Loài động vật ở sâu nhất trong lòng đất
Các nhà khoa học vừa phát hiện loài động vật địa cư ở độ sâu cực đại, đó là một loài chân đốt sống 2 km dưới mặt đất, thuộc nước Abkhazia, gần Biển Đen. Nhà của loài vật này chính là hang Krubera-Voronja, sâu nhất thế giới, cực đáy sâu 2.191 mét.
Theo Newscientis, loài chân đốt có tên P. ortobalaganensis được tìm thấy ở độ sâu 1980 mét cách mặt đất, ăn nấm và các vật chất phân hủy khác. Các nhà khoa học đã dùng bơ làm mồi nhử để bắt được nó. Họ cũng tìm thấy ba loài động vật mới khác dưới hang là A. stereoodorata, D. kruberaensis và S. profundissima. Tất cả bốn loài động vật này đều thuộc họ bọ đuôi bật, một họ côn trùng nhỏ không cánh nguyên thủy. Sống hoàn toàn trong bóng tối, chúng đều không có mắt. Tuy vậy loài stereoodorata được bù một cơ quan thụ cảm hóa học chuyên biệt cao, giúp cảm nhận cảm giác cực kỳ tốt. Các loài mới này được phát hiện bởi hai nhà sinh vật học là Ana Sofia Reboleira thuộc Đại học Aveiro, Bồ Đào Nha và Alberto Sendra thuộc Viện lịch sử tự nhiên Valecian, Tây Ban Nha. Họ đã phát hiện ra chúng khi đang khảo sát hang Krubera-Voronja năm 2010 theo lịch trình của một đoàn thám hiểm Nga, đoàn thám hiểm CaveX. “Chúng tôi đã tiến hành thám hiểm hang được hơn 10 năm, một công việc gian nan và nguy hiểm trong một vùng hẻo lánh sâu trong rừng. Chúng tôi phải tự mang tất cả mọi thiết bị vào rừng và xuống hang, hơn 2km dây thừng và 800 cái móc hang. Không máy móc, chỉ lao động bằng chân tay, không nước ngọt, chỉ có tuyết tan chảy, nhiệt độ nhiệt độ bên trong hang chỉ luôn ở mức từ 0,5 đến 5oC và thức ăn phải dè sẻn”, nhà nghiên cứu Sofia Reboleira kể lại trên Discovery. Cho đến nay, loài động vật sinh sống sâu nhất dưới lòng đất được phát hiện là một loài bọ cạp và một loài côn trùng có tên cá bạc silverfish, sống ở 920 mét dưới mặt đất trong một hang động Mexico. Khám phá mới về loài vật sống trong lòng đất, hoàn toàn trong bóng tối giúp chúng ta hiểu thêm về những nơi ở khắc nghiệt nhất mà sinh vật có thể tồn tại. Đinh Đồng |
Theo VietnamNet