Nga muốn trở thành nhà cung cấp năng lượng chính cho châu Á
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin PTI của Ấn Độ, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga muốn trở thành nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy cho thị trường châu Á để đa dạng hóa các điểm đầu ra của nước này.
Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga phải đa dạng hóa các điểm đầu ra trong việc cung cấp năng lượng của nước này khi mà hoạt động tiêu thụ ở châu Âu tăng quá chậm, thêm vào đó là những rủi ro địa chính trị, pháp lý và quá cảnh ở phương Tây ngày càng gia tăng.
“Chúng tôi hy vọng Nga sẽ là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy cho thị trường châu Á. Đồng thời, chúng tôi dự định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng mới tại khu vực Đông Siberia và Viễn Đông của Nga”, Tổng thống Nga phát biểu trước chuyến thăm chính thức Ấn Độ vào ngày 11/12 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh thường niên Nga – Ấn lần thứ 15.
Sau khi thỏa thuận cung cấp 30 tỷ mét khối khí đốt trong vòng 30 năm giữa Moscow và Trung Quốc được ký kết tại Bắc Kinh, châu Á là một trong những thị trường hấp dẫn nhất đối với hoạt động cung ứng khí đốt và dầu mỏ của Nga.
Tháng 11, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom và CNPC của Nga và Trung Quốc đã ký một hợp đồng 17 điều khoản. CEO của Gazprom là ông Alexei Miller nhận định, khối lượng khí thiên nhiên hóa lỏng mà Nga cung cấp cho Trung Quốc có thể “vượt quá sản lượng xuất khẩu sang châu Âu tính theo triển vọng trung hạn“.
Ấn Độ sẽ bắt đầu nhận các lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng của Nga vào năm 2017 theo hợp đồng ký kết giữa các tập đoàn của 2 nước này là Gazprom và GAIL năm 2012 đã có hiêu lực từ Tháng 6/2014. Theo đó, Nga sẽ cung cấp 2,5 triệu tấn khí đốt hóa lỏng trong thời hạn 20 năm cho Ấn Độ.
Gazprom nhận định, Ấn Độ nói riêng và châu Á nói chung là một trong những thị trường khí tự nhiên hóa lỏng quan trọng, đồng thời nhấn mạnh mong muốn được hợp tác với GAIL để vừa hỗ trợ nhu cầu ngày càng tăng của Ấn Độ vừa đảm bảo một thị trường lâu dài cho việc cung cấp khí đốt của Nga. Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Mỹ và Nga.
Hàn Mai, Hồ Duyên – Theo Sputnik News