Nga và Crimea được, mất gì sau khi sáp nhập
TTO – Tròn một năm sau ngày sáp nhập bán đảo Crimea, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin đã giành lại được vùng đất lịch sử nhưng cũng phải hứng chịu nhiều thiệt hại.
Tạp chí National Interest dẫn lời một số nhà quan sát nhận định cái được lớn nhất của Nga chính là đã đưa lại bán đảo Crimea trở về với đất mẹ sau quãng thời gian dài bị chia cắt. Chính quyền Nga thể hiện được quyết tâm và sự bền bỉ bất chấp áp lực cấm vận của phương Tây.
Tỷ lệ ủng hộ của người dân Nga dành cho ông Putin tăng vọt lên tới 86%, một con số mà bất kỳ nhà lãnh đạo phương Tây nào cũng phải mơ ước. Và Điện Kremlin đã chứng tỏ với thế giới rằng Nga quyết tâm kiểm soát khu vực ảnh hưởng truyền thống và Nga vẫn là một cường quốc mà thế giới phải kính nể. Tuy nhiên cái giá mà Nga phải trả cũng rất đắt. Hàng rào bao vây cấm vận của phương Tây cộng với giá dầu thô giảm đã đẩy nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái, dự báo vào khoảng 3-5% trong năm 2015. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 7%, dòng vốn chảy ra nước ngoài lên tới 150 tỷ USD trong năm 2014. Giá đồng rúp sụt giảm rất mạnh, đẩy tỷ lệ lạm phát Nga lên tới hơn 16%, giá cả mọi loại hàng hóa tăng vọt. Cuộc cuộc sống của người dân Nga trở nên khó khăn hơn. Một số nhà quan sát cho rằng với cuộc xung đột Ukraine, cả Nga và các nước châu Âu cùng Mỹ đều phải hứng chịu thiệt hại.
Crimea hiện giờ ra sao? Crimea hiện cũng đang bị rơi vào trạng thái cô lập chưa từng thấy. Tuyến đường bộ duy nhất nối Crimea với Ukraine đã bị chính quyền Kiev cắt đứt, số lượng du khách nước ngoài sụt giảm trầm trọng. Trong một năm qua, số du khách nước ngoài sụt 50% từ con số 6 triệu của một năm trước đó. Dịch vụ điện thoại di động quốc tế ngừng hoạt động, dịch vụ thanh toán bằng thẻ tín dụng cũng đã tê liệt. Các công ty nước ngoài như McDonald’s, PayPal, Amazon, Visa, MasterCard.. đều đã rút khỏi Crimea. Bán đảo này thậm chí còn thiếu nước ngọt và điện. Bởi 80% điện ở Crimea đến từ Ukraine. Ngành công nghiệp vi tính từng rất phát triển tại đây cũng đã chết yểu vì cấm vận phương Tây. Chính quyền Ukraine ngừng mọi chuyến tàu đến Crimea và lập trạm kiểm soát tại biên giới để chặn xe cộ. Người ta vẫn có thể đến Crimea bằng đường hàng không và đường thủy. Tuy nhiên cả sân bay ở Crimea và tuyến phà tại đây đều thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải.
Nga đã thành lập một số ngân hàng để giúp thúc đẩy hệ thống tài chính Crimea. Nga cũng cam kết xây một cây cầu nối với Crimea. Tuy nhiên dự án trị giá 3,7 tỷ USD sẽ chỉ hoàn thành vào năm 2018. Ngành nông nghiệp cũng thiệt hại nặng vì thiếu nước ngọt. Phần lớn diện tích trồng lúa và 35% diện tích trồng rau bị tàn phá. Crimea chủ yếu nhập khẩu thực phẩm từ Nga nhưng do vấn đề giao thông và khủng hoảng kinh tế Nga, giá thực phẩm tăng 2,5 lần so với năm ngoái. Điện cũng liên tục chập chờn.
NGUYỆT PHƯƠNG
|
Theo Tuổi Trẻ