Mâu thuẫn nội bộ khiến Hội nghị Trung ương lần 4 ĐCSTQ chậm trễ
Sau việc Hội nghị toàn thể lần 4 Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19 không thể tổ chức vào tháng 10/2018 như dự đoán, có nguồn tin cho rằng, do nội bộ ĐCSTQ đang mâu thuẫn gay gắt trong vấn đề “cải cách và mở cửa”, vì thế Hội nghị này có thể không diễn ra.
Hội nghị toàn thể lần 4 khóa 19 năm 2018 có thể không diễn ra
>>> Quan to ĐCSTQ tiết lộ: Không khí chính trị một mất một còn
Ngày 2/11, RFA trích dẫn phân tích rằng, cuộc bầu cử Mỹ giữa kỳ đã đến gần, Chính phủ Bắc Kinh đang chờ đợi kết quả bầu cử và lên phương án ứng phó. Để xây dựng phương án này, Bắc Kinh phải mất ít nhất vài tháng. Vì thế, khả năng tổ chức Hội nghị toàn thể lần 4 Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19 (gọi tắt là Hội nghị Trung ương 4) trong năm 2018 đang ngày càng nhỏ hơn.
Theo nguồn tin từ nội bộ ĐCSTQ, việc ĐCSTQ tổ chức Hội nghị toàn thể lần 2 và 3 (khóa 19) liên tục vào giữa tháng 1 và cuối tháng 2/2018 là khá hiếm thấy, vì thông thường Hội nghị toàn thể lần 3 tổ chức vào tháng 10 thì lại diễn ra quá sớm vào tháng 2/2018, như vậy những thảo luận trong năm 2018 của ban lãnh đạo cấp cao hầu như đã hoàn thành. Hội nghị toàn thể lần 4 khóa 19 có được mở trong năm 2018 hay không vẫn còn là một vấn đề.
Học giả tại Mỹ Dương Chiêm Thanh (Yang Zhanqing) cho biết, Hội nghị toàn thể của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, dù gọi là hội nghị nhưng thực tế không có chỗ cho thảo luận tại hiện trường, cũng giống như Hội nghị toàn thể lần 3 về việc sửa đổi hiến pháp năm 2018, những người tham gia chỉ biết giơ tay thông qua, chỉ mang tính hình thức mà thôi. Ông nói: “Quy trình những hội nghị kiểu này là để thông qua và thông báo trước công chúng những vấn đề đã được giới chức cấp cao bàn bạc bí mật trong nội bộ và quyết định rồi, chuyện Hội nghị toàn thể lần 4 này chưa diễn ra có nghĩa là hiện nay chưa thống nhất được những vấn đề tại hội nghị, sau khi thống nhất xong mới được tổ chức”.
Điều đáng chú ý là giới chức ĐCSTQ dường như đã gián tiếp khẳng định Hội nghị Trung ương 4 khóa 19 vẫn chưa được đưa vào chương trình nghị sự.
Ngày 31/10, giới truyền thông ĐCSTQ đưa tin, ông Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị để nghiên cứu tình hình kinh tế hiện nay, đã ký “Các công việc triển khai cuối năm”. Cuộc họp đã không đề cập đến nhiệm vụ Hội nghị Trung ương 4 khóa 19.
Trước đó, vào ngày 16/10, Minh Báo Hong Kong đưa tin, Hội nghị Trung ương 4 khóa 19 sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 10/2018. Tuy nhiên, cho đến nay thì thông tin này đã không đúng.
Sau đó, Reuters cho biết, Hội nghị Trung ương 4 sẽ được tổ chức vào nửa đầu tháng 11/2018.
Ngày 30/10, Minh Báo đưa tin, trong một cuộc họp báo Bộ Thương mại ĐCSTQ cho biết, ngày 5/11, ông Tập Cận Bình sẽ tham dự Lễ khai mạc Hội triển lãm Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc và có bài phát biểu khai mạc. Từ ngày 5 – 10/11, nhà lãnh đạo của các nước tham gia cũng sẽ nhân tiện thăm quan Trung Quốc, chương trình từ ngày 31/10 – 8/11. Do đó, Hội nghị toàn thể lần 4 sớm nhất cũng phải vào ngày 10/11.
Nhưng đến nay, chỉ còn cách ngày 10/11 chưa đầy một tuần mà Hội nghị toàn thể lần 4 vẫn chưa biết có được tổ chức hay không?.
Chiến tranh thương mại khiến “nội chiến” của ĐCSTQ nguy kịch hơn
Mặc dù Hội nghị Trung ương 4 chưa được xác nhận triển khai, nhưng chủ đề của hội nghị này đã được nhiều hãng truyền thông lớn đưa ra thảo luận.
Theo một số tổ chức truyền thông bên ngoài Trung Quốc phân tích, do phải chờ kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, sau đó Bắc Kinh sẽ dựa vào tình hình mới nhất của cuộc chiến thương mại để xác định chương trình cải cách.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ sẽ được tổ chức vào ngày 6/11/2018, cuộc bầu cử diễn ra trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump, được xem là chỉ dấu cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020.
Qua những nguồn tin công khai trong suốt hai tháng qua cho thấy, cuộc chiến thương mại đã khiến đấu đá nội bộ ĐCSTQ trầm trọng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chính trị Trung Quốc. Một số học giả cho rằng, trước những khó khăn về chính trị và kinh tế hiện nay, Chính phủ Trung Quốc nhất thời khó đưa ra phương án ứng phó hiệu quả, do đó đang hy vọng vào sự thất bại của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Chỉ trong tháng 10/2018, khi chiến tranh thương mại Trung – Mỹ đang tiếp tục, có một số động thái cho thấy ĐCSTQ đang chia rẽ sâu sắc.
Từ ngày 22 – 25/10, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã hoàn thành chuyến thị sát tại Quảng Đông.
Trong đó, ngày 23/10, ông Tập Cận Bình đã tham dự lễ khai trương cây cầu lớn Hong Kong-Chu Hải-Macao, nhưng buổi lễ đã được chuyển từ khu đầu cầu ở bên ngoài trời vào trong phòng tại tòa nhà biên phòng Chu Hải. Ông Tập Cận Bình chỉ phát biểu đơn giản một câu: “Tôi tuyên bố chính thức khai thông cầu Hong Kong-Chu Hải-Macao” và vội vã kết thúc buổi lễ, nét mặt xem chừng không vui.
Ba ngày trước lễ khai trương cầu Hong Kong-Chu Hải-Ma Cao, ông Trịnh Hiểu Tùng (Zheng Xiaosong), người mới nhậm chức Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung ương tại Ma Cao đã bất ngờ rơi từ trên tòa lầu xuống đất thiêt mạng. Mặc dù giới chức tuyên bố quan chức này bị trầm cảm, nhưng vụ tai nạn lại gây những suy đoán về tình hình nội bộ.
Ngày 31/10, giới truyền thông tiếng Trung hải ngoại tiết lộ, trong chuyến công du phía Nam tại Quảng Đông, ông Tập Cận Bình đã hủy ba hoạt động quan trọng, trong đó gồm đi thăm Macao, leo núi Liên Hoa cùng người dân Thâm Quyến, dạo đêm Châu Giang tại Quảng Châu, lý do hủy vì lo ngại bị “bắt cóc” hoặc “ám sát”, vì vậy vội vàng kết thúc chuyến công du phía Nam. Thông tin này chưa được chính thức xác nhận.
Dư luận cũng chú ý đến hiện tượng, trong chuyến công du tại Quảng Đông, ông Tập Cận Bình không nhắc đến cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, được xem là dấu hiệu cho thấy đang có chia rẽ lớn trong ĐCSTQ.
Vào nửa cuối tháng 10/2018, trong dịp ông Tập Cận Bình công tác Quảng Đông, cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ bài phát biểu vào ngày ngày 16/9 của ông Đặng Phác Phương (con trai cả của Đặng Tiểu Bình), hiện là Chủ tịch danh dự của Hội Liên hiệp người khuyết tật Trung Quốc, trong đó ngoài ca ngợi lý luận cải cách và mở cửa của Đặng Tiểu Bình, còn nhắc nhở những người nắm quyền hiện nay phải “thực sự cầu thị”, “hãy giữ cái đầu sáng suốt và biết hạn chế của mình”.
Ngày 30/10, tờ SCMP Hong Kong đã công bố toàn bài diễn văn này của Đặng Phác Phương.
Tờ SCMP diễn giải rằng, đây là phản ứng bất bình của ông Đặng Phác Phương trước chính sách hiện tại của Bắc Kinh.
Trong cùng ngày, tờ Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ đã công bố bài viết giải thích về một đoạn phát biểu của ông Tập Cận Bình trong chuyến thị sát phía Nam hồi tháng 10/2018, khẳng định rõ lại quan điểm của ông Tập phải “cải cách” đối với chính sách “cải cách mở cửa”. Bài viết giải thích, “cải cách và mở cửa” là phải không ngừng thanh lọc những “tệ hại” của hệ thống cũ, phải theo yêu cầu của “thời đại mới”, không thể “cứng nhắc trì trệ”.
Nhiều quan sát chỉ ra, việc ông Tập Cận Bình và ông Đặng Phác Sơ “công khai tranh luận”, không chỉ cho thấy những mâu thuẫn gay gắt trong ĐCSTQ xuất phát từ cuộc cuộc chiến thương mại, cũng cho thấy bức tranh đấu đá nội bộ trầm trọng của ĐCSTQ. Trong lịch sử của ĐCSTQ, “tranh chấp đường lối” thường đi kèm với đấu đá quyền lực một mất một còn.
Ngụy Kinh Sinh, nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng chia sẻ với RFA rằng, từ bầu không khí này cho thấy, cuộc luận chiến trong nội bộ ĐCSTQ đang rất quyết liệt.
Cựu giảng viên khoa chính trị Đại học Thanh Hoa là Ngô Cường (Wu Qiang) trả lời RFA rằng, trong chương trình Cải cách mở cửa sâu hơn, hiện nay có rất nhiều tranh cãi trong nội bộ ĐCSTQ, có quan điểm cho rằng, thực tế kế hoạch này đã làm hỏng chương trình cải cách mở cửa trước đó, cũng có quan điểm cho rằng vẫn tiếp tục nhấn mạnh giao lưu quốc tế.
Ngày 29/10, hãng tin BBC chỉ ra, gần đây Tiến sĩ William Overholt (nghiên cứu viên cấp cao tại Đại học Harvard,) khi đi tham dự hội thảo tại Đại học Trung văn Hong Kong, đã tiết lộ với phóng viên BBC rằng, một quan chức cấp cao ĐCSTQ đến thăm Đại học Harvard cho ông biết, nội bộ giới chính trị Bắc Kinh hiện đã bị kéo vào cuộc đấu tranh quyền lợi một mất một còn.
Về vấn đề này, nhà bình luận Đường Hạo (Tang Hao) nhận định, vì đấu đá ngầm giữa các phe phái nội bộ ĐCSTQ luôn luôn là một “bí mật không thể nói”, rất khó kiểm chứng. Tuy nhiên, qua việc Hội nghị toàn thể chậm trễ và bỏ ngỏ như hiện nay có thể khẳng định “nội chiến” giữa các phe phái đang rất gay gắt, chưa thể hòa giải, không thể đạt được đồng thuận, do đó mà bị trì hoãn không tổ chức được, cũng chưa thể xác định cụ thể thời gian nào được.
>>> Jack Ma: Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ có thể kéo dài 20 năm
Theo Trithucvn