Làm sao để sống sót trong một vụ nổ bom?
Nếu nghĩ rằng nấp sau một bức tường hay nhảy ra khỏi một vụ nổ… như trong phim là có thể giúp mình sống sót thì bạn đã nhầm, vì sức công phá của một vụ nổ bom thực sự không chỉ đơn giản như những gì mà chúng ta nhìn thấy. Vậy làm thế nào để sống sót trong một vụ nổ bom?
Lửa, sức nóng và các mảnh bom gây ra sức sát thương rất lớn trong một vụ nổ, nhưng sát thủ vô hình gây ra thiệt hại lớn nhất cho con người lại chính là sóng xung kích. Dù chỉ xuất hiện trong vài mili giây, nhưng với vận tốc 3 – 9 km/h nó có thể gây ra áp lực vô cùng lớn và thổi bay mọi thứ ở gần tâm của vụ nổ.
Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ rằng nấp sau một bức tường có thể giúp sống sót thì bạn đã nhầm. Vì sự tàn phá của vụ nổ vẫn chưa dừng lại ở đó, tất cả mới chỉ là bắt đầu.
Áp suất – kẻ giết người vô hình
Không khí xung quanh chúng ta có áp suất ở điều kiện bình thường là 15kg trên mỗi inch vuông (0,00064 m2). Đó là áp lực mà cơ thể con người đã tiến hóa để có thể làm quen và sống chung với nó. Do đó, cơ thể của chúng ta sẽ bị tác động đáng kể nếu như áp suất không khí đột ngột thay đổi.
Khi quả cầu lửa bùng lên, nó phát ra các sóng xung kích và đẩy không khí ra bên ngoài theo tất cả các hướng làm bên trong không còn không khí và trở thành trạng thái gần giống với chân không. Điều đó khiến cơ thể con người từ trạng thái bình thường chịu một cú đập cực mạnh của sóng xung kích và sau đó là trạng thái chân không chỉ trong chưa đầy một giây.
Mặc dù cơ thể con người có thể điều chỉnh để chịu được áp suất 180kg trên mỗi inch vuông, nhưng với sự thay đổi áp suất đột ngột như vậy thì chỉ cần áp lực tăng lên khoảng 20 kg trên mỗi inch vuông cũng có thể dẫn đến tử vong.
Tai là cơ quan đầu tiên cảm nhận được sự thay đổi áp suất. Một làn sóng áp lực kéo dài ít hơn 3 mili giây là đã khiến màng nhĩ không thể thích nghi kịp mà có thể dẫn đến tổn thương. Tiếp đến là phổi, cơ quan chứa đầy máu và không khí này cũng sẽ bị đè bẹp bởi sức ép và có thể dẫn đến xuất huyết bên trong.
Nấp sau một bức tường không giúp bạn sống sót
Tuy nhiên đó chưa phải là cách giết người duy nhất của sát thủ vô hình này. Bởi nó không chỉ để lại một khoảng chân không rất lớn ở tâm vụ nổ, mà khi sóng xung kích ngừng thì không khí phía ngoài bắt đầu quay trở lại và lấp đầy khoảng chân không ở chính giữa vụ nổ, và lần này nó không chỉ gây ra sức ép mà còn tạo ra gió, những cơn gió rất mạnh.
Nó giống với hiện tượng khi bạn ném một vật nặng xuống mặt nước, làn sóng nước sẽ lan tỏa theo các hướng nhưng sau đó sẽ quay trở lại. Đó cũng là lý do vì sao các vụ nổ bom hạt nhân lại có hình nấm, khi mà không khí quay trở lại và tạo thành một cột khói khổng lồ.
Một sự thay đổi áp suất khoảng 20 psi (từ môi trường áp suất cao do sóng xung kích nén không khí lại, đến môi trường chân không ở tâm vụ nổ) có thể tạo ra những cơn gió giật với vận tốc 760km/h. Với vận tốc này, những cơn gió không chỉ kéo lê chúng ta đi mà còn có thể nhấc bổng một người trưởng thành trong không trung, rồi ném bạn vào những bức tường, mặt đường hay bất kỳ vật cản nào trên đường đi của nó.
Với lực vô cùng mạnh của cơn gió 760 km/h, bạn khó có thể sống sót. Do đó, việc nấp sau những bức tường kiên cố có thể giúp bạn sống sót sau vụ nổ đầu tiên, nhưng bạn vẫn không thể chạy trốn khỏi kẻ giết người vô hình mang tên áp suất và gió.
Vậy làm thế nào để sống sót trong một vụ nổ bom?
Các loại thuốc nổ dùng trong quân sự có thể gây ra áp lực hàng triệu kg trên mỗi một inch vuông, nên nó có thể phá hủy mọi thứ xung quanh và bạn sẽ không có một cơ hội nào để sống sót.
Còn đối với các loại thuốc nổ với sức công phá nhỏ hơn, câu trả lời chính là khoảng cách. Sức công phá của vụ nổ giảm theo bình phương khoảng cách. Khoảng cách 100m sẽ giúp bạn an toàn trước một vụ nổ gây ra bởi 1 kg TNT. Khoảng cách 1000m có thể giúp bạn an toàn trước hàng tấn TNT.
Do đó, hãy chạy thục mạng ra xa khỏi tâm của vụ nổ. Chạy trong tư thế che đầu và tai để giảm bớt các chấn thướng. Và nhớ rằng đứng đằng sau những bức tường vững chắc cũng không thể bảo vệ bạn khỏi áp lực của những vụ nổ lớn.
Theo GenK