Lợi bất cập hại của việc cập nhật hệ điều hành trên Smartphone
Khi một phiên bản cập nhật hệ điều hành ra mắt với nhiều cải tiến và tính năng mới, các tín đồ công nghệ thường sẽ háo hức cập nhật vì mong muốn được trải nghiệm. Tuy nhiên, thay vì có được cảm giác hứng thú, người dùng có thể sẽ nhận lấy không ít khó chịu.
Nghịch lý không đáng có
Đây là hậu quả đáng buồn mà người dùng công nghệ đang phải gánh chịu. Bởi rất nhiều bản cập nhật hệ điều hành hiện nay đều không được hãng sản xuất kiểm tra kỹ càng trước khi tung ra và gây phản tác dụng với vô số lỗi xuất hiện.
Những lỗi này là thiên biến vạn hóa ở đủ mọi hình thức và mức độ khác nhau, chúng có thể đến từ việc tính năng mới chưa hoạt động tốt, chức năng cũ bỗng nhiên hoạt động không bình thường. Chẳng nói đâu xa, khi iOS 8 được phát hành không lâu, các iFans đã ghi nhận hàng loạt lỗi như Wi-Fi chậm, nhanh nóng máy, giật, đơ… Ở bên kia chiến tuyến của iOS, đối thủ Android 5.0 cũng chẳng khá hơn: Hẳn những ai sớm trải nghiệm Lollipop cũng đã không tránh khỏi bực mình khi thấy điện thoại của mình hao pin hơn, lỗi khó đóng ứng dụng đa nhiệm…
Với những lỗi nhẹ thì chỉ cần vài mẹo nhỏ là có thể khắc phục nhưng nếu không khắc phục được và lỗi gây ảnh hưởng quá lớn, người dùng buộc phải quay lại sử dụng phiên bản cũ. Nhưng oái oăm thay, việc quay trở lại phiên bản cũ đôi khi trở thành nhiệm vụ bất khả thi vì không phải nhà sản xuất nào cũng cho phép làm điều đó mà Apple với iOS là ví dụ quá điển hình.
Khi đó, người dùng không còn cách nào khác là phải “sống chung với lũ” cho đến khi một bản cập nhật khác được phát hành với nhiệm vụ sửa lỗi. Khoảng thời gian “cực hình” này nhanh hay chậm lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có mức độ ảnh hưởng của lỗi và cực chẳng đã có những lỗi phải tới tận vài bản cập nhật mới được khắc phục hoàn toàn.
Tất nhiên, để xảy ra lỗi cho người dùng là điều mà không nhà sản xuất nào muốn nhưng trong bối cảnh làng di động cạnh tranh ngày càng gay gắt, họ cần phải làm gì đó để giữ chân người dùng trung thành.
Một trong những giải pháp khả dĩ là tung ra hàng loạt tính năng mới nhất, sớm nhất không chỉ vì lòng tự tôn không muốn mình thua kém đối thủ mà còn để thỏa mãn các “thượng đế” và khiến họ tiếp tục ủng hộ mình. Đáng buồn là thay vì đạt được mục đích thì sự ganh đua trên đã và đang gây ra những hậu quả không đáng có mà người dùng phải hứng chịu.
Người dùng nên làm gì?
Trước thực trạng này, lời khuyên cho người dùng là hãy bình tĩnh và giữ được “cái đầu lạnh” trước sự hấp dẫn, hào nhoáng của các bản cập nhật. Tốt nhất hãy tự mình đánh giá, liệu các cải tiến mới có thực sự đáng giá để cập nhật hay không. Nếu không hãy biết bằng lòng với những gì mà mình đang có. Trong trường hợp câu trả lời của bạn là có thì hãy tham khảo các “review” của những người đi trước để có quyết định đúng đắn cho mình.
Theo Genk