Một tàu vũ trụ sắp thoát khỏi Hệ mặt trời
Tàu thăm dò vũ trụ Voyager 1 của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) sắp trở thành tàu thăm dò đầu tiên trên thế giới bay ra khỏi Hệ mặt trời.
TIN LIÊN QUAN Hai tàu thăm dò vũ trụ ‘sinh đôi’ Voyager 1 và Voyager 2 của NASA được phóng năm 1977, với sứ mệnh thám hiểm sao Mộc, Thổ, Thiên Vương và Hải Vương. Sau khi kết thúc sứ mệnh chính, hai tàu thăm dò bay về phía rìa Hệ mặt trời theo hai hướng ngược nhau. Theo Fox News, tàu Voyager 2 bay chậm hơn Voyager 1.
Hiện tại, Voyager 2 đã bay cách trung tâm Mặt trời khoảng hơn 14 tỷ km, trong khi Voyager 1 đã bay cách xa trung tâm Mặt trời tới 18 tỷ km. Với tốc độ bay hiện tại, các nhà khoa học tin rằng Voyager 1 sẽ sớm thoát ra khỏi Hệ mặt trời. Tàu thăm dò Voyager 1 có đủ pin để hoạt động đến năm 2020, nhưng các nhà khoa học cho rằng nó sẽ bay vào vùng ranh giới giữa các ngôi sao trước thời gian. Tiến sĩ Ed Stone, người đứng đầu Phòng thí nghiệm phản lực JP của NASA cho biết thời gian có thể là vài tháng hoặc vài năm nữa, vì chưa tàu thăm dò nào trước đây bay xa như vậy. Năm ngoái, Voyager 1 đã sử dụng các công cụ để khám phá vùng lặng gió trong vũ trụ. Gió mặt trời bay với tốc độ hơn 1,6 triệu km/h, nhưng tốc độ đã giảm đáng kể khi tới vùng lặng gió này. Đây cũng là một dấu hiệu để các nhà khoa học nhận biết Voyager 1 sắp bay tới vùng giáp ranh của Hệ mặt trời với một ngôi sao khác trong vũ trụ. Các nhà khoa học hy vọng sẽ thấy một số dấu hiệu khi Voyager 1 đi qua vùng giúp ranh của Hệ mặt trời. Những dấu hiệu này có thể bao gồm sự thay đổi hướng của từ trường và kiểu gió. Tại vùng giáp ranh, gió sẽ chậm hơn, lạnh hơn và đặc hơn gió trong Hệ mặt trời. Hà Hương |
Theo VietnamNet