Nét đẹp văn hóa nhà Gươl
QĐND Online – Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945/19-8-2015) và Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28-8-1945/28-8-2015), sáng 22-8, Lễ mừng nhà Gươl của đồng bào dân tộc Cơ Tu huyện Tây Giang – tỉnh Quảng Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp dân tộc Cơ Tu giới thiệu với du khách về ngôi nhà Gươl – ngôi nhà chung truyền thống và thiêng liêng của dân tộc mình.
Nhà Gươl được xem như là “Ngôi nhà chung” của người Cơ Tu. Theo tiếng Cơ Tu, Gươl có nghĩa là công cộng – cộng đồng. Nhà Gươl có 3 chức năng: Hành chính, sinh hoạt văn hóa cộng đồng và chức năng bảo tồn văn hóa.
Ở mỗi thôn của người dân tộc Cơ Tu đều phải có một nhà Gươl. Nhà Gươl có vai trò rất quan trọng trong đời sống của đồng bào Cơ Tu. Nếu chưa có nhà Gươl, đồng nghĩa với cả làng chưa có nhà. Tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam , nhà Gươl được làm bằng gỗ dổi, trên các cột chính, cột phụ, cầu thang… được trang trí với nhiều họa tiết cây cỏ, con vật. Trong nhà có một cột chính và nhiều cột phụ. Cột phụ được xem như người phụ nữ. Cột chính tượng trưng cho người đàn ông. Nét kiến trúc này thể hiện người Cơ Tu theo chế độ phụ hệ khác so với người Ê-đê theo chế độ mẫu hệ. Nhà Gươl được xây dựng sau khi các ngôi nhà trong thôn xây xong và là công trình của tập thể. Thời gian xây dựng một ngôi nhà Gươl là khoảng 2-3 tháng. Sau khi dựng xong nhà, dân làng sẽ tiến hành lễ khánh thành về nhà mới, còn được gọi là Lễ mừng nhà Gươl. Nhà Gươl là chốn linh thiêng nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên. Trong nhà Gươl, mọi người không được đánh cãi nhau mà luôn đoàn kết đùm bọc thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh vì sự tồn tại và phát triển giống nòi của cộng đồng người Cơ Tu. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều lễ hội truyền thống như lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơ Tu , lễ ăn mừng được mùa… Tin, ảnh: PHAN HỒNG VÂN |
Theo QĐND