Mona Lisa Trung Quốc: Kiệt tác và tư liệu lịch sử vô giá
Với lịch sử dài đến 5.000 năm, Trung Quốc có rất nhiều thứ đáng để dân tộc này tự hào trước thế giới. Đặc biệt trong lĩnh vực hội họa, nước này có một bức tranh vô giá được ví như “Mona Lisa của Trung Quốc”, đó chính là kiệt tác “Thanh minh thượng hà đồ”.
Thanh minh thượng hà đồ nghĩa là “tranh vẽ cảnh bên sông vào tiết Thanh minh” hay có ý cho là “tranh vẽ cảnh bên sông vào tiết trời trong sáng”. Tuy nhiên, giáo sư Valerie Hansen thuộc Đại học Yale (Mỹ) nói rằng, một cách dịch khác của từ “thanh minh” là “hòa bình và trật tự”. Vì vậy, tiêu đề của bức tranh cũng đồng nghĩa với “hoà bình ngự trị trên khắp dòng sông”.
Bức họa nổi tiếng này miêu tả kinh đô thời Bắc Tống là Biện Kinh (nay là huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam), chủ yếu thể hiện cảnh tượng phồn vinh cùng quan cảnh náo nhiệt ở hai bên bờ sông Biện vào tiết Thanh minh tảo mộ. Hội Thanh minh trên sông khi ấy là phong tục dân gian mà trong đó mọi người tập trung tham gia các hoạt động mua bán. Toàn cảnh chia làm 3 khu vực chính là cảnh xuân ngoại ô Biện Kinh, quang cảnh sông Biện và vùng nội thành.
Bức họa rộng khoảng 24,8cm, dài 528,7cm, được vẽ trên lụa và đóng khung sắt, là một trong những bức họa đặc sắc hiếm có còn được lưu giữ của họa gia Trương Trạch Đoan thời Bắc Tống, cũng được liệt vào danh sách những bức tranh nổi tiếng nhất Trung Quốc, là bảo vật cấp quốc gia. Chính vì vậy đôi khi tuyệt tác này được gọi là “Mona Lisa của Trung Quốc”.
Với chiều dài hơn 5m, bức họa thể hiện phong phú hình ảnh người, trâu bò, ngựa, lừa, kiệu, thuyền, phòng ốc, thành lâu,… Vậy bức họa rốt cục đã thể hiện được hình ảnh của bao nhiêu nhân vật?
Theo thống kê trong “Chuyết đường văn thoại, quyển 8”, Thanh minh thượng hà đồ có tổng 1643 nhân vật, 208 con vật đứng riêng lẻ; đều nhiều hơn so với những tác phẩm văn chương kinh điển như Tam quốc diễn nghĩa với 1191 nhân vật, Hồng lâu mộng có 975 nhân vật, Thủy Hử 787 nhân vật.
Người xem “Thanh minh thượng hà đồ” sẽ phải xem từ phải qua trái, với 3 phần chính. Đầu tiên là vùng nông thôn ở ngoại ô Biện Kinh ở bên phải, tiếp đến chủ yếu mô tả quang cảnh kinh doanh và các hoạt động khác, cuối cùng là khung cảnh dòng sông, đường giao thông, cây cầu bắc qua dòng sông Biện. Mỗi nhân vật trong tranh đều có kích thước chỉ như hạt đậu, nhưng xem xét kỹ lưỡng thì hình thần đều trọn vẹn, chi tiết đến cả đường nét trang phục.
Phần nổi bật nhất của bức tranh là Hồng Kiều, cây cầu lớn ở gần trung tâm với rất nhiều người đang di chuyển phía trên. Một số người đứng ở trên cầu đang ra hiệu vì lo ngại rằng con thuyền với cột buồm lớn có thể va chạm với cây cầu.
Nội dung tranh vẽ cũng vô cùng phong phú, miêu tả nhiều thể loại người và vật. Thủ pháp được sử dụng trong Thanh minh thượng hà đồ là “tán điểm thấu thị pháp”, tức là điểm quan sát không ngừng dịch chuyển để thu lấy cảnh tượng cần mô tả. Thế nên người xem tranh có thể quan sát cảnh ở bao quát nhưng cũng có thể đi sâu vào tình tiết nhân vật và câu chuyện.
Cảnh bao quát có thể mênh mông, rộng lớn như vùng quê, dòng sông, thành quách, trong khi cảnh chi tiết có thể rõ cả chiếc chốt đóng tàu thuyền và xe cộ, món hàng của người bán rong, chữ viết trên tấm biển. Tất cả hài hòa trong chỉnh thể, người đủ mọi tầng lớp từ nông dân thương nhân, đến sĩ tử, tăng y, quan lại, trẻ con, phụ nữ; thú vật nhiều loài cũng không thiếu như lừa, trâu bò, lạc đà,… hoạt động cũng phong phú đa dạng như đi chợ, mua bán, dạo phố phường, uống rượu, tụ tập nói chuyện, đẩy thuyền, kéo xe, khuân kiệu, cưỡi ngựa,…
Bức họa cũng bao gồm ngõ nhỏ phố lớn, hàng quán mọc san sát, nhà trọ, quán trà, khu ăn uống trăm thứ hỗn tạp, còn có cả thành lâu, cảng sông, cầu, thuyền, dinh phủ dày đặc. Nội dung bức họa muôn hình muôn vẻ, quả thực là tranh cổ hiếm thấy. Mỗi nhân vật trong tranh tham gia vào đủ loại hoạt động, trang phục khác nhau mà khí sắc thần thái cũng khác nhau, tựa như một màn hí kịch đầy đủ tình tiết xung đột khiến người xem tranh xong không thể không động lại chút dư vị nào.
Thanh minh thượng hà đồ không chỉ là một tác phẩm hội họa quý hiếm sử dụng nghệ thuật tả thực, mà còn là một tư liệu lịch sử có giá trị cung cấp góc nhìn hình tượng trực tiếp về hoạt động buôn bán, thủ công nghiệp, phong tục tập quán, kiến trúc, giao thông. Ngoài ra, thủ pháp tả thực, thẩm mỹ thị giác cùng nội hàm tư tưởng phong phú trong bức họa cũng đã đủ khiến giới hội họa Trung Quốc thậm chí là thế giới ngưỡng mộ học tập.
Hiện tại, người dân Trung Quốc cũng như thế giới rất hiếm khi được xem bản gốc của bức tranh bởi sự vô giá, sức hút và cả sự bí ẩn quyến rũ của nó mang lại. Lần gần nhất mà người ta có thể được chiêm ngưỡng phiên bản lâu đời nhất là vào năm 2020 khi Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh mở cửa cho khách tham quan.
Hàn Mai