Lần đầu tiên bắt được loài động vật cổ bí ẩn nhất thế giới
Zenkerella insignis sống trên đảo Bioko là một trong những loài vật cổ bí ẩn nhất thế giới còn tồn tại cho đến ngày nay. Nhưng nay các nhà khoa học đã có hy vọng tìm ra lời giải đáp khi lần đầu tiên bắt được con vật này.
Lần gần đây nhất các nhà khoa học nghe về con vật bí ẩn này là 2 thập kỷ trước, và trong cả trăm năm qua chỉ có 11 hóa thạch được đặt tại các bảo tàng trên thế giới. Nhưng giờ đã có người nắm trong tay một con Zenkerella còn sống. Đây là cơ hội để kiểm tra bộ gen của một trong những loài động vật có vú kỳ lạ nhất thế giới.
Các thành viên của chi Zenkerella là những sinh vật không thay đổi nhiều trong 49 triệu năm qua. Chúng xuất hiện trễ hơn khủng long 15 triệu năm và sớm hơn các loài linh trưởng 35 triệu năm, khi Australia vẫn còn dính liền với Nam Cực và dãy Himalaya thậm chí chưa tồn tại.
Thông tin về Zenkerella từ trước tới giờ chỉ giới hạn trong hóa thạch loài anh em với mẫu vật vừa được tìm thấy. Nhà sinh học Erik Seiffert tin rằng nếu có cơ hội đối chiếu, họ có thể khám phá ra rất nhiều điều về loài động vật gặm nhấm này, chưa kể những thay đổi của môi trường châu Phi suốt 50 triệu năm qua.
Seiffert đã hợp tác với Fernandez, hiện là giám đốc trung tâm bảo tồn thiên nhiên do Chương trình Bảo vệ đa dạng sinh học Bioko sáng lập, để nghiên cứu Zenkerella. Fernandez cũng giảng dạy ở ĐH West (Anh).
Khi hỏi ý kiến các đồng nghiệp của họ về Zenkerella, tất cả đều nói rằng chưa từng nghe tên con vật này. Seiffert cho biết, đây là loài vật có ít thông tin nhất. Thời gian hoạt động, thức ăn hay nơi chốn chúng sinh sống hoàn toàn là bí ẩn trong suốt 50 triệu năm nay. Đây là điều hiếm thấy với động vật có vú vì đa số các chi cùng loài đều được nghiên cứu khá kỹ.
Qua quan sát ban đầu chúng dường như có họ hàng với vài loài gặm nhấm khác như sóc bay đã tách ra thành một chi riêng. Điều đặc biệt nằm ở việc trong 5.400 động vật có vú, Zenkerella có cấu trúc gần sát với tổ tiên, chứng tỏ chúng là hậu duệ trực tiếp của loài cổ xưa đã tuyệt chủng, nên được mệnh danh là “hóa thạch sống”.
Điều đáng quan ngại là môi trường sống tự nhiên của Zenkarella tại Trung Phi đang bị thu hẹp vì nạn phá rừng. Không rõ còn bao nhiêu con sống trong tự nhiên, thậm chí Liên minh bảo tồn thiên nhiên Quốc tế còn xếp Zenkarella vào loài “ít quan tâm”. Tuy không rõ loài gặm nhấm này có đang thực sự bị đe dọa không, nhưng Seiffert cho rằng chúng đang không nhận được trân trọng cần thiết.
Giờ Seiffert, Fernandez và các đồng nghiệp sẽ bắt tay vào giám định mẫu vật để hiểu được nguồn gốc di truyền, các tính trạng lạ và cổ xưa còn sót lại.
“Đây là khám phá đáng kinh ngạc, chứng minh cho việc sẽ còn nhiều điều đáng trông chờ hơn trong tương lai“, Seiffert nói.
Theo Dân Việt