Mạnh Hoành Vĩ liên quan đến cái chết của Ban Thiền Lạt Ma thứ mười?
Gần đây trên Twitter, luật gia tự do người Trung Quốc Viên Hồng Băng tiết lộ, Ban Thiền Lạt Ma thứ mười Choekyi Gyaltsen (1938 – 1989) của phái Gelug Phật giáo Tây Tạng bị ĐCSTQ đầu độc giết chết, còn Mạnh Hoành Vĩ là một trong những hung thủ tham gia vào vụ việc.
Gần nửa tháng trước, sự kiện Mạnh Hoành Vĩ bị nhà cầm quyền Bắc Kinh bắt trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế. Vào ngày 8/10, luật gia tự do Trung Quốc Viên Hồng Băng đã công bố trên tài khoản Twitter của ông: “Trong thời gian ông Mạnh Hoành Vĩ làm quan, tôi từng viết hai cuốn sách là ‘Giết Phật’ và ‘Đài Loan bị cầm tù’ tiết lộ Mạnh Hoành Vĩ tham gia vụ ám sát Ban Thiền Lạt Ma thứ mười và Vụ nổ súng ám sát Tổng thống Trần Thủy Biển và Phó Tổng thống Annette Lu của Đài Loan vào ngày 19/3/2004”.
Lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng Choekyi Gyaltsen là Ban Thiền Lạt Ma thứ mười đã bất ngờ qua đời tại thành phố Shigatse Tây Tạng ngày 28/1/1989 ở tuổi 51. Lúc đó, dư luận nghi vấn Ban Thiền Lạt Ma bị đầu độc chết vì ông có ý muốn thoát khỏi kiểm soát của ĐCSTQ, nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc có lên tiếng rằng, Ban Thiền Lạt Ma đột tử vì bị “nhồi máu cơ tim”.
Theo lý lịch cá nhân công khai của Mạnh Hoành Vĩ thì vào năm 1989, ông không giữ bất cứ chức vụ nào. Trang tìm kiếm Baidu dưới kiểm soát của nhà cầm quyền ĐCSTQ khi giới thiệu lý lịch của Mạnh Hoành Vĩ chỉ liệt kê những thay đổi từ năm 2004 (khi Mạnh Hoành Vĩ giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Công an) về sau, còn phần lý lịch trước đó chỉ ghi một cách chung chung “giữ cương vị Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an, Cục trưởng Cục Quản lý giao thông”.
Năm 2013, nhà văn và luật gia sống lưu vong người Trung Quốc Viên Hồng Băng đã cùng nhà thơ song ngữ Tạng – Hán đồng thời là nhà nghiên cứu Tây Tạng Namloyak Dhungser hoàn thành cuốn sách “Giết Phật – Sự thật kiếp nạn của Ban Thiền Lạt Ma thứ mười”. Cuốn sách cho biết, sau nhiều năm điều tra, bao gồm các cuộc phỏng vấn với các thành viên “thái tử Đảng” có liên quan, họ phát hiện quyết định hạ độc Ban Thiền Lạt Ma thứ mười chính là lãnh đạo cao nhất ĐCSTQ khi đó là ông Đặng Tiểu Bình và hai trưởng lão khác là Lý Tiên Niệm cùng Bạc Nhất Ba.
Theo Viên Hồng Băng, Mạnh Hoành Vĩ chính là một trong những hung thủ tham gia hành động đầu độc. Sau đó Mạnh Hoành Vĩ lập tức được trọng dụng và được điều từ Tây Tạng về Bắc Kinh, lên chức trợ lý Bộ trưởng Công an, sau đó được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Giao thông Vận tải; năm 2004, thăng chức làm Thứ trưởng Bộ Công an, tham gia vào cuộc đàn áp người tập Pháp Luân Công.
Có thông tin tiết lộ, năm 1979, Viên Hồng Băng và Mạnh Hoành Vĩ cùng vào học tại Khoa Luật của Đại học Bắc Kinh, nghĩa là họ từng là “bạn học”.
Tuy nhiên, tuyên bố trên chỉ là quan điểm cá nhân của ông Viên Hồng Băng, hiện chưa có bằng chứng từ các nguồn khác.
Theo thông tin công khai, sáng ngày 28/1/1989, Ban Thiền Lạt Ma thứ mười ở Shigatse Tây Tạng sau khi vừa làm xong lễ khánh thành chùa Thần Linh thì ngã bất tỉnh, được đưa tới bệnh viện cấp cứu. Tuyên bố của cơ quan chức năng ĐCSTQ là ông bị nhồi máu cơ tim. Vào 20h16 ngày 29/1/1989 ông qua đời.
Sự kiện Ban Thiền Lạt Ma thứ mười qua đời đột ngột đã gây nhiều đồn đoán. Quan chức đứng đầu tư pháp Tây Tạng khi đó là Lobsang Sangay (sau là chủ tịch của chính phủ Tây Tạng lưu vong) cho biết, Ban Thiền Lạt Ma Choekyi Gyaltsen qua đời đột ngột không có lý do rõ ràng.
Trong tự truyện “Thuận nước ngược gió” của Lạt ma nổi tiếng Tây Tạng 8 Agya Hotogtu (hiện sống lưu vong) cũng chỉ ra, nhiều người cho rằng cái chết đột ngột của Ban Thiền Lạt Ma thứ mười là do bị nhân viên y tế đầu độc.
Sau khi ông Viên Hồng Băng đề cập đến chủ đề Mạnh Hoành Vĩ đầu độc Ban Thiền Lạt Ma thứ mười trên Twitter, có bài viết của tác giả “Cổ Ngọc Văn” (Gu Yuwen) bình luận rằng, vợ của ông Mạnh Hoành Vĩ nên hiểu rằng, đối với quan chức và người thân trong chế độ Cộng sản Trung Quốc, nếu học theo Vương Lập Quân và Lệnh Hoàn Thành đấu tranh quyền lực với ĐCSTQ, rồi lợi dụng tự do ngôn luận trong xã hội phương Tây để tự bảo vệ thì cũng chỉ có thể tạm thời trì hoãn được nguy cơ bức hại từ ĐCSTQ, nhưng khó thoát khỏi vòng đe dọa của ĐCSTQ có ở khắp nơi.
Bài viết chỉ ra một số tấm gương sáng điển hình trong bộ máy ĐCSTQ đích thực làm được việc tự cứu mình như cựu Thư ký thứ nhất Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc là Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), Giám đốc Tư pháp thành phố Thiên Tân Hách Phụng Quân (Hao Fengjun), và Giám tốc Tư pháp thành phố Thẩm Dương Hàn Quảng Sinh (Han Guangsheng).
Ông Trần Dụng Lâm vì khinh bỉ, không chấp nhận đứng trong hàng ngũ ĐCSTQ, năm 2005 ông cùng với vợ con chạy trốn khỏi Đại sứ quán Trung Quốc, công bố công khai về cuộc đàn áp Pháp Luân Công và những người bất đồng chính kiến ở Úc, vạch trần cho thế giới thấy rằng, ĐCSTQ cài hơn một ngàn gián điệp tại Úc.
Bài viết cho biết, nếu vợ ông Mạnh Hoành Vĩ “trọng sự thật, công lý và trách nhiệm xã hội” như bản thân bà nêu ra, vậy thì nên làm theo tấm gương của ông Trần Dụng Lâm công khai sự thật về ĐCSTQ với tư cách là người nhà Mạnh Hoành Vĩ, công khai cả tội ác mà bản thân ông Mạnh Hoành Vĩ làm để thể hiện ăn năn hối hận, như vậy mới thực sự thoát khỏi mối đe dọa của ĐCSTQ và tự cứu vãn được danh dự gia đình.
Theo Trithucvn