“Liêu trai chí dị”: Câu chuyện chuyển sinh đầy huyền bí của tác giả Bồ Tùng Linh
Chỉ một bộ “Liêu trai chí dị” cũng đủ để Bồ Tùng Linh vang danh khắp thiên hạ. Dưới ngòi bút quái kiệt của mình, câu chuyện chuyển thế về chính bản thân “liêu trai tiên sinh” như lại càng thêm sắc thái huyền ảo.
Bồ Tùng Linh, tự là Lưu Tiên, hiệu là Liễu Tuyền, sinh năm 1640, mất năm 1715. Trong “Liêu trai tự chí” là lời tựa của “Liêu trai chí dị”, tác giả đã kể lại một câu chuyện kỳ lạ của chính mình.
Nguyên văn viết: “Tùng huyền hồ thì, tiên đại nhân mộng nhất bệnh tích cù đàm, thiên đản nhập thất, dược cao như tiễn, viên niêm nhũ tế, ngụ nhi tùng sinh, quả phù mặc chí”.
Đoạn văn này có ý tứ là: Lúc Bồ Tùng Linh xuất sinh, cha của ông đã có một giấc mộng, nhìn thấy một tăng nhân gầy gò, vai phải để hở tiến vào trong phòng, dán miếng thuốc dán cỡ đồng tiền vào ngực phải của ông. Cha của ông bừng tỉnh, lúc này Bồ Tùng Linh vừa mới chào đời, tại ngực bên phải của ông quả nhiên có một nốt ruồi.
Cha của Bồ Tùng Linh cho rằng con trai của mình chính là vị tăng khổ hạnh chuyển thế, liền lấy tên chữ cho ông là “Lưu Tiên”. Bồ Tùng Linh thở dài: “Đó là kiếp trước của ta chăng?“. Câu chuyện chỉ nói nửa vời đến đây, kiếp trước là tăng nhân, vậy kiếp sau sẽ là ai?
So với câu chuyện kiếp trước của Bồ Tùng Linh, thì câu chuyện Bồ Tùng Linh chuyển sinh thành nhà văn Từ Côn còn được lưu truyền rộng rãi hơn. Từ Côn có viết vài tác phẩm như “Liễu nhai ngoại biên”, “Vũ hoa thai truyền kỳ”, “Liễu nhai thi sao”. Bên trong “Liễu nhai ngoại biên” có lời tựa của hai người là Vương Hữu Lượng và Lý Kim Chi, đều gọi Từ Côn là “Bồ Lưu Tiên chuyển sinh”. Bên trong hai lời tựa này đều có kể lại một câu chuyện thần kỳ.
Ngay sau khi Bồ Tùng Linh qua đời được một năm, ở Kim gia trang bên ngoài thành phố Tế Nam cách Bồ gia trang khoảng một trăm dặm, có một thương nhân tên là Từ Kính Hiên ở thành phố Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây, trong nhà sinh được một đứa con.
Đứa bé này lúc được một tuổi thì xảy ra một chuyện kỳ lạ. Vào ngày vừa tròn một tuổi, hôm đó trời mưa, Từ gia tổ chức tiệc thôi nôi cho con. Lúc đang đứng ở cửa lớn bên ngoài để đón khách thì Từ Kính Hiên chợt thấy trên đường có một thư sinh trẻ tuổi đội mưa đi đến, liền sinh lòng trắc ẩn, mời vị thư sinh này vào nhà để tránh mưa.
Thư sinh thấy trong nhà có bày lễ tiệc thì hỏi cớ gì? Từ Kính Hiên đáp: “Đây là tiệc thôi nôi cho con của ta“, rồi bế con ra để cho thư sinh xem. Đứa trẻ vốn đang khóc mãi không ngừng, nhưng chỉ vừa nhìn thấy thư sinh thì liền nhoẻn miệng cười.
Thư sinh vội hỏi: “Xin hỏi trang này có tên là gì“? Từ Kính Hiên đáp: “Nơi đây gọi là Kim gia trang“. Thư sinh bật khóc vui mừng: “Thật sao, đúng vậy sao, con của ngài chính là sư phụ của tôi chuyển thế rồi!”. Từ Kính Hiên mới hỏi duyên cớ làm sao, thư sinh liền kể:
“Thầy của tôi là Bồ Lưu Tiên (chính là nói Bồ Tùng Linh), một năm trước đây qua đời, trước khi lâm chung có lưu lại một câu: ‘Lại đến hồng trần là Kim hương’, tôi đi hỏi thăm mãi cũng không tìm được, không ngờ hôm nay ở đây lại gặp được”. Từ Kính Hiên lúc này mới bừng tỉnh, chợt nhớ đến một giấc mộng thần kỳ trước đây.
Từ Kính Hiên buôn bán nhiều năm, cũng gây dựng nên được gia nghiệp, nhưng tiếc là không có con. Năm ngoái ông đi đến núi Nga Mi để cầu con, thì ngẫu nhiên có một giấc mơ, trong mơ đi đến một nơi, không biết là cảnh giới gì, chỉ thấy có liễu rủ suối xanh.
Ông gặp một lão nho sinh đi tới, tay cầm quạt hương bồ, chỉ cười mà không nói gì. Sau khi tỉnh dậy ngồi suy tư cả buổi cũng không hiểu ý tứ là gì. Không lâu sau thì phu nhân Lư thị mang thai.
Sau khi Từ Kính Hiên kể hết cho thư sinh nghe những điều trong giấc mộng, thư sinh nói: “Người ngài nhìn thấy chính là Bồ Tùng Linh tiên sinh, sư phụ của tôi”. Hai người còn hiểu ra: Trong mộng nhìn thấy cảnh ‘Liễu rủ ánh thanh Tuyền’ (liễu rủ suối xanh), chính là có ý chỉ “Liễu Tuyền”, tay cầm quạt hương bồ, ý chỉ là ông họ Bồ. Từ Kính Hiên rất vui mừng, liền đặt tên con là Côn, tên chữ là “Hậu Sơn”, hiệu là “Liễu Nhai”.
Câu chuyện kỳ lạ này cứ được truyền rộng ra, Từ Côn từ khi còn bọc tã đã trở thành kỳ nhân, ba tuổi biết chữ, chỉ cầm xem qua một hai lượt là có thể đọc thuộc lòng, đến khi mười năm mười sáu tuổi, đã là thiếu niên tài tử rồi, người đời chen nhau đến thăm hỏi.
Ngay cả một số ngôi sao trong giới văn học như Tiền Đại Hân, Chu Quân, cũng đánh giá rất cao Từ Côn. Tiền Đại Hân khen ngợi sách của ông: “Đọc sách của Hậu Sơn, khiến người ta cứ tự nhiên mà lĩnh hội được”. Chu Quân gọi ông là “Danh sĩ Sơn Tây, hậu thân Bồ Lưu Tiên”.
Thêm nữa, hôn nhân của Từ Côn cũng là một câu chuyện thần kỳ. Từ Côn lúc còn thiếu niên, nghe theo lời cha mẹ lấy Lưu Lục Nương quê ở Sơn Tây làm vợ. Không lâu sau Lưu Lục Nương mắc bệnh mà mất, trước khi lâm chung thì nói với mẹ chồng rằng: “Xin hãy mang hài cốt của con chôn đi, kiếp sau con sẽ lại đến nhà ta”.
Cha mẹ Từ Côn nghe thấy nàng trăn trối vậy, nên cũng toại nguyện mà đem nàng chôn ở gần ao hoa sen. Về sau, Từ Côn lấy Cao thị làm vợ.
Năm Càn Long thứ 26 đời nhà Thanh (năm 1761), Từ Côn trở lại quê hương Lâm Phần, sống quy ẩn nơi thôn quê yên tĩnh. Ông dồn toàn bộ tinh lực vùi đầu vào sáng tác, đồng thời tập trung vào việc xuất bản sách.
Cuốn “Liễu nhai ngoại biên” phần lớn là được hoàn thành ở nơi đây. Ông sáng tác hí khúc “Vũ hoa đài truyền kỳ”, đã trở thành kịch bản được lưu truyền rộng nhất lúc bấy giờ, được rất nhiều người yêu thích.
Một ngày, ở Tương Lăng (ngày nay là huyện Tương Phần, tỉnh Sơn Tây), “Vũ hoa đài truyền kỳ” của Từ Côn đang được diễn ở đây, mẹ của Lưu Lục Nương cũng đến xem, liền nhìn thấy một cô gái, thần thái của cô cực kỳ giống với người con gái đã qua đời nhiều năm của bà, làm bà phải dừng lại để nhìn kỹ hơn.
Cô gái cũng chăm chú nhìn vào Lưu lão phu nhân. Sau khi tan kịch lão phu nhân bám theo cô gái về đến nhà, kéo lấy tay cô gái khóc và nói: “Con không phải là con gái của ta, nhưng tại sao thần thái lại giống con gái của ta đến vậy?”. Cô gái nghe xong thì nước mắt cũng lã chã rơi.
Cô gái tên là Lý Yểu, tuổi vừa 14, chính là Lưu Lục Nương chuyển thế, cô có thể nhớ rõ những sự việc trong kiếp trước của mình, thường một mình thở dài: “Lục Nhi, Lục Nhi, kiếp này sao lại sinh ra làm gì”. Hôm nay gặp được mẹ của mình trong kiếp trước sao có thể không xúc động cho được.
Lưu lão phu nhân nói: “Con có biết ‘Vũ hoa đài truyền kỳ’ là ai sáng tác không? Chính là người chồng kiếp trước của con đó, bây giờ tuy anh ta đã cưới vợ khác là Cao thị, nhưng vợ của anh ta cũng rất hiền thục, ta vẫn muốn hoàn thành nguyện vọng kiếp trước của con, cho con trở lại Từ gia, làm chị em của Cao thị”.
Lúc ấy, mẹ của Lý Yểu không bằng lòng lắm, nhưng Lưu lão phu nhân trăm phương ngàn kế cho người làm mai mối, đến năm thứ hai, Lý Yểu được 15 tuổi liền trở thành vợ của Từ Côn. Lúc này, Từ Côn đã hơn 40 tuổi rồi.
Lý Yểu nhu hòa lại lắm tài, rất được Từ Côn yêu mến, ở cùng với Cao thị cũng rất tốt. Có một năm đi viếng mộ nhân tiết Thanh Minh, đi ngang qua mộ của Lưu Lục Nương, Lý Yểu bỗng chảy nước mắt nói với Cao thị: “Đây chính là em trong kiếp trước, như là hoa rơi vào bùn vậy”. Nói xong lệ rơi không ngừng.
Cao thị hỏi vì sao mà thương cảm vậy, Lý Yểu nói: “Em nhớ rõ lúc từ âm phủ chuyển thế đến dương gian, trong tay áo có hơn 20 tấm thẻ trúc, trong đó có chín miếng trúc đoàn tụ. Chỉ sợ em với lang quân nhà mình nhân duyên cũng chỉ được chín năm thôi”. Cao thị an ủi nói: “Những cái này cũng chưa tin được”.
Năm Càn Long thứ 35 (năm 1770) trong lần thi Hương năm đó, Từ Côn là cử nhân thứ 20. Không lâu sau, ông mang theo gia quyến đến kinh thành. Hai năm sau (năm 1772), Lý Yểu ở kinh thành bị bệnh mà mất, được 24 tuổi, làm vợ Từ Côn được đúng chín năm.
Từ Côn đau khổ mãi không thôi, an táng cô ở gần đình bên ngoài Bắc Kinh. Bạn bè của Từ Côn đã làm mộ bia, trên có vẽ bức họa của Lý Yểu, xung quanh có cây mận, cây liễu, hoa rơi, đề là “Hoa lạc dư phương”. Để kỷ niệm người con gái hai đời đều chung tình, Từ Côn đã vì cô mà viết một kịch bản tên là “Hợp hoan trúc truyền kỳ”.
Trong diễn đàn văn học thế giới và trong cả đời sống, Bồ Tùng Linh và Từ Côn mỗi người đều đã viết xuống một bản truyền kỳ. Văn nhân kết mối tiên duyên, hồng trần tiếp nối giai thoại.
Chân Chân (Theo SOH)
Xem thêm: