Lưu ý những quan niệm sai lầm về ngày cúng ông Công ông Táo
Rất nhiều gia đình thường mắc những quan niệm sai lầm về ngày cúng ông Công ông Táo, để chuẩn bị chu đáo hơn các gia đình cần lưu ý những điều sau.
Nhiều người quan niệm, ông Công là thần thổ công, vị thần cai quản đất đai trong nhà, cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà, còn ông Táo trông coi việc bếp núc nên sẽ được cúng ở dưới bếp.
Tuy nhiên, việc cúng lễ như vậy là không đúng với phong tục, quy tắc truyền thống lâu đời của dân tộc.
Theo truyền thống, tất cả các vị này đều cần được thờ phụng trên ban thờ chính của gia đình. Hơn nữa, bếp là nơi đun nấu, không phải nơi thể cúng lễ.
Mâm cỗ cúng 23 tháng Chạp cần được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà.
Những lễ vật dùng để cúng ông Táo như mũ, áo, giày, giấy tiền vàng mã sẽ được hóa sau khi nửa tuần hương cháy hết. Hóa vàng xong và hương khi đã cháy hết, gia đình sẽ mang cá chép ra sông hoặc hồ để thả.
Lễ cúng 23 tháng Chạp có ý nghĩa tiễn ông Công ông Táo về trời để báo cáo việc lớn việc nhỏ trong năm của gia chủ với thiên đình. Do vậy, việc cầu xin tài lộc, sung túc là không nên, chỉ nên khấn xin những việc tốt đẹp trong năm.
Việc cúng lễ trong ngày 23 tháng Chạp không đòi hỏi quá cầu kỳ nhưng phải tươm tất. Tùy điều kiện và hoàn cảnh của mỗi gia đình để chuẩn bị lễ chay hoặc mặn.
Về cơ bản, lễ vật cúng ngày 23 tháng Chạp cần chuẩn bị 3 bộ quần áo, mũ, giày cho 3 vị thần với một con ngựa bằng giấy với yên cương đầy đủ hoặc 3 con cá chép và tiền vàng.
Việc cúng lễ cần tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời.
Thông thường, bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để làm lễ cúng ông Công, ông Táo.
Sau khi cúng lễ và thả cá chép, nên chọn địa điểm phù hợp, nhẹ nhàng thả cá. Tránh thả từ trên cao hay ném cá xuống nước vì như vậy cá sẽ chết.
Theo Soha