Lưới trời lồng lộng: Hành trình giải mộng báo đại thù của thiếu phụ
Trên đời này, ‘thiện ác hữu báo’ chính là lẽ công bằng của vũ trụ. Người hành thiện sẽ đắc phúc báo, hành ác sẽ phải nhận quả báo, xưa nay chưa hề sai lạc, nó cũng là bài học có giá trị nhất để cảnh tỉnh thế nhân.
Triều Đường năm Nguyên Hòa, một phú hộ họ Tạ ở tại quận Dự Chương, ông có một người con gái tên là Tiểu Nga. Tiểu Nga từ nhỏ khỏe mạnh, hơi có phần khí phách nam tử. Năm 14 tuổi, người cha đính ước nàng cho Đoạn Cự Trinh. Sau khi thành thân, phu thê hòa thuận, gia đình hai bên cùng nhau kinh doanh một con thuyền lớn, chuyên chở hành khách và hàng hóa qua lại giữa hai nước Ngô – Sở.
Huynh đệ, con cháu, nô bộc của hai nhà tổng cộng hơn mười mấy người, đều ở trên thuyền cùng làm ăn buôn bán. Sau vài năm, làm ăn phát đạt, tiền bạc chất đống, rạng rỡ mặt mày, nổi tiếng xa gần.
Một hôm, thuyền đi đến hồ Bà Dương, vô tình gặp mấy con thuyền của hải tặc, người nào cũng trang bị khí giới, siết chặt vòng vây. Hai tên trùm thổ phỉ, nhảy lên thuyền trước, một đao chém chết lão Tạ và Đoạn Cự Trinh. Sau đó đám hải tặc lần lượt nhảy lên thuyền, giết sạch không sót một ai. Tiểu Nga trong cái khó ló cái khôn, vội vàng leo lên cột buồm nhảy xuống nước. Nước chảy rất xiết, đám hải tặc đều đinh ninh rằng nàng đã chết.
Được trời thương xót, lúc nàng chỉ còn thở thoi thóp, thì được một cặp vợ chồng già đánh cá cứu sống. Tiểu Nga khóc lóc kể lại thảm kịch trên thuyền của mình, cúi đầu cảm tạ ân cứu mạng của đôi vợ chồng già. Ở trên thuyền tĩnh dưỡng vài ngày, nàng dần dần khoẻ lại. Thấy đôi vợ chồng già cũng chật vật sống qua ngày, nàng không muốn gây thêm phiền phức, liền cáo từ đi ăn xin kiếm sống.
Một hôm đi đến chùa Diệu Quả thuộc huyện Thượng Nguyên, Kiện Nghiệp, lão ni cô chủ trì Tịnh Ngộ thấy Tiểu Nga thông minh lanh lợi, rất cảm thông tai hoạ mà nàng gặp phải, vì vậy liền giữ nàng lại trong chùa. Tiểu Nga vì một lòng muốn báo thù, nên không cắt tóc xuất gia.
Đêm nọ nàng mơ thấy cha máu me đầy mình, nói với nàng: “Nếu con muốn biết tên của kẻ đã giết cha, thì có hai câu sau con phải nhớ cho kĩ: Xa trung hầu, môn đông thảo”. Nói xong liền biến mất. Tiểu Nga khóc lóc tỉnh dậy, mọi chuyện trong mơ vẫn rõ mồn một, nhưng cũng không hiểu ý nghĩa của câu đó.
Hai ngày sau thì thấy người chồng báo mộng: “Kẻ giết ta, điền trung tẩu, nhất nhật phu”. Hai giấc mơ liên tiếp xuất hiện, nên nàng cảm thấy tuyệt đối không phải ngẫu nhiên, rõ ràng là linh hồn người đã khuất hiển linh, khổ nỗi không thể tiết lộ thiên cơ, chỉ có thể dùng câu đố để chuyển lời. Nàng khổ sở vắt óc suy nghĩ nhưng vẫn không ra đáp án, liền thỉnh giáo sư phụ Tịnh Ngộ nhưng cũng không tìm ra manh mối.
Sau đó, sư phụ Tịnh Ngộ nói với nàng: “Cách đây không xa tại Ngõa Quán tự có một vị cao tăng pháp danh Tế Vật, học thức uyên bác, con có thể đến thỉnh giáo ông ấy”. Tiểu Nga sau khi đến đó, nói rõ thân phận của mình, tỉ mỉ kể lại nội dung câu đố, vị cao tăng nghĩ ngược nghĩ xuôi cũng không đoán ra được rốt cuộc hai cái tên mà câu đố ám chỉ là gì. Tiểu Nga đành chán nản cáo từ.
Vài năm sau, cao nhân Ngoã Quán tự gửi tin mời nàng qua đó một chuyến, nàng phấn khích tới nơi, cao tăng Tế Vật chỉ người bằng hữu đứng bên cạnh nói: “Đây là người bạn tốt của ta, làm phán quan ở Hồng Châu, Giang Tây, tên là Lý Công Tá, ông ấy đã giải xong câu đố về tên hai kẻ đó rồi”.
Tiểu Nga nghe xong lập tức tiến lên hành lễ, hỏi ông làm thế nào giải được câu đố. Lý Công Tá nói: “Hung thủ giết cha cô tên là Thân Lan, vì chữ “車 – Xa” trong “xa trung hầu”, lược bỏ đi hai nét ngang trên dưới sẽ được chữ “申 -Thân”. “Môn đông thảo”, nghĩa là bên dưới bộ “草 – Thảo” đầu có một từ “門 – Môn”, bên trong chữ “門 – Môn” lại thêm một chữ “東 – Đông” nên sẽ đọc là “蘭 – Lan” (Lúc đó chữ phồn thể là “添 – Thiêm).
Hung thủ giết chồng của cô cũng họ Thân. Cô xem “Điền trung tẩu”, chữ “田 – Điền” nối từ hai đầu trên dưới đến giữa rồi xuyên ra ngoài đọc là “申 – Thân”, “nhất nhật phu” nghĩa là chữ “夫 – Phu” thêm chữ “一 – Nhất”, bên dưới thêm từ “日 – Nhật” đọc là “春 – Xuân”. Vì vậy không còn nghi ngờ gì nữa hai tên hung thủ tên là “Thân Thiêm, Thân Xuân”.
Tiểu Nga thấy Lý quan nhân giải thích hợp tình hợp lý, nghìn ân vạn tạ vị ân công. Sau đó lập tức ghi tên hai kẻ thù vào vạt áo, thề báo thù rửa hận. Sau khi nàng cáo từ quay trở về am, liền đóng giả làm nam tử, đổi tên thành Tạ Bảo, cáo từ sư phụ quyết tâm đi tìm kẻ thù. Có lúc nàng đến các bến tàu để dò la tung tích của kẻ thù, có lúc lại đi làm nô bộc trên các con tàu ngược xuôi để nghe ngóng.
Hơn một năm sau, vẫn biệt vô âm tín. Một hôm nàng xuôi theo tàu buôn đến quận Tầm Dương, trên đường thấy một tấm bảng tuyển nô bộc, bên trên viết “Người nhà đại quan họ Thân tuyển một nam đầy tớ, hi vọng mọi người đến ứng tuyển”. Tiểu Nga vui mừng ra mặt, quyết tâm ứng tuyển để thăm dò thực hư.
Thân Thiêm thấy Tạ Bảo vô cùng hài lòng, liền giữ lại để dùng. Từ đó về sau, Tạ Bảo chăm chỉ nỗ lực, chịu nhục chịu khổ, dần dần lấy được lòng tin của Thân Thiêm, chưa đầy hai năm hắn đã cho nàng làm quản gia. Tiền bạc châu báu trong nhà chi tiêu ra sao đều do nàng quyết định, nàng nhân cơ hội này kết giao với một số nhân vật chính nghĩa ở bên ngoài.
Trong một lần tình cờ, nàng thấy tài sản của gia đình năm đó bị cướp ở trên thuyền, điều này càng chứng minh Thân Thiềm là hung thủ giết cha nàng. Một hôm, có một người tự xưng là nhị đệ của Thân Thiêm dẫn theo mười mấy người đến thăm, trong bữa tiệc rượu, mỗi người đều phải báo danh khi lễ bái trước tượng Thần Tài, Tạ Bảo đều nhớ kĩ từng tên một.
Sau đó, Tạ Bảo dùng mọi cách ra sức niềm nở mời rượu, chuốc cho mọi người say bí tỉ, bất tỉnh nhân sự. Nàng dùng dao chặt đầu của tên Thân Thiêm trước, sau đó ra ngoài tìm mấy người bằng hữu chính nghĩa giúp sức, trói hết đám thổ phỉ lại đi báo Quận thủ Tầm Dương.
Khi Trương Thái thú thăng đường phá án, điều tra ra Thân Xuân và đồng bọn quả nhiên nhiều năm nay chuyên làm hải tặc cướp bóc để sinh sống, và cuối cùng cũng khai năm đó đã phạm tội giết hại, cướp bóc tài sản trên thuyền của nhà Tạ Tiểu Nga. Đám thổ phỉ Thân Xuân bị chém đầu, Tạ Tiểu Nga báo được thù, đồng thời được hoàng đế ban thưởng.
Tạ Tiểu Nga dùng trăm phương ngàn kế tìm người giải câu đố trong giấc mộng lạ, sau đó lại nếm mật nằm gai để bắt được đám đạo tặc trả thù đã trở lưu truyền thành một câu chuyện đẹp.
(Tuyển chọn từ Sơ Khắc phá án kinh kỳ)
Tuệ Tâm, theo Kan NewYork