Mối tình của người con gái Việt và hoàng đế Trung Phi
Vào khoảng cuối năm 1972, không chỉ ở miền Nam Việt Nam, mà hầu như cả thế giới đều biết về câu chuyện của vị tổng thống nước Cộng hòa Trung Phi, Jean-Bedel Bokassa đi tìm đứa con gái rơi của mình khi ông tham chiến ở Việt Nam. Nhưng để bắt đầu kể về sự lưu lạc của 2 cô con gái này, thì khẳng định rằng không thể bỏ qua mối tình của Bokassa với cô gái người Việt.
Mối tình chàng lính da đen và cô thiếu nữ Việt xinh đẹp
Trước khi trở thành tổng thống Trung Phi, Bokassa từng đi lính cho Pháp từ năm 18 tuổi. Đến năm 32 tuổi, ông được cử đến Việt Nam, cấp bậc trung sĩ nhất, đóng quân tại Chánh Hưng, Sài Gòn.
Có thời gian Bokassa được tăng cường về Biên Hòa làm nhiệm vụ gác cầu ở Cù Lao Phố, còn gọi là cầu Gành.
Thời đó, tại những làng mạc xa xôi hẻo lánh, người dân rất sợ những người lính “Tây đen” như ông. Nhưng thực tế thì những người Tây đen này cũng chẳng dở thói côn đồ gì. Đặc biệt trong số đó Bokassa lại là người có vẻ hiền lành nhất.
Hồi đó, gần cầu Gành có một cái máy nước công cộng để dân chúng trong vùng đến lấy về dùng. Phụ nữ thường ra đó gánh nước mướn để kiếm tiền. Trong đó có cô gái nghèo tên là Nguyễn Thị Huệ, cũng đi gánh nước mướn.
Mặc dù lao động cực nhọc nhưng Huệ vẫn đẹp, da trắng mướt, bà cũng sợ đám lính Tây đen, nhưng vì mưu sinh nên vẫn đánh liều.
Bokassa lần đầu nhìn thấy bà đã thích ngay, nhưng bà thì rất sợ nên tìm cách né tránh.
Nhưng những ngày về sau, thấy Bokassa cũng không làm gì mình, vả lại còn phụ bà gánh nước, thi thoảng tập tành nói tiếng Việt để giao tiếp với bà trông rất ngô nghê, tức cười.
Thời đó lương của lính Pháp rất khá, Bokassa lại quá khéo trong cách giao tiếp với phụ nữ. Ông thi thoảng mua cho bà xấp vải, lúc thì chiếc khăn, nước hoa, có lúc còn cho cả tiền. Thế rồi bà Huệ cũng dần có thiện cảm hơn, rồi yêu ông lúc nào chẳng hay.
Những ngày cuối tuần Bokassa hay rủ bà về Sài Gòn chơi. Kết quả của mối tình Phi-Việt này là bà Huệ đã mang thai đứa con của ông.
Cha mẹ bà Huệ khi hay con gái chữa hoang, hơn nữa lại là của một gã Tây đen thì vô cùng tức giận, buồn bã. Bà Huệ xấu hổ bỏ nhà đi cùng với Bokassa đến Tân Thuận Đông, quận Nhà Bè, để chung sống như vợ chồng.
Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, sau khi trận Điện Biên Phủ kết thúc, Bokassa được lệnh quay về nước.
Trước khi chia tay, Bokassa và bà Huệ khóc cạn nước mắt. Ông vét hết tiền bạc giao cho bà Huệ và dặn rằng: “Nếu sinh con trai thì đặt tên là Martin, nếu là con gái thì Martine”.
Đến cuối năm 1954, bà Huệ sinh con gái, rồi đặt tên con là Nguyễn Thị Martine như lời Bokassa căn dặn.
Năm 1960, nước Cộng hòa Trung Phi giành độc lập. David Dacko, người họ hàng xa của Bokassa lên làm tổng thống và chỉ định Bokassa đứng đầu quân đội. Tuy nhiên, Bokassa ngày càng tham vọng về quyền lực, ông bày mưu đảo chính, lật đổ Dacko, trở thành tổng thống thứ hai của Cộng hòa Trung Phi.
Không chỉ đam mê với quyền lực, Bokassa còn có niềm đam mê với phụ nữ. Ông có đến gần 20 bà vợ và 100 người con nhưng chỉ công nhận khoảng 50 hậu duệ.
Sau khi đã đạt đến ngưỡng cao nhất của danh vọng, và quyền lực, ông mới nhớ đến mình còn một đứa con gái thất lạc ở Việt Nam. Năm 1970, ông liên hệ với chính quyền Sài Gòn và lãnh sự quán Pháp, nhờ tìm đứa con mất tích.
Truy tìm công chúa thất lạc
Chỉ sau một thời gian rất ngắn, nhà chức trách đã tìm được một cô gái lai Tây đen 17 tuổi, đang đeo cái thùng bán thuốc lá lẻ trên đường phố Sài Gòn.
Nghe tin đã tìm được con gái, Bokassa sung sướng, vội vã mua vé máy bay cho con gái bay sang đoàn tụ. Sáng 26/11/1972, Martine tới Bangui, Bokassa.
Bước xuống máy bay là cả đoàn quan chức cấp cao chờ sẵn. Trong tiếng kèn chào mừng và dàn nhạc hoành tráng, Martine bị choáng ngợp trước sự hào nhoáng và quyền quý này. Bokassa khi đó chạy đến ôm chặt lấy con gái trong hạnh phúc.
Cuộc hội ngộ khi ấy của một ông vua và cô con gái rơi như một câu chuyện cổ tích được cả thế giới biết đến.
Nhưng cuộc đoàn tụ không được bao lâu, một người đàn ông đến từ tòa soạn báo Trắng Đen cho biết, cô gái mà Tổng thống Bokassa vừa nhận là… Martine giả, còn con gái thật của ông chính là cháu gái ruột của người đàn ông này.
Sau đó, người đàn ông đưa ra mọi bằng chứng như hình ảnh, giấy khai sinh Nguyễn Thị Martine. Tất cả đều rõ mười mươi. Đặc biệt là cuộc gọi của bà Huệ, sau gần 20 năm không liên lạc. Biết mình bị gạt, Bokassa rất tức giận, ông đã cho tống giam Martine giả, và đi tìm đứa con gái thật về.
Công chúa thật: Đứa trẻ nghèo đói không cha
Quay trở lại với cuộc sống của bà Huệ tại Việt Nam, từ ngày Bokassa đi thì bặt vô âm tính. Không có chồng, bà một mình nuôi con… vô cùng vất vả. Đứa con gái nhỏ lớn lên không có nét nào giống người Việt Nam, cô bé có làn da đen, tóc xoăn, môi dày, mắt trắng.
Martine lớn lên chỉ biết cha mình là một người lính gốc Phi, ngoài ra cô không còn biết gì thêm. Cuộc sống cứ trôi qua trong cảnh nghèo khó và túng thiếu, năm 18 tuổi, Martine phải xin làm công việc bốc vác trong nhà máy xi măng để kiếm thu nhập.
Bỗng một ngày nọ, ai đó đến nói với cô rằng: “Đi về mày! Có mấy ông nhà báo muốn gặp mày. Ba mày bây giờ là… tổng thống!” Martine sững người chẳng hiểu gì, chạy về nhà, nhưng lòng đầy hoài nghi.
Cho đến khi Bokassa đưa Martine và bà Huệ đến Châu Phi cô mới tin mình là công chúa thật. Tuy nhiên lúc này, bà Huệ đã có chồng khác. Bà chấp nhận cho con gái về với cha, còn bà quay lại Việt Nam để sống với chồng hiện tại.
Sau khi về nước, bà Huệ được Bokassa trợ cấp mỗi tháng 200,000$, tương đương với khoảng 5 lượng vàng thời bấy giờ.
Phần công chúa giả, tên thật là Baxi, ông không trục xuất nữa mà nhận làm con nuôi. Hai cô công chúa, được gọi là Martine lớn (con thật) và Martine nhỏ (con giả) để phân biệt.
Ông đối xử với cả 2 đều như nhau, nhưng so với Martine nhỏ, Martine lớn có khiếu kinh doanh và tự lập, năm 1972 cô đã mở cửa hàng đồ ăn Việt ở Trung Phi và kinh doanh rất phát đạt.
Đến năm 1973, Bokassa cho cả hai con kết hôn. Martine nhỏ lấy Fidel Obrou, một đội trưởng sau này đứng đầu lực lượng bảo vệ Bokassa, còn Martine lớn cưới bác sĩ Jean-Bruno Dévéavode.
Mặc dù đối với con cái, Bokassa rất cưng chiều, nhưng ông lại là một nhà lãnh đạo lập dị, độc tài và xa hoa; chỉ riêng lễ đăng quang của ông đã tiêu tốn đến 22 triệu USD. Trong khi đó dân chúng đói khổ lầm than nên hầu như đều rất căm hận Bokassa.
Từ đó dẫn đến nhiều xung đột khiến chồng của Martine nhỏ qua đời, và đứa con mới sinh bị sát hại. Một năm sau khi chồng chết, Bokassa cho phép Martine nhỏ về Việt Nam với một khoản tiền nhỏ. Tuy nhiên trên đường ra phi trường, cô đã bị hai tên cận vệ thủ tiêu để cướp tài sản.
Cuộc lật đổ năm 1979
Đến 21/9/1979, David Dakco tổ chức cuộc lật đổ “Hoàng Đế Bokassa Đệ nhất”, và cuộc đảo chính sau đó thành công. Bokassa bị lưu vong đến Côte d’Ivoire. Chồng của Martine tức bác sĩ quân y Jean-Bruno Dévéavode cũng bị xử tử về tội theo đuôi Bokassa. Những đứa con của Bokassa cũng phân tán ra khắp nơi trên thế giới.
Riêng Martine lớn và 3 đứa con trốn thoát sang Pháp, sống trong lâu đài Hardricourt. Tại đây, do giỏi việc kinh doanh nên cô đã mở hai nhà hàng lớn rất thành công ở Pháp. Sau đó cô đưa bà Huệ sang sống cùng với con cháu.
Phần Bokassa, sau thời gian sống lưu vong ở Bờ Biển Ngà và sang Pháp thì ông kết thúc một cuộc đời đầy tham vọng của mình vào ngày 3/11/1996 trong sự nghèo khó, túng quẫn.
Chúc Di (t/h)