Mạn đàm phim “Con Rồng cháu Tiên” (P2): Hình tượng Rồng Thần đã đúng chưa?
Sau khi ra mắt vào đầu tháng 11, bộ phim hoạt hình “Con Rồng cháu Tiên” đã làm nức lòng cộng đồng mạng khi truyền tải những bài học cốt lõi của văn hóa Việt một cách thu hút. Tuy nhiên, hình tượng Rồng Thần – một trong những biểu tượng thiêng liêng của dân tộc ta – liệu đã được khắc họa đúng chưa?
Nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói: “Mọi quốc gia, dân tộc đều có nhu cầu thấu hiểu về nguồn gốc của mình. Đây là nhân tố cần cần thiết để gắn kết đồng loại. Con Rồng cháu Tiên là một truyền thuyết trong dân gian, đã thực sự đi vào chính sử, để lý giải chúng ta là ai, cái gốc rễ sâu xa của chúng ta là gì, tại sao lại gắn kết thành quốc gia, dân tộc”.
Tuy nhiên, rõ ràng câu chuyện “Con Rồng cháu Tiên” vẫn chưa được đặt ở vị trí xứng đáng trong kho tàng văn học, trong trái tim của mỗi người con nước Việt. Chính vì thế, bộ phim hoạt hình “Con Rồng cháu Tiên” đã ra đời.
Dẫu biết rằng bộ phim được sáng tạo để truyền cảm hứng và truyền tải tốt hơn những bài học cốt lõi của văn hóa Việt với trẻ em ngày nay, nhưng mọi sự sáng tạo đều cần đảm bảo yếu tố lịch sử và giá trị văn hóa.
Đặc biệt chú ý là nhân vật Rồng Thần, bởi từ lâu hình tượng Rồng đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt. Đây là một biểu tượng thiêng liêng về nguồn gốc của dân tộc, và cũng là một trong tứ linh với dân ta gồm Long, Lân, Quy, Phụng.
Trước khi mạn đàm về hình ảnh con Rồng trong phim, chúng ta hay cùng nhìn lại hình tượng Rồng Việt Nam qua các thời đại.
Vào thời Lý, con Rồng có thân tròn lẳn, khá dài, uốn khúc mềm mại và thon dài từ đầu đến chân, trông rất nhẹ nhàng và thanh thoát. Dù thân không có vẩy nhưng dọc sống lưng có một hàng vảy thấp tỉa riêng ra từng cái, đầu vây trước tua vào hàng vây sau. Bụng là đốt ngắn như bụng rắn, có bốn chân, mỗi chân có ba ngón phía trước, không có ngón chân sau. Vị trí của chân bao giờ cũng đặt ở một chỗ nhất định. Chân trước mọc gần giữa khúc uốn thứ nhất, chân đối xứng phía bên kia nằm gần cuối khúc uốn này. Hai chân sau bao giờ cũng ở gần khoảng giữa khúc uốn thứ ba. Cả bốn chân đều có khủy phía sau và có móng giống chân loài chim.
Đầu Rồng với cổ ngước cao, mắt Rồng to tròn và hơi lồi, trên lông mày kết xoắn hình số 3 ngửa (theo nhãn vòng Kim cô nhà Phật), và trán kết xoắn hình chữ S ký hiệu hình chớp (ý niệm về hiện tượng tự nhiên sấm – chớp). Hai bên dưới mang tai có dải bờm nhiều tua kết vào nhau uốn lượn vút ra sau. Chòm râu dưới cằm kết xoắn uốn lượn. Mũi Rồng cũng được kéo dài thành hình vòi. Mào của Rồng hơi uốn khúc, chung quanh có viền kiểu ngọn lửa. Hai hàm có răng nanh nhọn kéo dài uốn cong liền sát mũi.
Đến thời Trần, hình tượng con Rồng vẫn giữ dáng dấp như thời Lý, nhưng không chịu những quy định khắt khe như thời Lý. Thân Rồng thường mập chắc, có vảy hình vòng cung. Vảy lưng vẫn thể hiện từng chiếc, nhưng không tựa đầu vào nhau, có khi có dạng hình răng cưa lớn, nhọn, đôi khi từng chiếc vảy được chia thành hai tầng. Chân Rồng thường ngắn hơn, những túm lông ở khủy chân không bay ra theo một chiều nhất định như Rồng thời Lý.
Đầu Rồng không có nhiều phức tạp như Rồng thời Lý. Rồng vẫn có vòi hình lá, vươn lên trên nhưng không uốn nhiều khúc. Chiếc răng nanh phía trước khá lớn, vắt qua sóng vòi. Và có sự xuất hiện chi tiết cặp sừng.
Trong khi Rồng thời Lê Sơ có sự thay đổi hẳn, không nhất thiết là một con vật mình dài uốn lượn đều đặn nữa mà ở trong nhiều tư thế khác nhau. Đầu Rồng to, có hai nhánh sừng nhô cao, đầu sừng cuộn tròn lại, mắt lồi, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Mép trên của miệng Rồng vẫn kéo dài nhưng được vuốt gần như thẳng ra, bao quanh có một hàng vảy răng cưa kết lại như hình chiếc lá.
Răng nanh cũng được kéo dài lên phía trên và uốn xoăn thừng ở gốc. Lông được kéo dài ra và đuôi vuốt chếch lên phía sau. Rồng có râu ngắn, cổ thường nhỏ hơn thân, một hiện tượng ít thấy ở những con Rồng trước đó. Chân Rồng không còn là ba ngón nữa mà tăng lên năm móng sắc nhọn.
Rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Phần lớn mình Rồng không dài ngoằn mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu Rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt Rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Vây trên lưng Rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn, đuôi Rồng lượn sóng hoặc tõe các tua đuôi. Râu Rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng Rồng dùng cho vua có năm móng, còn lại là bốn móng.
Qua những miêu tả trên có thể thấy con Rồng trong bộ phim “Con Rồng cháu Tiên” đa phần giống hình tượng thời Lý. Tuy nhiên, nó không có vảy lưng khiến phần thân trơn láng, bụng có đốt ngắn giống như giun đất, đánh mất giá trị sức mạnh và sự thống trị thường thấy của một con Rồng phương Đông.
Phần đầu Rồng mặc dù đã được khắc họa khác Rồng Trung Hoa, nhưng thiếu sự uy nghiêm vốn có của Thần Long. Dáng đầu dù có dạng lửa nhưng chưa cháy rực để thể hiện cho khí thế hừng hực. Vì chung quanh mào không có viền kiểu ngọn lửa mạnh mẽ. Đáng chú ý là con Rồng này không có tai mà chỉ có dải bờm nhiều tua ở vị trí sau tai.
Rồng là Vạn Thú Chi Vương, là biểu tượng đế vương và là Thần vật có đặc trưng là “uy nghiêm”. Thần Long trên trời sinh dị năng, uy mãnh vô song, có thể đi lại tự nhiên trên đất liền, lại có thể bay thẳng lên trời, nuốt gió phun mưa.
Ngoài ra, mọi người thường cung kính gọi Rồng là “Long vương”. Long vương tức chỉ thần trông coi mưa gió, quản lý sông hồ và biển cả. Thần vì con người cho mưa xuống, nuôi dưỡng vạn vật, mang lại cho con người ân huệ lớn lao.
Thiết nghĩ hình tượng Rồng nên được khắc họa chính xác hơn, đó cũng là cách chúng ta trân trọng tổ tiên người Việt, tôn trọng truyền thống văn hóa thiêng liêng và đầy tự hào của dân tộc.
Tú Văn