Mọi sự ở đời đến và đi như lẽ tự nhiên, hiểu thấu rồi mới không tiếc nuối
Mọi sự trên đời đến rồi đi như lẽ tự nhiên, được và mất cuối cùng cũng tựa như mây khói. Chỉ khi con người hiểu và chấp nhận lẽ đó thì mới tránh được hụt hẫng hay rơi vào hố sâu buồn tủi.
Tại sao con người ta phải chết?
Thiền sư Ikkyu bộc lộ tư chất thông minh hơn người từ khi còn là một cậu bé. Chuyện kể rằng người thầy của ông có một tách trà cổ cực quý hiếm. Một ngày nọ, Ikkyu không may đã làm vỡ chiếc tách này.
Cậu cảm thấy vô cùng bối rối, chưa nghĩ ra được cách nào để tránh bị phạt, thì bỗng nghe tiếng bước chân của người thầy tới gần.
Ikkyu cầm những mảnh cốc vỡ giấu sau lưng mình. Chờ đến khi thầy bước tới, Ikkyu ngay lập tức hỏi thầy: “Thưa thầy, tại sao người ta phải chết ạ?”.
“Điều này là lẽ tự nhiên”, người thầy giải thích – “tất cả mọi thứ phải chết chỉ vì đã sống quá lâu”.
Ikkyu, lúc này mới đưa chiếc tách vỡ ra, và nói với thầy: “Vậy là, đã đến lúc chiếc tách cổ của thầy phải chết”.
Câu chuyện từ thuở bé của vị thiền sư để lại nhiều chiêm nghiệm cho người đọc. Mọi sự đến rồi đi, không thể cưỡng cầu hay chiếm đoạt.
Có thứ đồ vô cùng quý giá đến ngày cũng phải mất đi, có người ta yêu thương hết mực đến khi cũng không còn ở bên ta được nữa. Mọi sự đến rồi đi như lẽ tự nhiên, con người hiểu và chấp nhận lẽ đó thì sẽ tránh được hụt hẫng hay rơi vào hố sâu buồn tủi, tiếc nuối trong đời.
Một chuyến phiêu lưu
Ngày kia, khi đang thực hiện chuyến du ngoạn đến một khu rừng rậm, người đàn ông nọ không may gặp phải một con hổ vô cùng hung dữ. Anh ta chạy bán sống bán chết để thoát thân, nhưng cuối cùng lại tiến sát mép vách đá cao.
Tuyệt vọng, anh đánh liều nhảy xuống, bám được vào một cành nho và treo mình lơ lửng trên vách đá. Khi đó, bỗng có hai chú chuột chui ra từ một lỗ nhỏ trong vách đá và bắt đầu gặm nhấm cây nho.
Cũng chính lúc này, người đàn ông mới để ý trên cây nho có một cây dâu tây dại sum suê quả. Anh ta hái một chùm dâu và ngay lập tức cho vào miệng. Chưa bao giờ trong đời anh được ăn những trái dâu ngon như vậy trước đây!
Người ta thường nói: chỉ đến khi nhìn thấy sự hữu hạn của cuộc đời mình, con người mới thực sự sống và tận hưởng từng phút giây được sống.
Như người đàn ông trong câu chuyện, nếu không gặp con hổ hung dữ, nếu không bị treo ngược trên cành cây nhỏ bé giữa vách núi cheo leo, có thể chẳng bao giờ anh cảm nhận được vị của một chùm dâu tây dại lại ngon đến vậy.
Sống và cảm nhận hạnh phúc trong mỗi phút giây đang sống, tìm thấy niềm vui từ những điều nhỏ nhất, thậm chí ngay cả trong nỗi khó khăn, thực hành được điều ấy, chẳng phải ta đang làm đúng điều Phật dạy đó sao?
Bờ sông bên kia
Ngày nọ, có một Phật tử trẻ tuổi trên hành trình của mình phải vượt qua một khúc sông rộng, nước quanh năm chảy xiết. Ái ngại nhìn chướng ngại vật phía trước, anh suy nghĩ về việc làm thế nào sang được tới bờ bên kia.
Nhiều giờ liền trôi qua, ngay khi anh ta sắp từ bỏ thì bỗng nhìn thấy một vị thiền sư ở bờ bên kia của con sông.
Người Phật tử trẻ tuổi hét lớn hỏi: “Thiền sư, ngài có thể cho tôi biết làm thế nào để đi tới được bờ bên kia của con sông này?”.
Vị thiền sư ngẫm trong giây lát trong khi nhìn dòng sông chảy xiết và đáp: “Con trai, con đang ở sẵn bờ bên kia rồi đó“.
Câu chuyện về bờ sông rộng cũng giống như những khó khăn mà ta gặp phải trong cuộc sống này. Đôi khi, trong khó khăn, thậm chí ngay cả trong đời sống thường nhật, con người thường hay so sánh cuộc đời mình với người khác, mong ước được như người khác và tự than vãn thương xót bản thân mình.
Nhưng nếu đứng ở góc cạnh khác, như đứng ở bờ bên kia của con sông nhìn lại, thì tất cả khó khăn thực sự chỉ giống như cuộc sống luôn luôn phải chảy trôi, vượt qua thử thách này, sẽ có những ngọt ngào và cả thử thách khác đang chờ ta đối mặt.
Vậy nên, cuộc đời mà bạn đang có và đôi khi thấy chán nản thực lại là ước mong của bao người khác. Hiểu được điều đó để tận hưởng trọn vẹn mỗi phút giây mà cuộc đời đang ban tặng.
Sưu tầm