Ly kỳ chuyện ‘người chết sống lại’
Chuyện xảy ra đã hai tuần, nhưng ngày 10.3, khi chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Đạo (53 tuổi, ấp Mỹ, xã Kim Sơn, H.Châu Thành, Tiền Giang), nhân vật chính trong câu chuyện “người chết sống lại” vẫn còn khách tới thăm hỏi.
Chết lâm sàng…
Bà Nguyễn Bạch Tuyết (còn gọi là Bé Sáu, vợ ông Đạo) kể: “Hôm đó là mùng 4 tết (22.2), chồng tôi tới thăm người dì ruột bị bệnh ở TP.Tân An (Long An) và định ở lại phụ chăm sóc người dì. Nhưng đến chiều, trong lúc ông ấy đang tắm thì bất ngờ ngất xỉu và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện (BV) đa khoa Long An. Được tin, hôm sau tôi tới nơi thì thấy chồng tôi đã bị hôn mê. Bác sĩ nói tình trạng ông xã cô là không khả quan, lên tuyến trên thì cũng vậy thôi. Nếu muốn về BV đa khoa Tiền Giang thì phải liên hệ, họ đồng ý nhận chúng tôi mới chuyển. Không còn cách nào, chúng tôi điện thoại cho người bà con là chị Ba Cúc (bà Trần Thị Kim Cúc, cựu Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang) nhờ liên hệ giúp. Nhưng khi về dọc đường thì chồng tôi bất ngờ bị ngừng tim, phải quay xe trở lại”. Tại BV đa khoa Long An, bà Tuyết kể tiếp: “Sau khi bác sĩ cấp cứu thì tim chồng tôi đập trở lại. Nhưng từ đó tới chiều thấy không được truyền dịch hoặc thuốc men gì trong khi chồng tôi có dấu hiệu ngày càng yếu dần, chân tay thì bị cột vào giường. Sốt ruột, chúng tôi hỏi thì bác sĩ nói “tình trạng này đã chết lâm sàng rồi”. Nghe vậy nên gia đình bàn và quyết định đưa chồng tôi về nhà. Bấy giờ, cô y tá còn dặn: “Hễ rút ống ra là chết liền đó!”. Khi đưa chồng tôi về tới nhà thì khoảng 6 giờ tối. Lúc này ở nhà hay tin nên rất đông bà con lối xóm tới phụ giúp tháo dỡ hàng rào, dọn bàn, che trại và mua hòm chuẩn bị sẵn. Thầy cúng cũng được rước tới nhà để tụng kinh cầu an”.
Đến lúc đó ông Đạo vẫn còn thoi thóp nên gia đình chưa rút ống thở ô xy, nhưng vẫn để nằm trên bộ ván (mượn của hàng xóm) đầu quay ngược ra ngoài như người đã chết rồi. Chỉ chờ coi ngày giờ để rút ống ra và tẩm liệm. Lúc này, có lẽ ông Đạo vẫn còn nghe được, vì khi có người tới hỏi thăm thì nước mắt ông chảy ra. Sáng hôm sau, đại diện Hội Cựu chiến binh xã tới thấy vậy nên đề nghị đưa ông Đạo đi BV 115 (TP.HCM) vì “còn nước còn tát”. Do hoàn cảnh khó khăn, không tiền, nên gia đình đã gọi một người bà con ngụ TP.Mỹ Tho, gọi ông Đạo bằng cậu về để bàn. Sau đó, ông Đạo được đưa tới BV Quân y 120 (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) cấp cứu.
Gánh nặng… hậu sự
Cũng theo bà Tuyết, khi tới BV Quân y 120, nhờ được các bác sĩ truyền dịch, chăm sóc tích cực nên chỉ vài giờ sau ông Đạo mở mắt, ngày hôm sau nói chuyện được và đến ngày 6.3 thì xuất viện với chẩn đoán: “Đột quỵ, nhồi máu não/viêm phổi…”. Hiện sức khỏe ông Đạo dần hồi phục, ăn uống bình thường, chỉ có trí nhớ thì còn hay “mơ màng”, chuyện nhớ chuyện không.
Gia cảnh ông Đạo rất nghèo. Cách đây 2 tháng, ông Đạo bị bệnh tim và điều trị ở BV đa khoa Tiền Giang. Nhà 4 người nhưng trong căn nhà nhỏ lợp tôn chỉ có một cái giường ngủ và một cái bàn tròn bằng gỗ cũ. Dù nghèo nhưng cả 2 cô con gái (20 và 22 tuổi) đều được vợ chồng ông vay tiền cho đi học điều dưỡng tại TP.HCM và đang nợ ngân hàng 60 triệu đồng. Khi chúng tôi tới nhà, thấy bà Tuyết đi cắt cỏ về và chở một bao cỏ lớn trên chiếc xe đạp cho bầy dê 7 con, là nguồn thu nhập chính của gia đình. Trước khi lập gia đình, ông Đạo thi hành nghĩa vụ quân sự và phục vụ ở chiến trường Campuchia hơn 3 năm.
Bà Tuyết cho biết nhờ có thẻ bảo hiểm y tế nên trong 2 đợt điều trị vừa rồi chỉ tốn tổng cộng khoảng 7 triệu đồng. Nhưng chi phí lớn nhất mà gia đình đang phải gánh là trước khi đưa ông Đạo về “lo hậu sự”, người nhà đã chạy vay tiền đặt mua cái hòm giá 14 triệu đồng. Khi ông Đạo “sống lại”, gia đình đề nghị được trả lại thì người bán hòm yêu cầu phải chịu “chi phí” 2 triệu đồng. Thế nhưng sau đó họ đổi ý và đòi phải đưa đủ 14 triệu đồng và cho biết “khi nào bán được hòm mới trả tiền lại”!
Phương Hà |
Theo Thanh Niên