Luật sư nhân quyền nổi tiếng: Vatican đang thỏa thuận với ma quỷ
Gần đây, Giáo hoàng Francis của Vatican đã đồng ý sẽ ký kết thỏa thuận bổ nhiệm Giám mục với chính quyền Trung Quốc. Trước thông tin này, một luật sư nhân quyền nổi tiếng đã lên án hành động của Vatican là phản bội đức tin trong bài viết: “Vatican đang thỏa thuận với ma quỷ”.
Vatican dưới thời Giáo hoàng Francis và Trung Quốc sắp đạt được thỏa thuận lịch sử về việc nối lại quan hệ ngoại giao, bởi vì Vatican đã chấp nhận yêu cầu của chính quyền Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục tại nước này. Theo một nguồn tin từ Vatican, thỏa thuận có thể được ký kết trong vòng vài tháng tới.
Động thái này được xem là một sự đảo ngược đáng kinh ngạc về lập trường kéo dài hàng mấy thập niên qua của Vatican đối với việc bổ nhiệm giám mục. Nó cũng tạo nên nhiều chỉ trích trong dư luận về sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Francis. Các nhà phê bình chỉ ra rằng việc từ bỏ quyền bổ nhiệm giám mục sẽ chính thức tước đi sự lãnh đạo tinh thần còn lại của Vatican đối với người Công giáo Trung Quốc. Các nhà phê bình cũng cho rằng đây là một sự phản bội đối với người Công Giáo trong các nhà thờ ngầm ở Trung Quốc, những người vẫn bị chính quyền nước này bức hại nặng nề thời gian qua.
Một trong số những người chỉ trích thỏa thuận này là Trần Quang Thành (Chen Guangcheng), một luật sư nhân quyền bị mù nổi tiếng người Trung Quốc. Ông đã thu hút sự chú ý của quốc tế vào năm 2012 khi trốn khỏi sự giam giữ của nhà nước và chạy đến Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh. Ông Trần đang sống ở Hoa Kỳ và vẫn tiếp tục ủng hộ quyền công dân, cũng như lên án việc bức hại nhân quyền của chính quyền Trung Quốc.
“Thỏa thuận của Vatican cũng giống như bán nhà của Thượng Đế cho ma quỷ”, ông Trần phát biểu vào ngày 20/2.
Ông Trần nói rằng, Vatican dưới thời Giáo hoàng Francis đã ngây thơ bán mình cho chính quyền Trung Quốc, đó là một thỏa thuận mà chỉ ĐCSTQ mới có lợi.
“Chẳng lẽ Vatican không biết ở Trung Quốc, mọi thứ đều phải chấp nhận ý muốn của ĐCSTQ hay sao? Tại sao Vatican phải cắt đứt mối quan hệ với Trung Quốc vào năm 1951? Đó chính là vì ĐCSTQ cứ nhất định muốn kiểm soát mọi thứ, bao gồm cả Thiên Chúa”.
Vatican và Trung Quốc đã không có quan hệ ngoại giao kể từ năm 1951, vì ĐCSTQ từ khi bắt đầu cai trị đã khăng khăng muốn tự chỉ định tất cả giám mục của Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc, để có thể duy trì sự kiểm soát đối với các nhà thờ.
Trung Quốc đã tự lập ra Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CPCA) do chính quyền kiểm soát để đại diện cho người Công giáo ở nước này. Tuy nhiên, Vatican dưới thời tất cả các giáo hoàng trước đây đều bác bỏ sự sắp đặt đó và từ chối công nhận các giám mục do CPCA đơn phương bổ nhiệm.
Ông Trần cũng nhắc đến một cuộc tranh cãi gần đây về những nhận xét ca ngợi chính quyền Trung Quốc của một viên chức cấp cao của Vatican. Trong một cuộc phỏng vấn, Tổng Giám mục Marcelo Sánchez Sorondo, người đứng đầu Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học Xã hội ở Vatican, nói rằng chính quyền Trung Quốc ngày nay có lẽ đang thực hiện tốt nhất các giáo huấn của Giáo hội về những vấn đề xã hội.
Ông Trần hỏi: “Họ giả vờ ngây thơ hay ngây thơ thật vậy? Họ thực sự đang cố gắng dẫn dắt Giáo hội Công giáo, gồm một tỷ tín đồ, thực hiện thỏa thuận với ĐCSTQ vô thần sao?”
Ông Trần cũng chỉ ra rằng Tổng Giám mục Sorondo, một người rất ủng hộ thỏa thuận giữa Giáo hoàng Francis với chính phủ Trung Quốc, đã tham dự một hội nghị buôn bán nội tạng ở Bắc Kinh vào tháng 8/2017, và đưa ra các nhận xét gây tranh cãi ca ngợi chính quyền Trung Quốc, cũng như chính sách hiến tạng của nước này. Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc đang bị nhiều nước trên thế giới lên án vì tội ác mổ cướp nội tạng, đặc biệt là của học viên Pháp Luân Công cùng các nhóm tù nhân lương tâm khác.
Ông Trần nói rằng: “Bằng cách thỏa thuận với ma quỷ là Đảng Cộng sản Trung Quốc, Vatican sẽ chỉ tự hạ nhục chính mình và làm nhơ nhuốc nhà thờ của Chúa mà họ đại diện”.
Hồng Liên, theo Epoch Times