Ngạc nhiên với cửa hàng “tự phục vụ – tự trả tiền” đầu tiên ở Việt Nam
Không nhân viên phục vụ, không giám sát, nhưng mọi hoạt động mua bán ở đây diễn ra rất trôi chảy. Cửa hàng này kinh doanh theo kiểu phó thác mọi chuyện vào lòng tốt của khách.
Đến thăm Nhật Bản, du khách có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều cửa hàng tự phục vụ 100%. Nông dân ở đây mở ra những quầy hàng nhỏ bày rau củ, hòm thu tiền, để khách hàng tùy ý mua và trả theo giá niêm yết có sẵn. Đến cuối ngày, người dân mới đến gian hàng đó thu tiền.
Mô hình này không chỉ tiết kiệm chi phí, nhân lực mà còn giúp khách hàng thoải mái. Điều này cũng khiến du khách đánh giá rất cao về tính trung thực và sự lịch thiệp, tôn trọng lẫn nhau của người dân Nhật Bản.
Thế nhưng, bây giờ không cần phải đến tận Nhật Bản, bạn mới được trải nghiệm dịch vụ như vậy. Một quầy hàng nhỏ xinh xắn, không hề có nhân viên và tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào ý thức của khách hàng khiến rất nhiều người cảm thấy vô cùng thích thú.
Gian hàng nhỏ này nằm trên đường Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội), chủ yếu bán chocolate tươi, kem cùng các loại nước giải khát. Khách đến đây, chỉ cần nhấn chuông và đẩy cửa vào. Họ có thể tùy ý chọn lựa sản phẩm, bao lâu cũng được.
Khi đã ưng ý, họ mang sản phẩm đến trước một bàn để máy quét mã vạch, máy tính và máy in hóa đơn. Khách tự quét giá sản phẩm và máy in sẽ tự động nhả hóa đơn.
Họ lấy hóa đơn này, bỏ thêm số tiền cần thanh toán và bọc vào trong túi nilon có sẵn, điền thêm tên và số điện thoại trên máy tính và bỏ túi tiền vào hòm, vậy là chuyện mua bán đã hoàn tất.
Bên trong, gian hàng trống trải, chẳng có một ai. Xung quanh tường, chủ quán đã ghi sẵn một số biển hướng dẫn sử dụng quầy hàng để giúp đỡ những khách hàng mới đến đây. Mô hình bán hàng tự động này khiến rất nhiều người cảm thấy thích thú vì họ có thể tự làm mọi việc thay vì phải chờ đợi, phụ thuộc vào nhân viên.
Chị Hoa (Đội Cấn, Hà Nội) chia sẻ: “Mình thấy mọi người hay ca thán về tính trung thực của mọi người nhưng đến đây mấy lần, mình thấy mọi người rất ý thức khi mua hàng, không chen chúc mà từ tốn lấy hàng rồi thanh toán khá lặng lẽ, yên tĩnh”.
Anh Đào Khánh Hiệp (chủ cửa hàng) tâm sự, trước khi mở cửa hàng tự phục vụ này, anh đã bị rất nhiều người thân, bạn bè phản đối. “Họ bảo tôi ở Việt Nam khác với Nhật Bản. Tôi thấy vì sao chúng ta chỉ ngưỡng mộ người Nhật mà không bao giờ học theo họ. Tôi nghĩ người Việt rất tốt, rất lương thiện, chẳng qua họ chưa có cơ hội thể hiện những điều đó mà thôi. Vì thế, tôi cho là mình cần tạo ra một môi trường tốt để những điều tốt đẹp được dịp phát huy”.
Đặt tất cả lòng tin vào khách hàng nhưng suốt 3 tháng mở cửa, anh Hiệp chưa thu thiếu một đồng nào cũng chẳng hề bị mất bất cứ thứ gì. Mỗi buổi sáng, anh đến đây cung cấp hàng hóa và tối sẽ đến thu tiền, lau chùi quầy hàng.
Mô hình bán hàng mới này khiến anh tiết kiệm tối đa chi phí. Với giá thuê mặt bằng là 5 triệu, anh chỉ mất thêm 1,5 triệu tiền điện, nước và không hề tốn tiền chi trả cho nhân viên.
Tuy nhiên, quầy hàng này có một hạn chế là không thể trả lại tiền thừa cho khách. Để giải quyết vấn đề này, anh Hiệp đã nghĩ ra cách tích điểm cho họ. Ví dụ nếu thừa lại 50.000 đồng, số tiền này sẽ được máy tính ghi nhớ. Lần sau đến mua hàng, khi khách điền đầy đủ thông tin, máy sẽ hiện thông báo khách vẫn dư tiền và hỏi họ có muốn trừ số tiền đó đi không. Tiền lưu lại trong máy sẽ được cộng thêm 10% cho các lần thanh toán tiếp theo.
“Tôi đặt hết lòng tin vào khách thì ngược lại, khách cũng sẽ đặt lòng tin vào tôi. Đó cũng là hạn chế nhưng mặt khác cũng giúp tôi níu kéo khách hàng”.
Mặc dù không có nhân viên nhưng toàn bộ hoạt động ở quầy hàng sẽ có camera theo dõi. Hệ thống phần mềm sẽ quét các gương mặt lạ và rung chuông báo cho nhân viên biết. Khi đó, họ sẽ nói trong máy tính, phát qua loa để hướng dẫn khách hàng.
Ngôi nhà này cũng rất thú vị, nó mở cửa với tất cả các khách hàng khi được bấm chuông yêu cầu, tuy nhiên, sẽ đóng chặt nếu khách không thanh toán tiền cho sản phẩm. Ngoài ra, hệ thống đèn điện, điều hòa hoạt động theo cảm ứng sẽ tự ngắt khi không có người ở bên trong.
Anh Hiệp cho biết vì là một dân IT nên phần mềm này do anh tự viết ra. Chi phí đầu tư cho quầy hàng nhỏ này rơi vào khoảng hơn 100 triệu đồng nhưng anh tin rằng nó sẽ phát triển rất tốt. Dự định của anh trong thời gian tới là sẽ nhân rộng kiểu bán hàng tự động này trên khắp địa bàn Hà Nội.
Theo Kênh 14