Mỹ-Trung hình thành nên “một quả địa cầu hai chế độ”
Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đang tự thay đổi trật tự thế giới theo cách của riêng mình: Một quả địa cầu, hai chế độ, hay còn được gọi là “nhất cầu lưỡng chế”.
Nếu đã là ghét nhau rồi thì hà tất gì phải quan tâm ai cường quốc, ai bành trường rồi ganh ghét lẫn nhau làm gì nữa, cũng không cần thiết phải tranh luận vô nghĩa, chi bằng ở giữa phân ra một ranh giới, kể từ đây anh làm việc của anh, tôi làm việc của tôi, chẳng phải là tốt nhất rồi sao.
Nguồn gốc của cụm từ “nhất cầu lưỡng chế” là từ trên mạng truyền thông xã hội. Chế độ A của Trump bao gồm các kênh như Google, Facebook, Twitter cùng tất cả thế giới tự do được bên B cho là đã chế tác ra các loại tin tức giả.
Chế độ B của Tập Cận Bình bao gồm Baidu, Douyin, Weibo, WeChat, cùng 1,4 tỷ người đang tiếp tục cố gắng thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”.
Mặc dù chế độ A tuyên bố rằng mọi thứ của chế độ B đều có nguyên bản bắt nguồn từ nền văn minh phương Tây, và chế độ B chẳng qua chỉ là sao chép lại và ăn cắp bản quyền đã được cấp bằng sáng chế mà thôi. Vậy thì bắt đầu từ hôm nay, 2 bên cũng không cần thiết phải tranh luận hơn thua làm gì nữa, mỗi người sẽ trở về biên giới của riêng mình, tự mình làm điều mình thích và không liên quan gì đến nhau nữa, chẳng phải hết thảy đều công bằng rồi sao.
Nhưng vấn đề lớn nhất là ở cả hai phe của chế độ A-B, mỗi bên đều có những kẻ đang lén nhìn nhau và nháy mắt ra hiệu. Ông chủ Microsoft Bill Gates, ông trùm Facebook Zuckerberg, còn có các ngân hàng đầu tư Phố Wall của chế độ A, đang nhìn vào miếng mồi béo bở là 1,4 tỷ người ở bên kia của chế độ B, nhìn một cách thòm thèm.
Còn 1,4 tỷ người thuộc chế độ B thì lại quá sủng ái các thương hiệu và sản phẩm nổi tiếng của chế độ A. Ngoại trừ các bà dì muốn xài túi xách hàng hiệu của Pháp và Ý ra, còn có các thế hệ sau muốn được học ở Oxford hay Cambridge, MIT Stanford. Những thứ khiến họ cảm thấy hạnh phúc, kiêu hãnh, cảm thấy đáng sống thì đều đến từ các thương hiệu nổi tiếng của chế độ A. Từ học vị tiến sĩ cho đến lái xe, từ các sản phẩm được tung ra thị trường New York cho đến chiếc khăn quàng cổ, tất tần tật lớn nhỏ đều là như vậy.
Trump muốn xây một bức tường ngăn cách, và đối thủ của ông cũng muốn tự mình đóng cửa, trên lý thuyết thì điều này tất nhiên là có thể, nhưng lòng người và tiền bạc lại chính là xu hướng chống lại hai thế lực này.
Bill Gates và Zuckerberg tất nhiên cũng chán ghét người dân của đối phương bên kia, nhưng bọn họ lại thích tiền. Còn những “Tiểu phấn hồng” của Trung Quốc, những người yêu nước nồng nhiệt, mỗi lần nhắc tới người Mỹ là họ chỉ hận không thể ăn tươi nuốt sống, nhưng bọn họ rất yêu Harvard và MIT. Họ xem đó như một nền tảng để tiến nhập vào Hoa Kỳ và làm rạng rỡ tổ tông.
“Nhất cầu lưỡng chế” là hoàn toàn cần thiết, nhưng làm sao để ngăn chặn việc đối phương âm thầm cấu kết và từng bước gây ảnh hưởng đến phe mình. Ví dụ, Trung Quốc phát triển chính sách “một vành đai một con đường” nhằm tạo điều kiện cho thế hệ sau của sinh viên Trung Quốc, khi đi du học sẽ không phải chịu cảnh nô lệ cho nước ngoài.
Pakistan là lựa chọn đầu tiên, Sudan là lựa chọn thứ hai, thực ra điều này cũng không tệ. Văn hóa Hồi giáo so với những điều như Nho gia, Khổng-Mạnh của Trung Quốc khá là tương thích với nhau, cũng đều kỳ thị phụ nữ và không nói gì đến logic Plato của phương Tây. Hai bên được kết nối với nhau bởi sáng kiến một vành đai một con đường.
Trong vòng ba thập kỷ, người Trung Quốc sẽ đến Madagascar để chơi đùa trên bãi biển và sưởi ấm dưới ánh mặt trời; hoặc đến Mozambique để xây dựng khu phố Tàu với các hoạt động như hộp đêm và khu chợ, xem ra thị trường châu Phi với dân số 1,2 tỷ dân, cũng không cần đến Ấn Độ nữa.
Ngược lại, chế độ A rắc rối hơn bởi vì nó quá tự do. Những kẻ cánh tả cấp thấp ngu muội lại luôn muốn đối đầu với Trump. Trump thật tình bảo họ ăn khoai tây và bít tết, nhưng họ cứ muốn đấu tranh để ăn rác rưởi. Dưới nguyên tắc của một nước tự do, muốn cải tạo một lượng lớn những kẻ cấp thấp như thế này quả thật khó hơn nhiều so với một tiếng hiệu lệnh của chính quyền Tập Cận Bình của chế độ B.
“Thiên Địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu” (trời đất không có thiên vị, coi vạn vật đều như chó rơm), cũng vì nhân loại đã hóa ‘chó rơm’ nên Thượng Đế mới sắp đặt ra một màn kịch bi hài như thế này.
Tác giả: Đào Kiệt
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của BBT Tinhhoa.net)
Minh Huy (Theo Secretchina)