Trung Quốc: Làm mất mặt thành phố, giáo viên lên TV thú tội vì “đi xe đạp trên vỉa hè”
Buộc “đối tượng bị nhắm đến” phải thú tội trên truyền hình là một đặc điểm chính trong “pháp quyền” của ĐCSTQ. Cách làm này được cho là “kế thừa” theo tục lệ “diễu hành thị chúng” từ thời Cách mạng Văn hóa. Gần đây, nó lại tiếp tục được mở rộng. Một nữ giáo viên đã bị giới quan chức ở Phúc Tuyền, tỉnh Quý Châu buộc phải xin lỗi trên TV chỉ vì cô dám cả gan “đi xe đạp trên vỉa hè”.
Theo tin tức tổng hợp trên các phương tiện truyền thông, ĐCSTQ đang phát động cái gọi là phong trào bình chọn “Thành phố văn minh quốc gia”. Đây là cơ hội tốt để các quan chức địa phương “săn lùng” thành tích chính trị.
Kể từ ngày 5/6, thành phố Phúc Tuyền đã tổ chức “Hội nghị vận động xây dựng đô thị văn minh, đô thị vệ sinh quốc gia năm 2020”. Nhưng cuối cùng thành phố không lọt vào danh sách đô thị văn minh cấp quốc gia.
Vì lý do này, Văn phòng Văn minh Thành phố Phúc Tuyền của ĐCSTQ đã thông báo rằng, họ sẽ phát động chiến dịch “Phơi bày những hành vi thiếu văn minh trước công chúng”, và chiến dịch đã bắt đầu từ tháng 10.
Kết quả ngày 17/11, một nữ giáo viên họ Nhiếp của trường trung học Phúc Tuyền, thành phố Phúc Tuyền đã xuất hiện trên đài truyền hình địa phương để “gửi lời xin lỗi” tới người dân thành phố, cụ thể sự việc được tường thuật lại như sau:
Ngày 9/11, cô ấy đã đi xe đạp trên vỉa hè tại cột đèn giao thông của chính quyền thành phố Phúc Tuyền. Cô trịnh trọng khi nói trên TV rằng: “Hành vi của tôi đã vi phạm nghiêm trọng quy định của ‘Luật ATGT’. Đây là một hành vi thiếu văn minh, và tôi đã nhận ra lỗi lầm của mình một cách sâu sắc”.
Không những thế, Trương Quang Khuê – Phó hiệu trưởng điều hành của trường trung học Phúc Tuyền cũng bày tỏ trên các phương tiện truyền thông địa phương rằng, ông “cảm thấy rất xấu hổ”, đồng thời nói rằng trường trung học Phúc Tuyền đã nhận ra “lỗ hổng và thiếu sót trong công cuộc kiến tạo nền văn minh”,…
Luật An toàn giao thông đường bộ của Trung Quốc quy định: Xe không động cơ (xe đạp) không được đi trên vỉa hè, nếu muốn đi trên vỉa hè thì chỉ được dắt đi. Đối với những vi phạm nhỏ như vậy, hiện nay chỉ có thành phố Thượng Hải mới đưa ra mức phạt 50 NDT (Nhân dân tệ).
Nhiều ý kiến cho rằng, thành phố Phúc Tuyền đã không thông báo công khai các tiêu chuẩn phạt liên quan. Nữ giáo viên họ Nhiếp và Phó hiệu trưởng của trường rõ ràng là bị “ép buộc” phải xin lỗi công khai trên truyền hình về việc này, là do chính quyền “chuyện bé xé ra to”, hay do giới chức sắc địa phương vì để “tuột mất” thành tích chính trị nên xấu hổ mà tức giận?
Trên mạng xã hội trong nước, cư dân mạng chỉ trích các quan chức Phúc Tuyền “không coi người dân là con người”, “không được tăng thêm thành tích chính trị mà trút giận với quần chúng”, “thiếu văn minh nhất chính là chính quyền địa phương ngu ngốc này”. Đồng thời, họ còn chất vấn tại sao nhiều “quan to” vi phạm pháp luật, kỷ cương mà không hề thấy xin người dân dù chỉ 1 tiếng.
Cư dân mạng Trung Quốc dưới sự giám sát chặt chẽ của ban quản lý mạng, được phép chỉ trích “lời xin lỗi trên TV” của thành phố Phúc Tuyền. Nhưng họ không thể bình luận về lời thú tội trên truyền hình lâu nay, do cấp cao nhất của ĐCSTQ khởi xướng.
Vài năm qua, các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã liên tục phát sóng các video “thú tội”. Những người bị buộc phải trình diện bao gồm nhiều đối tượng, nhiều giai tầng khác nhau:
- Lâm Dung Cơ: Chủ hiệu sách Causeway Bay Books trong sự kiện sách cấm ở Hồng Kông.
- Cao Du: Cựu phóng viên truyền thông chính thức của ĐCSTQ là Cao Du.
- Luật sư Vương Vũ,… thậm chí còn có cả những công dân nước ngoài ở Trung Quốc.
Đằng Bưu – một cựu luật sư Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ từng nói với báo chí nước ngoài rằng, “Thú tội trên truyền hình” vi phạm nguyên tắc “suy đoán vô tội” (presumption of innocence), được quy định trong Luật Hình sự Trung Quốc trước đó.
Trước khi tòa án nhận định, phải giả định rằng nghi phạm vô tội, hơn nữa hầu hết những người “nhận tội” đều bị dùng hình tra tấn để “ép cung”. Có người sau khi bị tra tấn không thể chịu đựng được, có người là người nhà bị bắt giữ, có người bị chính quyền đe dọa tuyên án nặng.
“Thú tội trên TV là để những người này ăn năn, nhận tội trước phiên tòa, điều này có nghĩa là vụ án đã được kết án. Hơn nữa, từ góc độ chủ động nhận tội của đương sự, lại không có bất kỳ chứng cứ hay bằng chứng nào khác, đây chính là điểm vi phạm pháp luật rõ ràng nhất”, luật sư Đằng nói.
Ông nói thêm, “thú tội trên truyền hình” là một đặc điểm trong tuyên bố của ĐCSTQ về một đất nước dưới pháp quyền. Nguồn gốc của nó bắt nguồn từ việc diễu hành thị chúng trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, thông qua việc công khai sỉ nhục, để nhận định đương sự là thuộc “hắc ngũ loại” (năm phần tử xấu) hay “phản cách mạng”…
Việt Anh
Theo soundofhope.org