Lao động Việt Nam bị giữ trái phép tại Ả Rập kêu cứu
“Các anh ơi, cứu chúng em với!”. Đó là lời kêu cứu khẩn thiết của lao động Việt Nam đang bị giữ trái phép tại Ả Rập Saudi. Phía Công ty phái cử lao động thì thờ ơ, thiếu trách nhiệm.
Có 4 lao động Việt Nam bị giữ trái phép tại Ả Rập Saudi
Một số lao động người Việt Nam tại Ả Rập Saudi (còn được gọi là Saudi Arabia, Arab Saud, Ả-Rập-Xê-Út), phản ánh về việc họ bị chủ sử dụng lao động vắt kiệt sức lao động, cuộc sống không đảm bảo, giam giữ trái phép không cho về nước dù đã hết hợp đồng…
Theo nội dung đơn cầu cứu của lao động Việt Nam bị giữ trái phép tại Ả Rập Saudi, ngoài Nguyễn Văn Đức, còn có 3 lao động khác là Nguyễn Văn Hiếu (Tam Đảo, Vĩnh Phúc); Nguyễn Văn Tình (Nghi Lộc, Nghệ An); Nguyễn Lâm Sinh (Bố Trạch, Quảng Bình).
Số lao động này khẩn cầu cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý, đưa họ về nước, tránh rủi ro có thể xảy ra.
“Chúng em bên này sống khổ lắm! Lương thấp, lại không được chi trả đều đặn. Chủ sử dụng lao động không ký tiếp hợp đồng với người lao động khi đã hết hạn làm việc. Họ nói nếu không đi làm sẽ đưa chúng em về theo dạng trục xuất hoặc không cho về Việt Nam. Bây giờ chúng em không còn cách nào khác là phải nghe theo lời chủ sử dụng lao động. Để nuôi hy vọng về đoàn tụ cùng gia đình, dù ốm chúng em cũng phải lăn lưng ra làm việc”, một lao động Việt Nam tại Ả Rập Saudi kêu cứu.
Số lao động bị giữ lại trái phép còn tố cáo đơn vị phái cử lao động – Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Cát có thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm với tính mạng của người lao động.
Theo đó, mặc dù người lao động bị chủ sử dụng giữ lại trái phép nhiều tháng, tuy nhiên Công ty này vẫn chưa giải quyết dứt điểm sự việc.
“Chúng em đã nhiều lần đề nghị đơn vị phái cử lao động can thiệp để được về nước, nhưng họ cứ hứa hết lần này tới lần khác, không giải quyết đề nghị của người lao động… Còn phía Đại sứ quán Việt Nam tại đây thì cho biết, họ phải đợi Công ty phái cử lao động có ý kiến trước, sau đó mới can thiệp. Cứ như thế này chúng em bơ vơ lắm! Không biết mạng sống có được đảm bảo hay không? Các anh ơi cứu chúng em với!”, lao động này kêu cứu.
Đơn vị phái cử lao động thiếu trách nhiệm
Trước sự việc có liên quan, hôm 15/2, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Cát cho biết, việc lao động hết hạn hợp đồng có về nước được hay không phụ thuộc vào chủ sử dụng lao động và sự can thiệp của cơ quan chức năng.
“Cái này không phải Công ty chúng tôi muốn đưa người lao động về nước là về ngay được. Việc này cần có sự can thiệp của đại diện cơ quan nhà nước Việt Nam tại Ả Rập. Mà bây giờ mình làm căng với nó (chủ sử dụng lao động) là mình chịu thiệt. Thậm chí đơn vị sử dụng lao động có thể đưa lao động vào trại tị nạn hoặc trục xuất”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, tại mục 5, điều II, hợp đồng đưa người lao động đi làm việc có thời hạn tại Ả Rập Saudi, quy định quyền và trách nhiệm của Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Cát quy định cụ thể như sau:
“Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Cát tổ chức cho người lao động đi và về theo đúng hợp đồng đã ký kết với đối tác nước ngoài”.
Tại mục 17.3 điều III, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động ghi rõ: “Khi lao động kết thúc hợp đồng phải về nước. Nếu gia hạn hợp đồng phải được sự đồng ý của Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Cát”.
Như vậy không có lý do gì Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Cát có thể thoái thác trách nhiệm của mình trong việc đưa lao động về nước theo đúng quy định đã ký kết.
Theo giaoduc.net