Ngạc nhiên với gian hàng “không người bán” ở Nhật Bản
Mạng xã hội những ngày qua đang xôn xao trước hình ảnh một gian hàng không người bán ở Nhật Bản. Người chủ chỉ cần đặt báo giá hàng hóa, một thùng đựng tiền rồi cuối ngày quay lại dọn hàng và lấy tiền.
Bức hình này ban đầu được trang facebook Nhật Bản Tôi Yêu chia sẻ. Đây là hình ảnh của một gian hàng nông sản không cần người bán ở Nhật.
Bức hình này được facebook Nguyễn Thiện chia sẻ lại và nó thực sự trở thành chủ đề được quan tâm trên mạng xã hội khi số nhận xét và chia sẻ bài viết ngày càng tăng. Ngay cả chính ông Nguyễn Thiện cũng không tưởng tượng được sức ảnh hưởng của bài viết lại lớn như vậy.
Theo như chia sẻ, người chủ bày hàng lên, ghim giá cả và để một thùng đựng tiền ở đó, rồi đi làm việc khác. Người mua sẽ tự chọn, cân kí và bỏ tiền vào thùng. Chiều đến, người chủ quay lại dọn hàng, lấy tiền trong thùng, không thiếu một xu, không mất một hạt đậu nào!
Điều này cũng được một số du học sinh hoặc người làm việc tại Nhật xác nhận đó là sự thật. Nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ với sự văn minh của đất nước Nhật Bản.
Bạn Đào Thị Thúy Nga chia sẻ: “Đây là nơi những người công nhân hoặc công chức bán những nông sản mà họ trồng trong vườn nhà trong thời gian rảnh rỗi, không phải làm việc ở cơ quan hay nhà máy. Họ không phải nông dân nên sản lượng ít, vì vậy họ để nông sản ven đường để đi làm, chiều về mới thu dọn”.
“Ở Nhật Bản chuyện này là có thật 100/100.và họ chưa bao giờ biết nói dối, thực phẩm ăn uống thì rất sạch và an toàn”. Facebook Trần Minh Huệ cho hay.
Theo một số người mô hình này không chỉ xuất hiện ở Nhật mà còn có mặt ở nhiều nước phát triển khác. Facebook Mach Phan chia sẻ, hình thức này cũng có trên đất Mỹ: “Ở California cũng có chỗ bán như vậy, nhưng khác là 1 nông trại, mình tự hái dâu trong vườn, rồi tự cân, tự gói và bỏ tiền vào thùng đựng tiền.. mùa hè đi cắm trại, dừng lại chổ này hái dâu rất là vui”.
Theo một số ý kiến, hình thức bán hàng tự giác này cũng đã từng có ở Việt Nam.
Facebook Lan Nguyen Thanh viết: “Ngày xưa tại vùng cao và vùng sâu vùng xa, nhất là vùng đồng bào dân tộc con người Việt Nam cũng đối xử với nhau như vậy”.
Bích Phượng nhớ lại: “Ngày mình còn nhỏ, ở Việt Nam mình, trên tàu hoả bán nước và ở những miền núi cũng bán hàng tự giác như vậy”.
Những gian hàng này xuất hiện tại nhiều nơi trên khắp Nhật Bản và có tên gọi là “Mujin Hanbaisho” có nghĩa là cửa hàng không người bán. Điều đó xuất phát do sự tin tưởng nhau và lòng trung thực cao độ của mỗi người dân nơi đây. Một số người có thể làm hai công việc ở hai nơi khác nhau nhưng cùng thời điểm. Chỉ cần một khu vườn nhỏ để họ trồng rau, củ quả sau giờ làm việc. Sau đó thu hoạch và bày bán tại cửa hàng nhỏ “không người bán” của mình.
Tại cửa hàng này, các loại rau quả sẽ được đóng gói và niêm yết giá tiền. Khách mua chỉ cần lấy hàng và trả tiền đúng với giá của sản phẩm vào nơi quy định của cửa hàng.
Ngoài những gian hàng nông sản như vậy, ở Nhật còn có cả những gian hàng bán quần áo ngay trên phố với hình thức không chủ tương tự, tất cả đều dựa vào sự tự giác và lòng tin giữa người bán với người mua.
Theo VN TinNhanh