Mặt trái của Hồng Kông: Nhiều người phải làm việc 12h/ngày, sống trong những ‘chuồng thú’
Hồng Kông vốn nổi tiếng với giá đất và giá thuê căn hộ vô cùng đắt đỏ. Do đó nhiều người phải sống cùng nhau trong những khu chung cư cao tầng với các phòng nhỏ xíu, chật hẹp, thường được gọi là những nhà quan tài và nhà lồng.
Hồng Kông nổi có mức thuế cực kỳ thấp. Đây là vùng đất tuyệt vời để làm ăn. Thuế doanh nghiệp rất thấp, không có thuế giá trị gia tăng, không thuế bán hàng, thị trường tự do. Vậy nếu chính quyền không có doanh thu ngân sách từ thuế, vậy họ sẽ cần một nguồn thu khác. Và ở Hồng Kông, nguồn thu đó là “thuê đất”.
Theo số liệu của Demographia cho biết, giá nhà ở Hồng Kông còn đắt đỏ hơn nhiều so với các thành phố lớn như Sydney, London và San Francisco.
Chính vì giá đất đắt đỏ hơn vàng nên những người nghèo tại Hồng Kông phải sống cả phần đời của mình trong những căn nhà nhỏ hẹp, bẩn thỉu được gọi là nhà “quan tài” hay “nhà lồng”. Diện tích của chúng chỉ đủ kê 1 chiếc giường đơn và bếp ăn ở ngay sát nhà vệ sinh. Các công ty bất động sản thường xây dựng những căn hộ siêu nhỏ bởi căn bé nhất (có diện tích 11m²) nhưng cũng có giá lên tới hơn 400.000 USD (khoảng 9,2 tỷ đồng).
Làm sống chết, lương không đủ thuê nhà
Mặc dù giá nhà đắt đỏ là thế, nhưng mức lương để trả cho công nhân lao động ở đây lại vô cùng thấp và họ cũng không được tăng lương, trong khi chi phí sinh hoạt hằng ngày cao ngất ngưởng. Ước tính có khoảng 1/7 dân số Hồng Kông đang sống trong cảnh “giật gấu vá vai”.
“Bạn phải làm việc cho tới chết. Nếu không làm việc và làm việc, bạn sẽ không đủ tiền để trang trải những chi phí sinh hoạt hàng ngày. Cuộc sống hiện tại ở Hồng Kông thật tệ hại.”, bà Lau (42 tuổi), là một cư dân sống tại Hồng Kông than thở. Bà cho biết mỗi tiếng làm việc, bà chỉ kiếm được 5,4 USD (khoảng 125.000 đồng), trong khi gia đình bà còn nuôi con nhỏ ăn học và một người chồng đang bệnh tật mất sức lao động.
Thậm chí dù đã lao động suốt 7 năm qua, bà vẫn chưa có một ngày nghỉ ngơi, vậy mà vẫn không dành dụm được gì. “Tôi chỉ hy vọng con cái tôi được học hành tử tế và không lặp lại cuộc sống của mình. Còn tôi, chẳng thấy hy vọng nào ở tương lai cả”.
Anh Wing, 43 tuổi, kiếm được 18.000 HKD mỗi tháng (khoảng 53 triệu đồng). Cùng với vợ, người đang làm bán thời gian tại một tiệm ăn nhanh, với tổng thu nhập của cả gia đình là 20.000 HKD. Con số trên chỉ vừa đủ cho gia đình Wing vượt qua mức thu nhập được xét là hộ gia đình nghèo với 4 nhân khẩu (19.900 HKD).
Tuy nhiên, họ buộc phải dành mỗi tháng 3.300 HKD để thuê một căn phòng với diện tích vỏn vẹn 9,3m² ở khu Mong Kok.
“Dù lương của tôi khá thấp, nhưng thu nhập khá đều đặn và tôi có thể làm thêm giờ để kiếm thêm”, Wing nói.
Dù vậy câu chuyện của Wing vẫn còn khá may mắn và chỉ là một trong số rất nhiều những câu chuyện tương tự về những người Hồng Kông lao động cật lực mỗi ngày nhưng vẫn chật vật mưu sinh cho bản thân và gia đình.
Thông thường các hộ nghèo là những gia đình có người già đã về hưu hoặc chỉ có một thành viên gia đình làm việc và thường là công việc tay nghề thấp.
Giáo sư Yip Siu-fai tại đại học Hồng Kông nói rằng những người trình độ thấp ở Hồng Kông là nhóm người rất thiệt thòi vì họ gần như không thể thoát nghèo dù luôn nỗ lực làm việc, thậm chí 12h/ngày.
Một nhóm khác dễ rơi vào cảnh đói nghèo nữa là những người nhập cư từ Trung Quốc đại lục. Theo thống kê, tăng trưởng dân số của Hồng Kông trong 10 năm qua có từ 60-70% tới từ các đại lục. Phần lớn các phụ nữ đến Hồng Kông từ đại lục có trình độ học vấn khá thấp và khó tìm kiếm việc tại thành phố này khiến nhiều người phải chịu cảnh thất nghiệp.
Và cũng không ngoại lệ họ cũng phải gánh chịu tình trạng tương tự. Nếu như không ngủ trong toilet, trên nóc tủ lạnh ở nhà chủ thì họ sẽ ra thuê nhà ở riêng với mật độ 6 người/10m².
Một người đàn ông cho biết, ông có đủ tiền để có thể mua đồ ăn và quần áo mặc nhưng có một thứ mà lúc nào cũng cảm thấy thiếu thốn chính là không khí. Ở trong những chiếc hộp như vậy, quả thực ngột ngạt vô cùng.
“Căn hộ quan tài” chỉ đủ 1 người nằm
Ở Hồng Kông bạn sẽ thấy có hẳn một khu nhà nghèo, hay gọi nôm na là khu ổ chuột giống như bất cứ thành phố nào khác tên là Sham Shui Po. Những cư dân sống trong những căn hộ siêu nhỏ được chia ra từ căn hộ rộng, nhà riêng hoặc sống trong những nhà ở công cộng. Và đây chính là khởi nguồn của những “căn hộ quan tài”.
Trong khi diện tích trung bình của một căn hộ ở Mỹ chỉ dưới 92m² thì nhiều người ở Hồng Kông đang sống trong những điều kiện “phi thường”: họ cư trú trong những căn phòng giống như quan tài rộng chỉ 3,72m², khiến chúng ta buộc phải định nghĩa lại cụm từ “không gian sống hẹp”.
Chưa kể, giá thuê nhà tại Hồng Kông lại đang ở mức cao kỷ lục, trung bình vào khoảng 1.380 USD/m². Một người có thể phải bỏ ra 300 USD cho một “nhà quan tài” chỉ 1m x 2m, và những người bị thất nghiệp có người thậm chí phải sống trong căn hộ thuê rộng chỉ 2,6m².
Được biết, có khoảng 200.000 cư dân trong 7,3 triệu dân số Hồng Kông đang phải sống trong những căn hộ chia nhỏ lên đến từng đơn vị như thế này, trong đó có 35.500 trẻ em dưới 15 tuổi, phải chật vật sống và học tập trong những nơi chật hẹp, ô nhiễm như vậy.
Ông Wong Tat-ming, 63 tuổi, phải chi tới 2.400 HKD/tháng để thuê 1 “nhà quan tài”. Trong “nhà” ông phải nhồi nhét đủ thứ xung quanh chỗ nằm như túi ngủ, TV nhỏ, quạt điện.
Thậm chí bếp và toilet được sắp xếp ở cùng một chỗ và cả tập thể những người sống trong cùng căn hộ sẽ dùng chung cùng nhau. Họ phải nhắm mắt tranh thủ nấu nướng thức ăn bên cạnh bồn cầu vừa chật hẹp và bẩn thỉu đến khó tin như vậy.
Những căn nhà “nhà lồng”
Nếu không phải là những “căn hộ quan tài” thì cũng là những căn “nhà lồng” được những người lao động lựa chọn, nhưng phần lớn là những người độc thân.
“Nhà lồng” thực chất nó chỉ lớn hơn một chút so với giường đơn, được bao bọc bởi lưới thép và có một cửa ra vào để tăng cường an ninh. Người ta xếp chồng các “nhà lồng” lên nhau để tăng diện tích sử dụng. Bên trong “nhà lồng”, người ở chỉ có thể kê một tấm nệm để ngủ. Quần áo được treo vào những mắt lưới thép bao xung quanh trông không khác gì một cái chuồng thú.
Ở Hồng Kông, có thể bắt gặp “nhà lồng” ở những nơi dành cho người lao động, chẳng hạn như khu Tây Kowloon và các vùng lân cận. Căn hộ đặt những “nhà lồng” thường dột nát, ẩm thấp và thiếu các điều kiện vệ sinh cơ bản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.
Họ phải sử dụng chung một không gian bếp và vệ sinh. Tất cả mọi người đều nấu ăn và tắm giặt cùng một chỗ. Nên họ có thể tiết kiệm tiền và diện tích sử dụng. Dù rất khó khăn để ở, nhưng “nhà lồng” vẫn là nơi náu thân của hàng chục nghìn người lao động.
Điều kiện tồi tàn đến vậy nhưng những căn “nhà lồng” này không phải lúc nào cũng giữ nguyên giá như thế, chúng đắt đỏ và còn liên tục tăng giá hằng năm khiến cho những người lao động nghèo phải làm cật lực để chạy đua theo thời giá của chúng.
Một phụ nữ Hồng Kông cho biết: “Cuộc sống khó khăn lắm. Nhà thì quá tối. Nếu sống ở đây, chẳng bao giờ bạn nhìn thấy ánh mặt trời. Mà mỗi người thì một thói quen. Chúng tôi tranh cãi với nhau từ những việc nhỏ nhất. Chúng tôi hay cãi nhau lắm”.
Người giàu thì mãi giàu, người nghèo vẫn mãi nghèo
Đi cùng với giá bất động sản phi mã kéo theo giá tiền thuê nhà tăng vọt, đẩy những người thu nhập thấp vào cảnh khốn cùng. Cùng với đó, giấc mơ sở hữu nhà ở cũng vọt khỏi tầm tay nhiều người trong khi những ông trùm bất động sản lại giàu lên nhanh chóng.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư từ Trung Quốc đại lục ồ ạt đổ tiền vào bất động sản Hồng Kông nhằm trục lợi, càng làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng thiếu ở tại thành phố này. Nhiều gia đình phải chuyển tới những căn hộ nhỏ hơn, hay phải dọn tới sống trong các nhà xưởng. những căn hộ dùng chung trở thành lựa chọn bất đắc dĩ của hàng chục nghìn người.
Trước tình cảnh này, nhà lập pháp Frederick Fung cảnh báo chính quyền cần giải quyết triệt để vấn đề. “Khi chúng tôi còn là học sinh, nhiều thí nghiệm đòi hỏi chúng tôi phải nhốt chuột vào trong những chiếc hộp nhỏ và chúng sẽ cắn xé nhau. Khi không gian sống trở nên quá chật chội, con người có xu hướng cảm thấy khó chịu, tuyệt vọng và giận dữ cao độ với chính quyền”, Fung cảnh báo.
Chúc Di (t/h)