũ cốc sinh trưởng tươi tốt, đây là bảo chứng căn bản cho nền nông canh của một xã hội phồn vinh. Vậy nên ở các bộ phim truyền hình, thường nghe các hoàng đế hô to: “Giang sơn xã tắc”, v.v..
Trong phong tục truyền thống, thường sẽ có các “xã hỏa”, là các phong tục dân gian như múa sư tử, rước đèn lồng… Đây là nghi thức tế tự Đại Địa. Về sau bởi vì truyền thuyết thần thoại Đạo giáo rộng khắp, cho nên mọi người có thói quen cho rằng mỗi một thổ địa sẽ có một thổ địa công, còn thổ địa công của một vùng chính là Thành Hoàng.
Hiện tại con người sau khi biết đến Hậu Thổ, rất nhiều là ý chỉ thần minh Hậu Thổ nương nương. Điều này là bởi người xưa quan niệm rằng, Thiên là dương, địa là âm. Dần dần đem hình tượng Hậu Thổ nhân cách hóa thành hình tượng nữ để xứng đôi với Ngọc Hoàng đại đế. Và người xưa đều cho rằng, con người phải biết thuận thiên thừa mệnh, thuận theo ý chỉ của Hoàng Thiên và Hậu Thổ, mới có cuộc sống yên ổn thái bình.
Theo NTDTV