Năm học mới, đừng “tra tấn” học sinh trong lễ khai giảng
Sắp tới năm học mới, các em học sinh lại cảm thấy nô nức và hào hứng vô cùng. Nhưng cứ nghĩ đến cảnh phải ngồi hàng tiếng đồng hồ để nghe các “lãnh đạo” phát biểu thì hầu như em nào cũng ngán ngẩm.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cả nước tổ chức ngày lễ khai giảng năm học mới cùng một ngày và theo đúng các nghi lễ, tổ chức đơn giản, ngắn gọn vì học sinh.
Do đó, Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các trường khai giảng chỉ “gói gọn” trong 1 tiếng đồng hồ và không có bài phát biểu dài dòng.
Trao đổi với phóng viên, TS.Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ, khai giảng phải gọn nhẹ, khoa học. Trên thực tế, trường Đinh Tiên Hoàng đã làm việc này từ rất lâu. Trường khai giảng dựa trên nghiên cứu tâm lý của học sinh. Nếu thầy cô đọc diễn văn tràn giang đại hải sẽ khiến các em chán nản, không nghe. Tuy nhiên, khi có văn nghệ, diễn kịch, trò chơi, các em sẽ hứng thú, hưởng ứng. Vì thế, trường chỉ làm ngắn gọn phần phát biểu (không quá 5 phút).
“Tôi thấy có trường, lãnh đạo địa phương đến dự lễ khai giảng có bài phát biểu khoảng 30 phút. Như vậy, làm sao học sinh hiểu được. Lãnh đạo nói trời, nói đất đều không có ý nghĩa gì với học sinh, không vì học sinh”, TS.Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, các trường bắt học sinh chờ đợi khách, đón khách, hoan hô chỉ là hình thức.
“Hiểu được tâm lý học sinh, trường cũng đề nghị khai giảng ngắn gọn từ rất lâu nhưng chưa có sự đồng tình. Tuy vậy, trường vẫn làm vì học sinh, làm sao để lễ khai giảng ấn tượng nhất với các cháu”, ông Lâm cho hay.
Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng thông tin, lễ khai giảng của trường hằng năm đều có truyền thống dâng hương, đọc lời thề khuyến học. Trường làm điều này để học sinh tự hào với truyền thống dạy tốt, học tốt. Phần cuối của lễ khai giảng là văn nghệ, vui chơi của học sinh.
Trong khi đó, PGS.Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh cũng đồng tình quan điểm “khai giảng vì học sinh”. Khai giảng không phải vì người lớn.
“Ở trường Lương Thế Vinh, ngay cả thư của Chủ tịch nước cũng không đọc trong lễ khai giảng. Giáo viên đọc trong lớp, phân tích cho học sinh hiểu. Khi đó, các em sẽ hào hứng hơn”, ông Cương cho hay.
Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh cũng bày tỏ: “Lâu nay, nhiều thầy cô, các bậc phụ huynh và xã hội bức xúc vì lễ khai giảng mất dần ý nghĩa, không còn là của các em. Thường chỉ một số em được dự, làm bình phong cho bệnh hình thức của người lớn. Các em phải tập dợt, đội nắng, dầm mưa đợi khách và nghe kính thưa dài dòng. Làm như vậy, khác nào tra tấn học sinh, khiến học sinh phải gồng mình nghe mà không hiểu”.
Ông kể, ông đã đi nhiều tỉnh dự lễ khai giảng. Nhiều trường đọc thư của chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện, chủ tịch xã, hiệu trưởng rất dài dòng, mệt mỏi cho học sinh. Nhiều trường quen biết ông này, ông kia, mời lãnh đạo đến dự vì họ nghĩ đó là vinh dự và thương hiệu của trường. Nhiều trường theo lịch 8h khai mạc nhưng 8h30 chưa thấy lãnh đạo, học sinh vẫn phải chờ.
Trước đó, Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội có công văn hướng dẫn các trường tổ chức lễ khai giảng. Theo đó, các trường phải chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.
Thời gian khai giảng: Từ 7 giờ đến 7 giờ 30 tập trung học sinh và đón học sinh đầu cấp. Lễ khai giảng chỉ diễn ra trong vòng 1 tiếng, từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30.
Hướng dẫn của Sở Giáo dục – Đào tạo cho biết không có thời gian dành cho việc phát biểu của lãnh đạo các cấp như các năm trước. Buổi lễ diễn ra từ 7h30 đến 8h30.
“Thời gian này là cơ bản đủ cho các hoạt động phần lễ của trường học và giúp học sinh không phải mệt mỏi ngồi dưới nắng nóng, thời tiết khắc nghiệt”, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay.
Theo Dân Việt