Làng Chăm An Giang hấp dẫn du khách
Cộng đồng người Chăm tỉnh An Giang đang chủ động phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch cũng như giới thiệu những nét đặc sắc về văn hóa của dân tộc mình để thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Nhà nhà làm du lịch Thời gian gần đây, các xóm Chăm trong tỉnh An Giang đã được nhiều du khách chọn làm điểm đến trong hành trình về miền Tây. Có thể kể như các xóm Chăm Đa Phước (huyện An Phú), Phủm Xoài, Châu Phong (thị xã Tân Châu)… Khách du lịch nước ngoài tham quan, mua sắm hàng dệt ở xóm Chăm Đa Phước. Ảnh: TRỌNG BÌNH Anh Mach Ro Lip – chủ một quầy hàng lưu niệm ở xóm Chăm Đa Phước cho hay: “Trước đây, hồi chúng tôi mới ra làm du lịch, hướng dẫn cho du khách, nhiều người còn nặng quan niệm sống khép kín, cho rằng như thế làm mất đi vẻ đẹp truyền thống của người Chăm. Nhưng nay thì khác, thanh niên Chăm ở đây chủ động giới thiệu cho du khách nét văn hóa truyền thống, khiến du khách rất thích thú”. Lợi thế để làm du lịch ở các xóm Chăm là những ngôi Thánh đường cổ kính cùng những ngôi nhà sàn trầm mặc gắn bó với đời sống thường nhật của người Chăm An Giang. Những người Chăm có tư tưởng thông thoáng đã sớm nhận ra lợi thế này để khai thác và phát huy. Họ chỉ làm những “thao tác” khá đơn giản nhưng đã thể hiện ý thức và sự tinh tế trong cách làm du lịch. Nơi công cộng như Thánh đường thì họ chỉnh trang lại hàng rào, sơn phết lại cổng; làm một số bảng hướng dẫn đặt ở những nơi cần thiết như “vui lòng giữ yên lặng”, “trật tự nơi tôn nghiêm”, “để giày dép bên ngoài”… Phát huy thế mạnh cộng đồng
Để tạo điểm nhấn, tìm lối đi riêng, người dân các xóm Chăm An Giang tận dụng khai thác du lịch kiểu “cây nhà lá vườn”. Chẳng hạn những gia đình có quầy hàng phục vụ khách du lịch thì cho bố trí một khung dệt ở mặt tiền để du khách mục sở thị nghề dệt đặc sắc của người Chăm. Chị Ay Sah – chủ một quầy hàng lưu niệm ở xóm Chăm Đa Phước cho biết: “Nhận thấy du khách rất thích mua những sản phẩm dệt của người Chăm, nhưng họ sợ hàng giả, hàng lấy từ nơi khác về; vì thế mà chúng tôi bố trí những khung dệt ở ngay quầy hàng, có người ngồi dệt thường xuyên thì họ tin và mua hàng không ngại, sản phẩm dệt ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu”. “Xóm Chăm này còn huy động trong dòng họ cùng nhau hùn tiền bắc cầu để cho du khách đi từ dưới bến sông lên Thánh đường thuận lợi và dễ dàng ngay cả trong mùa nước nổi” – chị Sa Mi Roh, một chủ quầy hàng lưu niệm ở xóm Chăm Đa Phước đon đả nói. Theo ông Đặng Đức Phong – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch (Sở VHTTDL) An Giang, nhiều công ty du lịch, lữ hành đang hợp tác rất tốt với các xóm Chăm và ngày càng có nhiều tour tuyến đến các xóm Chăm này. |
Theo Dân Việt