Một nông dân Tuyên Quang chế tạo thành công máy hút sâu cho cây chè
Nhờ kiên trì, quyết tâm, một nông dân ở Tuyên Quang đã chế tạo thành công nhiều loại máy nông nghiệp hữu ích, đặc biệt là máy hút sâu cho cây chè giúp khôi phục được 14 ha chè của gia đình, được nhiều người địa phương và lân cận đặt mua.
Ông Nguyễn Văn Hoàn (54 tuổi, xã Phú Lâm, Yên Sơn, Tuyên Quang) được bà con trong xã gọi là nhà sáng chế “chân đất” với nhiều sáng kiến, cải tiến máy móc mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, nhất là máy bắt sâu cho chè.
Học hết cấp ba, năm 1984 ông Hoàn lên đường nhập ngũ. Ba năm sau trở về địa phương ông chọn cây chè để phát triển kinh tế gia đình. Năm 1991, ông nhận khoán 14 ha chè cằn cỗi của nông trường tháng 10, nay là Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm để cải tạo.
Cuộc sống gia đình lúc ấy gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn đầu tư, năng suất chè thấp, nhiều người khuyên ông từ bỏ. Nhưng nhờ kiên trì, quyết tâm cải tạo đồi chè ông đã khôi phục được 14 ha, mang lại cho gia đình thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Khi ấy, cứ vào mùa thu hoạch là sâu bọ hoạt động nhiều. Chúng hút nhựa cây ở phần búp non làm ngọn chè xoăn lại, khiến nhiều cây chết. Trong khi nhiều hộ khác trong xã tiêu diệt đám côn trùng bằng thuốc trừ sâu, hoặc tro bếp trộn với vôi bột rắc lên cây thì ông Hoàn trăn trở “làm sao để vừa có chè sạch vừa bảo vệ môi trường”. Dùng tay bắt thì không khả thi vì sâu chè nhỏ như mạt, gà tìm đã khó chứ đừng nói là bắt.
Từ đó, ông Hoàn nung nấu ý tưởng tạo ra chiếc máy bắt sâu. Để thực hiện, ông bắt đầu tìm hiểu đặc tính con sâu và phát hiện khi hút nhựa, sâu chỉ cắm vòi vào búp non, còn chân thả lỏng nên dễ dàng tách chúng khỏi ngọn chè. Tiếp đó ông mày mò đọc sách và tìm kiếm thông tin trên Internet các thiết bị tạo gió để hút sâu. Thất bại hết lần này đến lần khác, mãi đến năm 2008 ông mới thành công.
Giới thiệu về chiếc máy hút sâu chè của mình, ông Hoàn cho biết chiếc máy gồm 5 bộ phận là ống hút, bầu lưới, trục máy, giá đỡ, cánh quạt. Cách sử dụng máy hút sâu cũng rất đơn giản, dễ điều khiển. Sau khi khởi động, máy chạy sẽ làm cánh quạt quay tạo ra luồng gió lớn, lia máy trên tán cây chè, cánh quạt sẽ hút sâu vào bầu lưới.
Máy này có thể hút được hầu hết các loại sâu nguy hại cho cây chè như: Bọ cánh tơ, dày xanh, bọ xít muỗi… Một chiếc máy hút sâu chè mỗi ngày có thể hút được sâu trên diện tích một nửa ha chè, tiêu hao khoảng 2,5 lít xăng.
Từ thành công này, dựa trên nguyên lý bầu hút gió, ông tạo ra thiết bị hút sâu cho rau và nhận được đơn đặt hàng từ các nơi như Quảng Ninh, Hà Giang.
Không dừng lại ở đó, năm 2011 ông còn tạo thiết bị máy đốn chè. Thông thường, cây chè sau một năm thu hoạch phải cắt đi từ 10-15 cm để chè ra búp mới. Hàng năm vào vụ đốn chè, dùng dao phát để đốn mỗi công chỉ được 150-200 m2. Vì vậy, ông Hoàn tìm mua máy cắt cỏ của Nhật trên thị trường về làm máy đốn chè. Ban đầu, thiết bị tạo ra không những không đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật đốn, trái lại lưỡi dao máy cắt cỏ còn băm dập nát thân và cành chè.
Ông mày mò rồi cải tiến lưỡi dao ngắn, to bản của máy cắt thành lưỡi cắt hình chữ S và bản nhỏ. Chiếc máy mang lại năng suất cao hơn nhiều so với đốn bằng tay. Sáng chế của ông Hoàn được nhiều người địa phương và lân cận đặt mua.
Với những sáng chế máy móc đơn giản, dễ sử dụng và mang lại nhiều lợi ích trong nông nghiệp, ông Hoàn đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh Tuyên Quang cũng như của Trung ương.
Máy hút sâu chè của ông được Hội Nông dân Việt Nam trao giải Nhì trong Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ III năm 2008-2009.
TinhHoa tổng hợp