Loài cây làm nên tên gọi của xứ đảo Hong Kong đang bên bờ tuyệt chủng
Theo tiếng Quảng Đông, “hong” nghĩa là hương thơm, “kong” là cảng biển, vì vậy Hong Kong còn được gọi là xứ “Cảng Thơm”. Chính ngành kinh doanh trầm huơng từ xưa đã tạo nên tên gọi cho thành phố này. Tuy nhiên ngày nay, loại cây này đang đứng bên bờ tuyệt chủng.
Tinh dầu bắt nguồn từ gỗ trầm hương là một thành phần cốt yếu trong các loại nước hoa sang trọng và hương nhang chất lượng cao. Nhang được sử dụng rộng rãi trên khắp châu Á và thường được đốt trên bàn thờ mỗi nhà hoặc trong các chùa, đền thờ.
Mùi thơm độc đáo đó là kết quả của một loại nấm mốc gây bệnh trên cây dó trầm (hay dó bầu, trầm gió, tên khoa học là Aquilaria), làm gỗ bị tối màu. Loại gỗ bị biến đổi sau đó được gọi là trầm hương.
Theo Joey Yuen, quản lý của công ty trầm hương & nhang Wing Lee, trầm hương được hình thành khi cây bị tổn thương, ví dụ bị côn trùng tấn công, sét đánh, hoặc bị nhiễm khuẩn. Cây sẽ tạo ra một số chất để hàn gắn vết thương, một loại nhựa sẽ xuất hiện chỗ bị thương, và đó chính là trầm hương.
Do nhu cầu về trầm hương ở Đông Á tăng cao nên giá trầm hương cũng tăng lên nhanh chóng. Cân (Catty) là một đơn vị truyền thống ở Hong Kong dùng để đo trầm hương. 1 cân (khoảng 600 gr) nhang chất lượng cao có thể mang lại hàng ngàn USD.
Loại nhựa bắt nguồn từ cây gỗ này quý giá đến nỗi còn được gọi là “dịch vàng” và có thể bán với giá lên tới 300.000 HKD (khoảng 38.414 USD). Điều này khiến cho trầm hương trở thành mục tiêu của nạn săn trộm.
Thật không may, chỉ một lượng nhỏ cây dó trầm (khoảng 10%) có thể bị nhiễm khuẩn và tạo ra trầm hương, khiến cho nó trở nên rất khan hiếm.
Theo ông Chi Yung Jim, Giáo sư Địa lý thuộc Đại học Hong Kong, những người săn trầm hương thường vào rừng và chặt cây dó trầm một cách bừa bãi. Kết quả là, số lượng loài cây có khả năng tạo ra trầm hương này đang suy giảm nghiêm trọng. Trên thực tế, theo các chuyên gia, cây gần như sắp tuyệt chủng.
May mắn thay, Ho Pui-han, Giám đốc điều hành Hiệp hội Bảo tồn Sinh thái và Văn hoá Aquilaria Sinensis, đang cố gắng bảo vệ và trồng lại loài cây gần như tuyệt chủng này.
Theo Ho Pui-han, loài cây này như một điều gì đó thiêng liêng đối với dân làng nơi đây. “Rễ cây mạnh mẽ khiến cho nó trở thành biểu tượng của sự bảo tồn văn hóa truyền thống Trung Hoa”, cô nói.
Giờ đây, cây dó trầm đang được trồng trong các vườn ươm với hy vọng cứu được một loài cây quý hiếm và duy trì ngành kinh doanh đáng giá này.
Theo Vision Times