“Lưỡi dao rỉ máu”: Hành trình thoát khỏi tập đoàn lừa đảo ở TQ của 1 chuyên gia nước ngoài
The Bleeding Edge (Lưỡi dao rỉ máu) có lẽ là bộ phim đáng xem nhất vào thời điểm hiện nay, bởi nó là tác phẩm nghệ thuật xoay quanh thực trạng xã hội “không ai dám đề cập” của đất nước đang tồn tại rất nhiều biến động và là tâm điểm của thế giới: Trung Quốc.
Các tình tiết trong phim dựa trên 1 câu chuyện có thật, và được đẩy nhanh diễn tiến để tạo nên cảm giác chấn động ở người xem.
Đất nước của những điều kinh dị không tưởng
James Branton, chuyên gia phần mềm người Canada, sẽ trở thành “người nước ngoài giàu nhất Trung Quốc” nếu đồng ý thiết lập phần mềm hỗ trợ hệ thống kiểm duyệt và phân luồng thông tin mà chính quyền nước này đang triển khai mang tên “Lá chắn vàng”.
Tuy nhiên, 1 biến cố xảy ra khi James bất tỉnh, rồi anh tỉnh dậy và thấy mình đang trong 1 bệnh viện, hoàn toàn khỏe mạnh. Người ta thông báo rằng anh đã được thay 1 quả tim mới chỉ trong vòng 3 tháng ngắn ngủi.
Sự việc có lẽ chưa có gì nếu James không trò chuyện với bệnh nhân trong đó và biết rằng việc thay nội tạng tại Trung Quốc còn dễ hơn thay “bu-lông, ốc-vít”, “Quả thận này tôi thay là quả thứ 3 rồi, 2 quả trước bị đào thải”.
Chưa hết, nhờ nắm giữ chìa khóa cổng thông tin, James phẫn uất khi phát hiện ra, quả tim hiện đang đập trong lồng ngực của anh thuộc về 1 người đàn ông, người này có vợ tên Chen Jing đang bị bức hại nghiêm trọng trong nhà ngục, và là nạn nhân của 1 tội ác kinh hoàng gây ra bởi những người mà anh đang bắt tay.
Nỗi phẫn uất này đã ám ảnh và buộc James phải lao vào 1 cuộc chiến sinh tử nhằm giải cứu những người vô tội như Chen Jing.
Diễn biến màn đấu trí chạy đua với thời gian giữa James và quan chức tập đoàn công nghệ Cyscom; cùng những cảnh tra tấn, bức hại, cưỡng hiếp đầy kinh hãi mà nữ nghệ sĩ Chen Jing phải chịu đựng, đã cho thấy hình ảnh về 1 đất nước chỉ toàn “xác sống” sinh tồn nhờ “ăn thịt” đồng loại.
Những “xác sống” này sẵn sàng tương tàn lẫn nhau vì quyền lợi, chẳng ngại bán rẻ lương tâm vì đồng tiền. Họ bất chấp câu hỏi của lương tri “Khi sự thật được cả thế giới biết, các anh sẽ trả lời thế nào với con cái của mình?”, để rồi nhẫn tâm đổ bình nước sôi pha thuốc vào cổ họng tù nhân.
Có “xác sống” trên mình khoác chiếc áo blouse trắng, hiện thân của “từ mẫu”, đã bỏ mặc lời nhắn “chúc mẹ sinh nhật vui vẻ” trên mặt dây chuyền của Chen Jing, để cứa lưỡi dao oan nghiệt lên ngực cô, khiến máu tung tóe, lồng ngực mở toang và lấy đi trái tim vẫn còn đang đập.
Phân cảnh ấy trở thành 1 nỗi ám ảnh khắc trong trí óc mà mỗi khi nghĩ lại đều không khỏi rùng mình. Không ai có thể hình dung được trên đời này có 1 việc như thế diễn ra, nếu như người ta không nghe thấy lời thú nhận của nhân chứng chứng kiến và thuật lại chuyện này ở cuối phim, “Tôi thấy miệng cô ấy há to, 2 mắt trợn trừng”.
James Branton – 1 anh chàng Tây phương may mắn
James đã may mắn không phải bởi vì anh thoát khỏi được nanh vuốt trả thù từ chính quyền, hay tránh được cái thảm cảnh phải kề súng vào ngực để tự sát; mà anh may mắn vì vẫn còn giữ được lương tâm và sự hào hiệp chảy trong máu người phương Tây, vốn không bị làm biến dị bởi sự giáo dục và tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc.
James quá may mắn khi anh không bị biến thành những người vô tri như các bệnh nhân anh trò chuyện trong bệnh viện. Những người này không hề biết rằng mình đang gián tiếp tiếp tay cho 1 tội ác mà chính quyền hậu thuẫn. Họ hồn nhiên và chẳng mảy may đặt ra câu hỏi về nguồn nội tạng cấy trong cơ thể, vốn là thứ phải trả giá bằng mạng sống con người và chỉ có sau 1 cuộc gọi đặt hàng. Sẽ là bất hạnh nếu người bệnh vốn đã không may khi thân mang bệnh tật, giờ lại chuốc thêm oán nghiệt từ nguồn nội tạng bất minh.
Và James còn rất may mắn khi thoát khỏi cú lừa ngoạn mục bởi những âm mưu thâm hiểm mà “đồng sự” của anh sắp đặt.
Chen Jing – Nữ nghệ sĩ xinh đẹp nhưng “ngốc nghếch”
Khi xem phim, khán giả sẽ luôn đặt cho mình câu hỏi, “Cái cô Chen Jing này sao mà ngốc thế, chỉ cần kí vào 1 tờ giấy cam kết ‘từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công’ là được trả tự do về với gia đình, lì lợm thế không biết để làm gì”.
Câu trả lời thể hiện rõ ràng trên khuôn mặt của Chen Jing, dẫu trong bức hại tàn khốc nhưng khuôn mặt ấy không hề có dấu hiệu của thù hận. Thậm chí cai ngục cũng hỏi cô: “Cô hận chúng tôi lắm phải không”. Chen Jing khẳng khái “Không!”.
Câu trả lời nằm ở hành động nhường chăn cho tù nhân của cô, và nằm ở những giọt nước mắt của bạn tù khi cô rời khỏi đó, cùng lời nhắn của 1 nữ phạm nhân “khi nào tôi ra tù, cô hướng dẫn tôi tập Pháp Luân Công nhé!”.
Và hơn hết là sự tương phản của Chen Jing với những người bức hại cô, Chen Jing luôn ngẩng cao đầu trong khi những kẻ bức hại cô chỉ biết cúi đầu. Ngoài nỗi nhớ thương con, trên vẻ mặt Chen Jing luôn là sự thanh thản, bởi cô biết rằng mình đã không phản bội lương tâm của chính mình. Còn những người ra lệnh bức hại cô, họ luôn sống trong sợ hãi và lo lắng, sợ bị quả báo, sợ đối diện với lương tâm, sợ bị hãm hại, lo bị mất việc, lo bị tước quyền, lo bị phản bội, … Một cuộc sống bị tra tấn về tinh thần.
Không may, Chen Jing cuối cùng đã phải chết dưới “Lưỡi dao rỉ máu”; dù rằng những người của tập đoàn gián tiếp bức hại cô đã chết dưới họng súng “đồng sự”.
Cuối phim, 1 cuộc gọi đặt hàng vẫn được thực hiện, tội ác vẫn chưa kết thúc, nhưng ngọn lửa hy vọng vẫn chưa tắt nếu còn có những người như James Branton …
***
Phim có sự tham gia của Hoa hậu Anastasia Lin, cô hoa hậu gây tiếng vang lớn khi bị Trung Quốc cấm tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2015 vì các hoạt động nhân quyền. Diễn xuất của cô khi hóa thân thành Chen Jing có thể nói là khá xuất sắc và trưởng thành hơn rất nhiều so với các bộ phim cô tham gia trước đây.
Song song đó, diễn xuất của Jay Clift trong vai nam chính cũng đã khắc họa rõ nét trạng thái tâm lý của 1 người phương Tây bị Trung Quốc lôi vào tròng tội lỗi, truyền đi thông điệp rằng làm ăn với Trung Quốc là chơi với con dao 2 lưỡi, món lợi lớn nhưng chính là dùng tính mạng và danh dự để đánh đổi.
Với thời lượng có hạn, chi phí có lẽ là không quá nhiều cho một bộ phim khai thác đề tài “khó nuốt” và khiến nhiều người phải dè chừng, the Bleeding Edge chưa đi sâu khai thác về hoạt động an ninh mạng của chính quyền Trung Quốc. Thực tế, đây là hoạt động có sự tham gia của rất nhiều tập đoàn đa quốc gia, và là câu chuyện thú vị về vấn đề ngoại giao các nước.
Về mặt diễn xuất, các tuyến nhân vật phản diện chưa thật sự nổi bật. Tuy nhiên, nhược điểm này đã được bù đắp bằng các cảnh quay về hoạt động tra tấn và bức hại rùng mình kinh hãi tựa như phim kinh dị.
Nhìn chung, “Lưỡi dao rỉ máu” với thời lượng hơn 1 giờ đồng hồ là bộ phim phản ánh 1 thực trạng tàn ác mà chính quyền Trung Quốc đang dùng mọi cách để che giấu và bịt miệng dư luận. Nếu muốn hiểu rõ hơn về phương thức và thủ đoạn mà chính quyền nước này đang thực thi để khống chế người dân nước họ thì “Lưỡi dao rỉ máu” là bộ phim bạn nên xem.
TH