Lý do Miss Grand International lọt top 5 cuộc thi nhan sắc lớn nhất hành tinh
Chỉ trong 5 mùa tổ chức, Miss Grand International (MGI) từ một cuộc thi nhỏ đã lọt top 5 cuộc thi nhan sắc lớn nhất hành tinh (Miss Grand Slam) do Global Beauties bình chọn.
Khoảnh khắc đăng quang của Hoa hậu Peru – Maria Jose Lora
Cuộc thi Miss Grand International (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế) được tổ chức từ năm 2013 nhằm chọn ra hoa hậu giữ vai trò truyền tải thông điệp kêu gọi chấm dứt bạo lực và chiến tranh.
Dù mới hoạt động thời gian ngắn, Miss Grand International (MGI) nhanh chóng để lại dấu ấn. Cuộc thi được chuyên trang sắc đẹp Global Beauties đưa vào danh sách năm cuộc thi lớn nhất cùng Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ), Miss World (Hoa hậu Thế giới), Miss International (Hoa hậu Quốc tế) và Miss Supranational (Hoa hậu Siêu quốc gia).
Để có sự bứt phá nhanh trong vòng vài năm tổ chức, Miss Grand International đã có hành trình phát triển đầy tính giải trí và nhân văn. Các phần thi như trang phục dân tộc được đầu tư mãn nhãn.
Đẩy Miss Earth (Hoa hậu Trái đất) ra khỏi bảng xếp hạng những cuộc thi hoa hậu uy tín và được quan tâm nhiều nhất của top 5, Miss Grand International xếp hạng 3 sau Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ, ra đời năm 1952), Miss World (Hoa hậu Thế giới, ra đời năm 1951).
Xếp sau Miss Grand International (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế) là Miss International (Hoa hậu Quốc tế, ra đời năm 1960) và Miss Supranational (Hoa hậu Siêu quốc gia, ra đời năm 2009).
Điều này đến từ việc chuẩn bị công phu của ban tổ chức (kinh phí cho MGI 2017 tại Việt Nam là 2,2 triệu USD), kết quả minh bạch, nhận được sự đồng thuận cao của khán giả. Quan trọng là, kịch bản của Miss Grand International được đánh giá khá thu hút, lượng thí sinh đông đảo (trên 80-90 quốc gia và vùng lãnh thổ cử thí sinh đến tranh tài), thậm chí các nước tổ chức cuộc thi riêng để cử đại diện đúng tiêu chí đến tham gia.
Chính thông điệp tốt đẹp từ việc cổ vũ nền hòa bình giữa các dân tộc, phản đối bạo lực và chiến tranh, Miss Grand International nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân khắp thế giới.
Chất lượng thí sinh là điểm đáng chú ý nhất của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế. Không chỉ có lượng thí sinh đông đảo họ còn có vẻ đẹp đồng đều.
Trong 5 năm qua, mỗi khi cuộc thi chọn ra hoa hậu, khán giả đa số đồng thuận với kết quả. Hoa hậu Peru – Maria Jose Lora – đăng quang tại Phú Quốc tối 25/10 đúng theo dự đoán của các chuyên trang sắc đẹp và khán giả. Các người đẹp như Ariska Putri Pertiwi (2016), Anea Garcia (2015), Janelee Chaparro (2013)… đều được khen về nhan sắc.
Năm 2017, Miss Grand Slam của Global Beauties đã vinh danh Ariska Putri Pertiwi là “Hoa hậu đẹp nhất thế giới 2016”, hay Madison Anderson Berrios – Á hậu 3 cuộc thi năm 2016 – là “Mỹ nhân đương đại quyến rũ nhất thế giới”. Kết quả này ghi nhận chất lượng hoa hậu và sự lựa chọn chính xác của ban tổ chức MGI.
Thông điệp của cuộc thi về kêu gọi hòa bình, chấm dứt chiến tranh nhận được sự ủng hộ lớn từ nhiều nước. Không chỉ vậy, ban tổ chức còn đưa thông điệp này vào các màn trình diễn, ứng xử và xem đó là tiêu chí để đánh giá thí sinh. Tại sân khấu Miss Grand International 2017 ở Phú Quốc, Việt Nam, Top 5 phải trả lời câu hỏi về việc trừng phạt những người gây ra bạo lực và chiến tranh, Top 10 mặc áo dài họa tiết cánh chim màu xanh da trời diễn thuyết về hòa bình.
Trong một năm đương nhiệm, công việc của hoa hậu là truyền tải thông điệp hòa bình mỗi nơi cô đi qua, đăng tải mọi hoạt động của bản thân để khán giả dõi theo. Yêu cầu của ban tổ chức rất khắt khe. Trong bài phỏng vấn trên Global Beauties ngày 24/10, ông Nawat Itsaragrisil – Chủ tịch của Hoa hậu Hòa bình Quốc tế – nói rằng hoa hậu năm 2016, Ariska Putri Pertiwi, luôn phải trong tư thế sẵn sàng làm việc, đi lại liên tục. Năm 2015, Hoa hậu Anea Garcia từng bị tước vương miện vì không hoàn thành nghĩa vụ trong các hoạt động từ thiện, quảng bá.
Khi đã hết nhiệm kỳ, các hoa hậu cũ vẫn đồng hành với hoạt động của cuộc thi và có mối quan hệ gắn bó với tổ chức MGI nói chung và ông Nawat Itsaragrisil nói riêng. Trên sân khấu tối 25/10, khi Ariska Putri Pertiwi nói lời tạm biệt và trao lại vương miện, cô và chủ tịch MGI ôm nhau khóc.
Khâu tổ chức của MGI cũng là một điểm cộng. Hoạt động của cuộc thi thường gói gọn trong ba tuần, xen kẽ các bài thi là những buổi quảng bá du lịch, tham quan và tìm hiểu văn hóa địa phương. Đêm bán kết và chung kết được chuẩn bị ngắn gọn, súc tích. Ánh sáng và âm nhạc hòa quyện, làm nổi bật thí sinh trên sân khấu, đồng thời khiến khán giả không thấy nhàm chán khi theo dõi.
Vương miện của người chiến thắng được chuẩn bị cầu kỳ, chế tác từ vàng thật và kim cương tự nhiên, làm sáng gương mặt hoa hậu khi đăng quang. Ngoài ra, người đẹp đăng quang được trao phần thưởng là 40.000 USD tiền mặt chứ không quy ra hiện vật như nhiều cuộc thi khác. Điều này tạo sự thu hút cho thí sinh đến với cuộc thi.
Fanpage của MGI là một trong những kênh hoạt động hiệu quả nhất hệ thống các cuộc thi sắc đẹp. Trước, trong và sau các vòng thi, khán giả đều được xem trực tiếp và đưa ra đánh giá trên mạng xã hội. MGI tăng tính tương tác bằng cách tổ chức nhiều cuộc bình chọn, để khán giả trở thành một ban giám khảo riêng, hỗ trợ tìm ra những gương mặt sáng giá.
Thành công hiện tại của MGI là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có nỗ lực của những người đứng đầu cuộc thi nhằm đem đến một sân chơi minh bạch. Như ông Nawat Itsaragrisil chia sẻ với Global Beauties: “Tôi hạnh phúc vô cùng khi tổ chức cuộc thi này và lúc nào cũng cố gắng để nó tốt hơn. Tôi hiểu rằng với một cuộc thi mới, nhiều người có thể không tin tưởng chúng tôi, vậy thì chúng tôi phải cố gắng để giành được lòng tin ấy. Các cô gái đến với chúng tôi từ những nơi rất xa. Ước mơ của họ là chiến thắng và tôi hứa sẽ đem tới cho họ một cuộc chơi công bằng. Tôi sẽ không trao vương miện cho người khác vì bất cứ lý do gì bên ngoài cuộc thi”.