Muôn kiểu “khen” trong giấy khen khiến phụ huynh bối rối
Những giấy khen theo Thông tư 30 như “học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “Danh hiệu học sinh khen từng mặt”… khiến cha mẹ bối rối mà giáo viên cũng ”đau đầu”.
Mới đây, giấy khen đề “Danh hiệu học sinh khen từng mặt” nhận được phản hồi trái chiều từ phía phụ huynh. Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Phương (Ứng Hòa, Hà Nội) đã nhận lỗi khi giấy khen chưa cụ thể “mặt” nào, ví dụ Toán hay tiếng Việt. Trên các diễn đàn dành cho giáo viên tiểu học, những ngày cuối năm học, giấy khen theo tinh thần Thông tư 30 được nhiều phụ huynh quan tâm.
Giấy khen học sinh “Hoàn thành xuất sắc nội dung học tập các môn học, Ứng xử thân thiện – Biết chia sẻ, giúp đỡ bạn bè” được phụ huynh nhận xét rườm rà, rắc rối. Bạn đọc Tường Vy nêu quan điểm: “Thời đại công nghệ tiên tiến nên ai cũng giỏi, cũng được khen thưởng. Còn đâu cái thời được nhận giấy khen là một niềm hạnh phúc, tự hào rất lớn? Nhớ ngày xưa mà được giấy khen là tối về ôm quà với giấy khen ngủ, đi ra đường gặp bà con làng xóm cũng rất hãnh diện trả lời con được nhận giấy khen, con có quà”.
Một phụ huynh cho biết, con chị là học sinh lớp hai được nhận giấy khen “Có tinh thần tương thân tương ái”. Đọc giấy khen chị không hiểu được kết quả rèn luyện trong cả năm học của con là gì. Nếu theo cách này, học sinh nào cũng có giấy khen.
Tương tự, giấy khen “Hoàn thành tốt nội dung học tập các môn học và phát triển các kỹ năng phẩm chất” cũng khiến bố mẹ không hiểu được con đang ở vị trí nào. Bạn Thùy Dung bày tỏ: “Con mang giấy khen về nhưng nhiều bố mẹ không biết lực học của con thế nào, khi cả lớp đều được khen. Trước kia giấy khen ghi rõ ràng: Xuất sắc, giỏi hay khá. Học sinh trung bình thì không có giấy khen”.
Bạn đọc Lê Huy cho rằng: “Giấy khen ghi Hoàn thành tốt nội dung hoc tập các môn học (tương đương danh hiệu tiên tiến), Hoàn thành xuất sắc nội dung học tập các môn học (coi như học sinh giỏi). Còn khen thưởng một mặt là khen về về văn nghệ, thể thao, đạo đức…
Trong một giấy khen khác, học sinh được ghi rất cụ thể: “Hoàn thành tốt nội dung học tập môn: Toán, tiếng Việt, Thủ công. Tích cực tham gia các phong trào từ thiện”.
“Đạt danh hiệu học sinh tiêu biểu”, “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “Học sinh đạt thành tích xuất sắc toàn diện”… Các giấy khen với tình trạng “trăm hoa đua nở” khiến nhiều phụ huynh đau đầu vì không hiểu rõ năng lực của con.
Theo tinh thần Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT, hiện nay, mỗi trường đều có cách đánh giá, ghi giấy khen riêng. Việc viết giấy khen cho học sinh hết sức linh hoạt do giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn.
Bên cạnh những băn khoăn, có phụ huynh lại rất ủng hộ tinh thần này. Bạn Mỹ Linh chia sẻ: “Thông tư 30 ra đời nhằm giảm áp lực thành tích cho học sinh. Nếu cha mẹ cứ muốn quy đổi giấy khen xem tương ứng với học lực gì thì đã nặng về thành tích”.
Trong khi phụ huynh bình luận sôi nổi về giấy khen của con thì những người trong cuộc là giáo viên cũng không kém phần… mệt mỏi.
Cô giáo Thùy Linh (Hà Nội) bày tỏ: “Thông tư 30 khiến giáo viên rất mệt với các loại sổ sách, khen thưởng. Nếu viết rập khuôn, giống nhau thì không đúng tinh thần đổi mới, vì vậy giáo viên phải đi tìm sự khác biệt của các con. Tuy nhiên, học sinh tiểu học tìm những điều này không phải là dễ”.
Ngày 28/8/2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30 (có hiệu lực từ 15/10/2014) quy định cách đánh giá học sinh tiểu học. Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.
Sau 2 năm triển khai thực hiện quy định này, có rất nhiều phản ứng trái chiều từ phía xã hội, chuyên gia, giáo viên và phụ huynh học sinh…
Theo zing