Lĩnh vực kinh tế phi dầu mỏ của Nga có thể vực dậy nhờ lệnh trừng phạt
Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nga sẽ không suy yếu, mà các lệnh trừng phạt còn trở thành phương thuốc dài hạn cho quốc gia này. Số liệu tăng trưởng quý 4/2014 của Nga đã gây bất ngờ và động lực phục hồi của nước này có thể không cần phụ thuộc vào dầu mỏ nữa.
Ngày 1/4, Tổng Cục Thống kê Nga (FSS) cho biết, kinh tế nước này đã tăng trưởng 0,4% trong 3 tháng cuối của năm 2014, cao hơn so với dự đoán không tăng trưởng của các chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng tình trạng này có thể là một “sự vùng vẫy trước khi chết”.
Cuối năm 2014, khi đồng Rúp mất giá và giá dầu đi xuống, người dân Nga đã tăng cường tích trữ hàng điện tử nhập khẩu và mua xe đắt tiền nhưng không phải để dùng mà đầu cơ với hy vọng giá hàng hóa sẽ tăng trở lại.
Chuyên gia kinh tế trưởng Birgit Hansl của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, một lý do nữa khiến Nga tăng trưởng bất chấp tình hình khó khăn là do chính phủ cùng ngân hàng trung ương đã phản ứng nhanh chóng và thành công trong ổn định nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong bản báo cáo kinh tế mới đây của chuyên gia Hansl, triển vọng tăng trưởng kinh tế Nga tiếp tục bị hạ thấp. Kịch bản cơ sở cho quốc gia này là kinh tế suy giảm 3,8% trong năm 2015 và giảm 0,3% trong năm 2016. Các chuyên gia tin rằng, kinh tế Nga vẫn chưa hoàn toàn “thấm đòn” từ việc giá dầu giảm. Bên cạnh đó, họ dự đoán rằng thu nhập và chi tiêu của người dân sẽ bị giảm do lạm phát cao (bình quân 16,5% trong năm nay) cùng với sự suy giảm của tín dụng tiêu dùng.
Theo WB, nhu cầu đầu tư tại Nga cũng sẽ giảm mạnh, nhưng đồng Rúp yếu sẽ hỗ trợ tài chính cho việc mở rộng với quy mô nhỏ tại một số ngành có lãi.
Ngược lại, một số chuyên gia lại đánh giá cao về khả năng phát triển lĩnh vực kinh tế phi dầu mỏ của Nga. Chuyên gia kinh tế trưởng Ivan Tchakarov của Citigroup tại Moscow nói rằng, quốc gia này có thể phục hồi dần dần chứ không thể nhanh như thời kỳ sau năm 1998.
Chuyên gia Tchakarov nói rằng, quốc gia này có đủ nguồn lực về thiết bị sản xuất cũng như nhân lực để bắt đầu bù đắp khoảng trống trên thị trường tiêu dùng do hàng nhập khẩu để lại. Trước đây, sự suy giảm trong lĩnh vực tự sản xuất của Nga đã từng khiến năng suất lao động giảm xuống:
Nguyên nhân duy nhất khiến ông Tchakarov cho rằng, tăng trưởng kinh tế Nga sẽ không được nhanh như năm 1998 là giá dầu thấp. Tình hình giá dầu sẽ giới hạn việc khôi phục và tăng trưởng của kinh tế Nga trong năm tới.
Cả những chuyên gia với dự đoán tiêu cực như Hansl hay tích cực như Tchakarov đều có những lý lẽ riêng khi đánh giá những yếu tố thị trường.
Cho dù thế nào đi nữa, Nga là một quốc gia có thị trường nội địa lớn và mới chỉ bị suy giảm xuất khẩu mới đây. Tình hình này trước đây từng xảy ra vào cuối thập niên 90, khi đó các công ty Nga gặp nhiều khó khăn hơn do còn non trẻ và thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp nước này dù chịu nhiều áp lực nhưng đã có kinh nghiệm và nhiều nguồn lực hơn. Nguồn vốn hàng trăm tỷ USD rút ra khỏi thị trường Nga có thể được đầu tư trở lại. Hơn nữa, lãi suất hiện nay của Nga hấp dẫn hơn nhiều so với Châu Âu, Châu Á và Mỹ.
Theo NDH